Vỡ đường ống dẫn nước sông Đà: Cơ quan dân cử đâu rồi?

VOV.VN - Từ vụ vỡ đường ống nước sông Đà, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội. 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đường ống nước sạch sông Đà 1 về Hà Nội liên tục xảy ra sự cố bị vỡ đòi hỏi Hà Nội phải khẩn trương triển khai đường ống nước số 2. Việc triển khai khẩn trương đường ống số 2 là một giải pháp khắc phục nhanh cơ bản tình trạng đường ống nước số 1 Sông Đà liên tục bị vỡ và tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục vỡ.

Nghe nội dung bài viết:

Theo Bà Bùi Thị An, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, đường ống nước sạch Sông Đà 1 bị vỡ đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống sinh hoạt của gần 70.000 hộ dân. Đây là vấn đề an sinh xã hội của thành phố. Do đó, trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội là đảm bảo an sinh xã hội, mặt khác là liên quan đến trách nhiệm của người cấp nước.

UBND Thành phố cần vào cuộc quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp khắc phục, giải pháp căn cơ là nhanh chóng triển khai xây dựng đường ống nước sạch số 2. Bà Bùi Thị An cũng cho rằng, qua vụ việc đường ống nước Sông Đà liên tục bị vỡ và một số Dự án công trình xây dựng trên địa bàn Thủ đô thời gian qua có chất lượng yếu kém cho thấy, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cần tăng cường thực hiện, nâng cao vai trò giám sát về chất lượng đối với các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Một trong những lần khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. (Ảnh: VietNamNet)

Các cơ quan dân cử ở địa phương giám sát, kiểm tra toàn bộ quy trình từ khâu lập dự án đến khâu thi công, bảo đảm chất lượng công trình. Qua giám sát giúp các cơ quan quản lý các cấp, các chủ đầu tư phát hiện những sai sót, bất cập trong triển khai các dự án để có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình.

“Việc vỡ đường ống nước Sông Đà có trách nhiệm lớn của TP Hà Nội trong chỉ đạo khắc phục. Từ công trình này còn thấy nhiều công trình khác cần rút kinh nghiệm, bài học để không bị lặp lại. Dự án vốn Nhà nước hay vốn xã hội hoá thì cuối cùng đều cung cấp các dịch vụ phục vụ múc đích người dân. Từ thực tế này phải tăng cường vai trò giám sát xã hội, đặc biệt là của Quốc hội, HĐND. Thời gian qua công tác giám sát này chưa  được phát huy, chưa đạt hiệu quả. Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cần có những quy định về trách nhiệm và thẩm quyền giám sát của HĐND cac cấp đối với công tác quản lý về xây dựng”, bà Bùi Thị An nói.

Thời gian qua, giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân các cấp đã phát hiện ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc đầu tư xây dnựg các công trình, dự án. Đó là tình trạng, đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, chất lượng một số công trình xây dựng còn thấp…làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Song, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các công trình xây dựng của các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan dân cử ở nhiều nơi chưa hiệu quả, việc giám sát cộng đồng chưa được nhiều, chưa tương xứng với số lượng dự án xây dựng thực hiện.

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng, chất lượng công trình xây dựng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ năng lực và ý thức trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng công trình, cơ chế chính sách quản lý chất lượng công trình xây dựng, chất lượng vật tư, vật liệu đưa vào thi công xây dựng công trình, các yếu tố khí tượng thủy văn,...

Ông Đinh Xuân Thảo

Theo pháp luật hiện hành, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng được thực hiện bởi các chủ thể như: giám sát của nhà thầu thi công, giám sát của chủ đầu tư, giám sát của nhân dân, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Để giám sát của các cơ quan dân cử đối với các Dự án, công trình xây dựng đạt hiệu quả, yêu cầu đoàn giám sát phải có chuyên môn về kỹ thuật, kinh tế.

Do vậy, đòi hỏi Đoàn giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ về con người, phương tiện, đặc biệt là Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp cần tăng cường tổ chức làm việc với các cơ quan liên quan trong quá trình giám sát các công trình, Dự án xây dựng để làm rõ trách nhiệm.

Ông Đinh Xuân Thảo đề nghị: “Qua thực tế thấy rằng sự phối hợp trong giám sát công tác quản lý về chất lượng xây dựng của HĐND là rất cần thiết. Cần làm rõ trách nhiệm của các bên trong giám sát để nhanh chóng đưa ra các biện pháp khắc phục những vướng mắc, tránh giám sát công trình xâydựng về hình thức. Thời gian qua, việc giám sát này chưa được chú trọng và tổ chức còn hình thức. Vì thế, cần tăng cường giám sát của cơ quan dân cử đối với vấn đề này. Cần nghiên cứu quy định cụ thể trong Luật hoạt động giám sát đang được Quốc hội thảo luận”.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Quốc hội thông qua Luật Xây dựng 2014 với những nội dung đổi mới căn bản như: Phân biệt rõ các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác nhau thì có phương thức quản lý khác nhau; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, đặc biệt là việc kiểm soát, quản lý chất lượng và chi phí xây dựng; cấp phép xây dựng, quản lý năng lực hành nghề xây dựng, kiểm tra việc nghiệm thu công trình trước khi đưa vào khai thác sử dụng. Đổi mới mô hình quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp hóa...Đây là cơ sở quan trọng cho việc kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình dự án xây dựng.

Đoàn giám sát của cơ quan dân cử tuỳ từng công trình, dự án để tiền hành quá trình tham gia theo dõi các công việc liên quan đến đầu tư xây dựng từ chủ trương đầu tư đến lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán; công tác lựa chọn thầu; trách nhiệm của chủ đầu tư, sở quản lý chuyên ngành để các cuộc giám sát có hiệu quả, có những tham mưu, kiến nghị, chính xác phù hợp về chất lượng đối với các công trình dự án xây dựng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên