Xử lý cán bộ về hưu vi phạm có cần truy thu phụ cấp chức vụ không?
VOV.VN - Đại biểu đặt vấn đề không chỉ xử lý kỷ luật cán bộ về hưu vi phạm mà cần phải truy thu toàn bộ chế độ chính sách mà đối tượng này được hưởng.
Chiều 10/6, phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội xung quanh đề xuất bổ sung quy định cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác.
Xóa tư cách chức vụ thực chất chỉ là "xóa cái danh"
Cho rằng bản chất của việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ hưu mới phát hiện hành vi vi phạm trong thời gian công tác là xử lý hồi tố, đại biểu Mong Văn Tình (đoàn Nghệ An) đề nghị cân nhắc luật hóa việc xóa tư cách chức vụ.
Đại biểu Mong Văn Tình (đoàn Nghệ An). |
“Nếu chỉ xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm thực chất chỉ là “xóa cái danh”, mà quan trọng hơn là các chế độ, chính sách kèm theo như hệ số phụ cấp, thưởng và một số chế độ khác cán bộ đã được hưởng có truy thu không?” – đại biểu đặt vấn đề.
Theo đại biểu đoàn Nghệ An, việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm còn ảnh hưởng đến những quyết định, văn bản do cán bộ, công chức đó đã ký kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu luật hóa quy định này, đồng nghĩa giá trị pháp lý các văn bản quyết định do cán bộ, công chức, viên chức đó ký khi còn đương chức không còn hiệu lực.
“Nếu quy định hình thức kỷ luật xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm thì đề nghị cần xử lý đầy đủ các chính sách mà đối tượng đó đã được hưởng” – ông Mong Văn Tình cho biết.
Đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) cũng cho rằng, cần cân nhắc thêm vấn đề về thời hạn, thời hiệu xử lý, hình thức xử lý, trình tự, thủ tục, mối quan hệ giữa xử lý kỷ luật đối tượng này với trách nhiệm hành chính, hình sự.
Đại biểu đề nghị xem xét tách phần xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc thành một điều riêng để quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết. Ngoài ra hình thức xóa tư cách chức vụ cần được nghiên cứu, xem xét và quy định lại hoặc có thể thay thế bằng các hình thức như: cắt, tước bỏ quyền lợi về chính trị, vật chất mà người đó vẫn đang được hưởng khi nghỉ hưu thì ý nghĩa và tác dụng răn đe sẽ thiết thực hơn.
Bị kỷ luật khi nghỉ hưu thì văn bản đã ký còn hiệu lực?
Tuy nhiên, nữ đại biểu bày tỏ băn khoăn những văn bản quyết định mang tính pháp lý có chữ ký của cán bộ, công chức trong thời gian công tác trước đây, sau khi bị kỷ luật còn có hiệu lực hay không? Quy định như thế nào để tránh thiệt cho người chịu tác động bởi những văn bản đó.
“Nếu cán bộ đó ốm yếu và bệnh nặng không thể tham gia việc xử lý kỷ luật, thì sẽ như thế nào? Cần quy định điều này rõ hơn, cụ thể hóa các hình thức kỷ luật để đảm bảo phù hợp với thực tiễn” – đại biểu đoàn Hưng Yên cho biết.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình về các vấn đề đại biểu nêu. |
Giải trình về các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Dự thảo lần này đưa ra một điều khoản riêng áp dụng cho các đối tượng khác, không ghi đó là viên chức. Nhiều ý kiến đồng tình với việc cán bộ mắc sai phạm trong thời gian còn công tác thì phải chịu xử lý. Song cũng có đại biểu cho rằng, phạm vi như vậy thì quá rộng, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn mới chịu xử lý.
“Luật quy định đối với cả viên chức nếu có vi phạm trong thời gian còn công tác, khi nghỉ hưu vẫn xem xét, xử lý bình đẳng như nhau. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về vấn đề này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tính pháp lý của các hình thức xử lý kỷ luật sau khi đã thôi làm nhiệm vụ, nghỉ hưu” – ông Lê Vĩnh Tân cho biết./.