Ý kiến trái chiều về việc chuyển cấp bằng lái xe sang Bộ Công an

VOV.VN - Bên cạnh ý kiến ủng hộ thì nhiều đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn về việc tách Luật GTĐB hiện hành thành 2 luật và chuyển sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an.

Nội dung này được thảo luận sôi nổi trên Hội trường chiều 16/11 khi Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

“Nếu tách luật GTĐB thì còn phải tách nhiều luật khác”

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) bày tỏ sự băn khoăn khi tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật là Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

“Phạm trù giao thông là một thể thống nhất, có quan hệ biện chứng với nhau, không thể tách rời, đó là: Cơ sở hạ tầng giao thông, quy tắc giao thông phương tiện giao thông và người tham gia giao thông. Bảo đảm an toàn giao thông là một mục tiêu mà chúng ta hướng tới chứ không phải là đối tượng cần có luật điều chỉnh” - đại biểu Nguyễn Quốc Hận nói.

Cũng theo đại biểu này, việc triển khai, phối hợp tổ chức của nhiều bộ, ngành, lĩnh vực là một thực tế khách quan và không thể chỉ vì phạm vi hoạt động của 2 bộ, 2 lĩnh vực thì tách ra thành 2 luật. Nếu như thế thì còn phải tách ra nhiều luật nữa để tách bạch giữa các bộ, ngành và lĩnh vực. Do đó, ông đề nghị xin ý kiến Quốc hội về tách 2 luật này.

Về việc chuyển nhiệm vụ quản lý sát hạch, đào tạo giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận băn khoăn về việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe của Bộ Giao thông Vận tải và 63 tỉnh, thành.

Theo ông, thực tiễn hoạt động của công tác quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe đang được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện tốt, kết nối cổng dịch vụ công quốc gia từ năm 2019 liên thông trong toàn quốc đối với giấy phép lái xe. Chúng ta đã ký hiệp ước với 85 quốc gia, nếu thay đổi sẽ tốn kém kinh phí cho nhà nước và nhân dân khi phải hiệp thương lại với các nước đã ký kết.

“Ai dám bảo đảm, khẳng định và chịu trách nhiệm cá nhân khi chuyển nhiệm vụ sang Bộ Công an thì không có giấy phép lái xe giả, tai nạn giao thông giảm, trong khi giấy tờ của ngành công an cấp cũng có trường hợp giả như hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân... Không nên tập trung quá quyền lực vào một số cơ quan đơn vị, vì như thế dễ sinh ra lạm quyền, đặc quyền, đặc lợi”- ông Nguyễn Quốc Hận nói.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Quốc Hận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng không nên tách thành một luật riêng - Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Nữ đại biểu cũng đề nghị cần phải cân nhắc cẩn trọng về sự cần thiết phải thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Trước đây, công tác này từng do Bộ Công an quản lý, nhưng qua nghiên cứu sửa đổi đã giao trách nhiệm về Bộ Giao thông Vận tải. Điều này phù hợp với tinh thần Nghị quyết 17 của Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, có nội dung thực hiện chuyển quyền quản lý một số lĩnh vực có đủ điều kiện dân sự hoá của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sang Bộ ngành khác.

Sau 25 năm thực hiện, hệ thống nguồn nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe của Bộ Giao thông Vận tải ngày càng được hoàn thiện và hiện đại hoá. Việc thay đổi cơ quan quản lý phải tính toán kỹ lưỡng về chi phí phát sinh, tránh gây lãng phí nguồn nhân lực và cơ sở vật chất.

“Tách luật là cần thiết”?

Trái với các ý kiến nêu trên, đại biểu Quốc hội Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về chủ trương tách thành 2 luật Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết.

Theo ông, báo cáo giải trình tiếp thu đã nêu rõ quan điểm của Đảng theo Nghị quyết số 18 của Ban Bí thư về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an toàn tính mạng con người.

“Một căn cứ quan trọng để tách riêng 2 luật là hiện nay tình hình an toàn giao thông đường bộ đang diễn biến rất phức tạp. Hơn 10 năm qua, tai nạn giao thông ở nước ta đã làm trên chết hơn 100.000 người, bị thương trên 330.000 người, trong đó, nhiều người bị thương tật suốt đời để lại gánh nặng cho xã hội, gia đình. Bên cạnh đó, đường bộ còn diễn ra nhiều vấn đề phức tạp về hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cướp, gây rối trật tự công cộng, vận chuyển hàng cấm…” - đại biểu Quách Thế Tản phân tích.

Vị đại biểu đoàn Hoà Bình cho rằng việc Chính phủ quyết định trình dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ với dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đã được thảo luận cân nhắc thận trọng. Quá trình xây dựng luật đã nhận được sự đồng tình của các bộ, ngành thành viên Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải.

“Hai dự án luật sẽ gắn trách nhiệm của các bộ, ngành đối với từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, ngành Công an chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ” – ông Tản nói.

Đại biểu Quốc hội Quách Thế Tản cũng đồng tình với việc chuyển quản lý sát hạch, đào tạo giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Bởi điều này phù hợp, đảm bảo tính hợp lý đồng bộ và thống nhất xuyên suốt và nhất quán từ cấp giấy phép lái xe và sau đó quản lý giấy phép lái xe. Quy định này giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay đòi hỏi phải tăng cường quản lý nhà nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thường vụ Quốc hội đề nghị đánh giá thêm về việc "giao Bộ nào quản lý sát hạch lái xe"
Thường vụ Quốc hội đề nghị đánh giá thêm về việc "giao Bộ nào quản lý sát hạch lái xe"

VOV.VN - Về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, do còn ý kiến khác nhau về việc giao Bộ nào quản lý, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần đánh giá tổng kết thêm, như về bộ máy, chi phí,...

Thường vụ Quốc hội đề nghị đánh giá thêm về việc "giao Bộ nào quản lý sát hạch lái xe"

Thường vụ Quốc hội đề nghị đánh giá thêm về việc "giao Bộ nào quản lý sát hạch lái xe"

VOV.VN - Về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, do còn ý kiến khác nhau về việc giao Bộ nào quản lý, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần đánh giá tổng kết thêm, như về bộ máy, chi phí,...

Bộ Công an sẽ xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch lái xe như thế nào?
Bộ Công an sẽ xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch lái xe như thế nào?

VOV.VN - Cục CSGT-Bộ Công an cho biết, nếu công tác đào tạo, sát hạch lái xe được chuyển giao cho Bộ Công an thì sẽ được xã hội hóa.

Bộ Công an sẽ xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch lái xe như thế nào?

Bộ Công an sẽ xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch lái xe như thế nào?

VOV.VN - Cục CSGT-Bộ Công an cho biết, nếu công tác đào tạo, sát hạch lái xe được chuyển giao cho Bộ Công an thì sẽ được xã hội hóa.

Tách 2 luật về giao thông làm sao để tránh chồng chéo, lãng phí?
Tách 2 luật về giao thông làm sao để tránh chồng chéo, lãng phí?

VOV.VN - Thảo luận tại tổ sáng 11/9, các vấn đề sửa Luật Giao thông đường bộ theo hướng tách thành 2 luật: Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, vẫn còn nhiều băn khoăn, ý kiến trái chiều.

Tách 2 luật về giao thông làm sao để tránh chồng chéo, lãng phí?

Tách 2 luật về giao thông làm sao để tránh chồng chéo, lãng phí?

VOV.VN - Thảo luận tại tổ sáng 11/9, các vấn đề sửa Luật Giao thông đường bộ theo hướng tách thành 2 luật: Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, vẫn còn nhiều băn khoăn, ý kiến trái chiều.