“Quỹ Dịch vụ viễn thông hoạt động sao cho tốt chứ không nên bàn có hay không”

VOV.VN - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích trong Luật Viễn thông (sửa đổi). Vấn đề đặt ra là tạo cơ chế để quỹ phát huy hiệu quả, nhất là phủ sóng vùng sâu, vùng xa.

Bắt đầu đợt 2 phiên họp 25, sáng nay (24/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Thống nhất duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích

Trình bày báo cáo liên quan nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy cho biết, hiện có 2 loại ý kiến: không quy định và tiếp tiếp tục duy trì quỹ. Thường trực Uỷ ban KH,CN&MT thống nhất với loại ý kiến đề nghị tiếp tục quy định quỹ.

Một trong những lý do quan trọng là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định “Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”. Tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cần tiếp tục triển khai hạ tầng cáp quang, phủ sóng 4G, 5G đến địa bàn cấp thôn; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối.

Các ý kiến phát biểu tại phiên họp cũng cơ bản đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra dự án luật. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, vấn đề là làm sao phủ sóng mạnh cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vì “ngay ở Hà Nội mà wifi nhiều khi còn lên xuống thất thường”.

DN viễn thông thường không chọn đầu tư cho những vùng này khi doanh thu không đủ bù đắp chi phí, nên luật cần tính các chính sách hỗ trợ. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần quan tâm đầu tư hạ tầng và kêu gọi DN chung tay để đảm bảo.

Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần thay đổi tư duy và có tính chiến lược để tránh tình trạng không quản được thì cấm. Việc hình thành các quỹ ngoài ngân sách trên tất cả các lĩnh vực là cần thiết để hỗ trợ Nhà nước, vì “miếng bánh” ngân sách Nhà nước có hạn, không thể nào có nguồn đảm bảo tất cả. Vấn đề là quản lý thế nào, bởi thực tế nhiều quỹ hoạt động kém do nguồn hình thành không rõ ràng, không minh bạch; mô hình tổ chức hoạt động không thống nhất, “mỗi ông làm mỗi kiểu”.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, dịch vụ viễn thông công ích cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tuy được quan tâm ưu tiên nhưng thực tế có nhiều khó khăn. DN không muốn đầu tư vì không hiệu quả, NN thì chưa phủ hết. Do vậy cần củng cố dịch vụ công ích và nghiên cứu các chính sách, quản lý NN thế nào để phủ sóng và đảm bảo an toàn viễn thông trên các khu vực này để mọi người dân tiếp cận dịch vụ.

“Nên nghiên cứu ban hành Luật quản lý quỹ ngoài ngân sách để quản lý cụ thể, thiết thực chứ không nên loay hoay bàn có duy trì quỹ hay không. Ta cứ thả nổi nên mới nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm cũng như có các vấn đề phức tạp. Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng luật, không ở nhiệm kỳ này thì cho các nhiệm kỳ sau” – ông Trần Quang Phương nêu quan điểm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Chi cho biết, khoản DN viễn thông đóng vào quỹ là khoản ngoài quy định về thuế. Thực tế cần thiết giữ quỹ này, tuy nhiên hoạt động vừa qua có tồn tại trong quản lý, sử dụng, tồn dư quỹ lớn nên hiệu quả không cao.

Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc xử lý linh hoạt, phù hợp hơn khoản đóng góp hằng năm. “Cân nhắc báo cáo Quốc hội luật này quy định mức tối đa, còn cụ thể hàng năm giao Chính phủ quy định trên cơ sở đánh giá mức tồn quỹ, nhu cầu trong năm và của năm mới để đưa ra mức đóng phù hợp nhất, tránh dư quỹ quá nhiều” – ông Nguyễn Văn Chi đề xuất.

Báo cáo thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bất kỳ giấy phép nào được cấp đều yêu cầu DN có trách nhiệm phủ sóng rộng nếu không thì Nhà nước phải đứng ra phủ sóng rộng. DN đóng tiền vào quỹ và Nhà nước dùng nguồn này giao cho nhà mạng phủ sóng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Thời gian qua, quỹ này góp phần quan trọng phổ cập dịch vụ viễn thông và thực tế Việt Nam đang có thứ hạng cao.

Thừa nhận vận hành quỹ còn nhiều tồn tại, song ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chủ yếu do cơ chế quản lý quỹ này như tiền của Nhà nước nên rất khó chi. Mới sử dụng hỗ trợ người nghèo, còn phát triển hạ tầng chưa nhiều nên tồn quỹ lớn.

“Sửa luật lần này giao cho Chính phủ quy định theo hướng tiền ngoài ngân sách để tháo gỡ việc chi xây dựng hạ tầng mạng lưới. Hiện 8 nghìn thôn, bản chưa có cáp quang, 4G chưa đến vùng sâu, vùng xa nhiều nên yêu cầu quỹ dịch vụ viễn thông công ích rất lớn” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bổ sung 3 dịch vụ nhưng “quản lý nhẹ”

Trước ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới là dịch vụ OTT viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, Thường trực Uỷ ban KH,CN&MT thấy rằng, dự thảo Luật điều chỉnh đối với 03 dịch vụ mới so với Luật Viễn thông năm 2009 là cần thiết.

Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ với xu hướng hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin, đã xuất hiện một số dịch vụ cung cấp thêm các tính năng tương tự như dịch vụ viễn thông truyền thống và các dịch vụ này cần được điều chỉnh với phương thức phù hợp vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển.

Dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây đã trở thành những thành phần quan trọng của hạ tầng số quốc gia, hạ tầng của nền kinh tế số. Việc điều chỉnh kinh doanh dịch vụ này sẽ tạo môi trường pháp lý rõ ràng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong khi đó dịch vụ OTT viễn thông được điều chỉnh sẽ tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Nhiều nước đã quy định OTT viễn thông là dịch vụ viễn thông, được quản lý theo pháp luật về viễn thông.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến xác đáng của ĐBQH, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng “quản lý nhẹ” đối với 3 dịch vụ nêu trên. Cụ thể là không hạn chế tỷ lệ vốn góp nước ngoài đối với hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông tại Việt Nam; giảm bớt một số nghĩa vụ so với các dịch vụ viễn thông truyền thống; chỉ quy định nguyên tắc về điều kiện hoạt động, giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với yêu cầu quản lý...

Góp ý vào nội dung này, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng tình với hướng quy định về 3 dịch vụ OTT viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây. Tuy nhiên, việc giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục dịch vụ viễn thông áp dụng hình thức đăng ký hay thông báo chưa thực rõ nên cần nghiên cứu phương án phù hợp hơn.

Nhấn mạnh nhiều nước phát triển các dịch này từ lâu, việc tham khảo kinh nghiệm là cần thiết, song ông Trần Thanh Mẫn lưu ý cần tính toán kỹ lưỡng, thận trọng trong áp dụng để phù hợp đặc thù của Việt Nam.

Nêu ý kiến tại phiên họp, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI đánh giá dự thảo luật rõ ràng, minh bạch, việc lấy ý kiến được thực hiện kỹ, thực chất và cầu thị nên các quy định tương đối thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN.

Bày tỏ đồng tình với quy định về bổ sung và “quản lý nhẹ” 3 dịch vụ trên, đại diện VCCI cho rằng điều này là phù hợp khi Việt Nam đang mong muốn trở thành trung tâm công nghệ thông tin, dữ liệu

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc đưa vào quản lý 3 dịch vụ để chính thức hoá vì các dịch vụ này ngày càng quan trọng mà chưa được đề cập ở đâu. “Quản lý nhẹ” thúc đẩy phát triển song vẫn đảm bảo hoạt động lành mạnh vì hiện có sự cạnh tranh rất mạnh.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Khoảng 10 năm nữa, bưu chính sẽ vượt viễn thông về doanh thu“
“Khoảng 10 năm nữa, bưu chính sẽ vượt viễn thông về doanh thu“

Với tốc độ tăng trưởng 35 - 40%/năm, khoảng 10 năm nữa, bưu chính sẽ vượt viễn thông về doanh thu.

“Khoảng 10 năm nữa, bưu chính sẽ vượt viễn thông về doanh thu“

“Khoảng 10 năm nữa, bưu chính sẽ vượt viễn thông về doanh thu“

Với tốc độ tăng trưởng 35 - 40%/năm, khoảng 10 năm nữa, bưu chính sẽ vượt viễn thông về doanh thu.

Có hay không chuyện "phình ra" trong sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập?
Có hay không chuyện "phình ra" trong sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập?

VOV.VN - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị giám sát vào các trọng tâm vướng mắc liên quan sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Có hay không chuyện "phình ra" trong sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập?

Có hay không chuyện "phình ra" trong sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập?

VOV.VN - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị giám sát vào các trọng tâm vướng mắc liên quan sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chủ tịch Quốc hội: Giám sát phải làm rõ vướng mắc của thị trường bất động sản
Chủ tịch Quốc hội: Giám sát phải làm rõ vướng mắc của thị trường bất động sản

VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đoàn giám sát nên nghiên cứu kỹ các báo cáo tổng kết thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các báo cáo thẩm tra để thấy rõ vướng mắc hiện nay của thị trường bất động sản

Chủ tịch Quốc hội: Giám sát phải làm rõ vướng mắc của thị trường bất động sản

Chủ tịch Quốc hội: Giám sát phải làm rõ vướng mắc của thị trường bất động sản

VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đoàn giám sát nên nghiên cứu kỹ các báo cáo tổng kết thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các báo cáo thẩm tra để thấy rõ vướng mắc hiện nay của thị trường bất động sản