Quy định 144 tiếp tục làm rõ hơn về văn hóa từ chức
VOV.VN - Quy định 144 tiếp tục làm rõ hơn về văn hóa từ chức và Quy định này sẽ có hiệu lực nếu nâng tầm tính liêm sỉ, lòng tự trọng của người cán bộ, đảng viên và để xã hội giám sát.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 144 quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Quy định 144 gồm 6 điều, với 21 điểm, nêu rất cụ thể yêu cầu về 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn PGS.TS Lê Quốc Lý – nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về nội dung này.
PV: Cho đến nay, Trung ương đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo ông, so với các quy định trước, Quy định 144 có điểm gì mới?
PGS Lê Quốc Lý: Trước khi có Quy định 144, Trung ương đã có Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm; Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương… Nhất là trước kia, Bác Hồ đã có di huấn về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Thực ra, chúng ta đã có đầy đủ các quy định từ lâu, nhưng lần này Bộ Chính trị hệ thống cụ thể lại về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới sao cho rõ ý, rõ nghĩa và sâu sắc hơn.
Theo tôi, điều quan trọng là có thực hiện được hay không. Vì thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều cán bộ có chức, có quyền nhưng đôi lúc họ đã quên những điều đảng viên không được làm.
Quy định mới này ra đời rất đúng lúc bởi vì trước tình hình có nhiều vụ việc đáng buồn xảy ra thời gian qua, nhiều đảng viên có chức có quyền, thậm chí là cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hoặc tham nhũng, lợi ích nhóm, họ đã quên mất mình là đảng viên, họ đã quên lời thề khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Nếu trong tâm họ luôn nghĩ về điều làm sao cho dân được ấm no, tự do, hạnh phúc thì chắc chắn họ sẽ không nghĩ tới việc vơ vét, tham nhũng, hay sa đọa, ăn chơi.
Quy định mới ban hành thời điểm này rất tốt, tôi rất ủng hộ, hoan nghênh và đánh giá rất cao. Quy định này như tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức có quyền soi chiếu hàng ngày để tự sửa, tự rèn luyện mình, đừng quên mục đích, tôn chỉ mà Đảng ta đã nêu ra từ đầu là “vì lợi ích quốc gia, dân tộc”, “vì nhân dân phục vụ”.
PV: Quy định 144 nêu rõ 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ giai đoạn mới, đây cũng là căn cứ để đánh giá phẩm chất, nhân cách, thái độ, hành vi của cán bộ, đảng viên, thưa ông?
PGS Lê Quốc Lý: Đảng viên hãy tâm niệm bản thân sống tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm sao cho nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc, trong đó có ta cũng ấm no, tự do, hạnh phúc thì đất nước sẽ phát triển. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức có quyền cần đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, mọi quyền lợi đều thuộc về nhân dân.
Còn nếu chọn sống sướng trước dân, ăn chơi sa đọa trong khi dân còn đói khổ thì đó là một tội ác. Như đại án Việt Á liên quan tới hàng loạt cán bộ đưa và nhận hối lộ, xảy ra vi phạm nghiêm trọng, đó là tội ác không thể dung thứ. Trong khi cả nước đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn, đối diện với cái chết, không ai dám bảo đảm rằng mình còn có thể sống, hàng nghìn đứa trẻ đã không còn bố mẹ… thế nhưng một nhóm người có quyền có chức vẫn tham nhũng, tha hóa, vẫn vơ vét thì tội ác này phải gấp 2 lần. Những cán bộ này đã không còn xứng đáng là đảng viên. Qua đây, Đảng cần nghiêm túc giáo dục đảng viên và nghiêm túc kiểm điểm mình.
Mặc dù thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có những kết quả to lớn, “không có vùng cấm, “không có ngoại lệ”, những cán bộ, đảng viên nào đã mắc sai phạm đều bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc từ chức. Tuy nhiên, nếu từ chức mà không thu hồi tài sản thì đó cũng là điều đáng buồn. Theo tôi, cán bộ từ chức nhưng cũng phải bị thu hồi tài sản thì mới là giáo dục đến nơi đến chốn.
PV: Trong Quy định 144 ghi rõ cụm từ “Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”. Như vậy cùng với Quy định 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, Quy định 144 tiếp tục làm rõ hơn về “văn hóa từ chức” trong Đảng và hệ thống chính trị, thưa ông?
PGS Lê Quốc Lý: Quy định 144 tiếp tục làm rõ hơn về văn hóa từ chức và Quy định này sẽ có hiệu lực nếu nâng tầm tính liêm sỉ, lòng tự trọng của người cán bộ, đảng viên và để xã hội giám sát.
Cùng với đó, cán bộ đối chiếu theo quy định của Đảng, soi chiếu bản thân, nếu xét thấy mình đã mắc vi phạm, bị kỷ luật, năng lực không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì nên tự giác, tự nguyện rời khỏi vị trí, đừng để các cấp có thẩm quyền phải xem xét miễn nhiệm. Đây là hành động cần thiết của những người có lòng tự trọng và cũng là giữ chút liêm sỉ còn sót lại của người cán bộ, đảng viên.
Trên thực tế, thời gian qua, đã có một số cán bộ giữ các chức vụ quan trọng xin từ chức. Phần lớn số cán bộ này từ chức là do có vi phạm, khuyết điểm. Dù việc họ rời vị trí là thể hiện sự chủ động, tuy nhiên việc từ chức sau khi vi phạm bị phát hiện, nhận hình thức kỷ luật thì tính chất, ý nghĩa cũng khác. Vì vậy, văn hóa từ chức cần được xây dựng để khi cán bộ đã mắc vi phạm rồi dù chưa bị phát hiện, nhưng vì tự trọng và danh dự của mình mà tự nguyện từ chức.
Nhưng từ chức rồi thì không có nghĩa là tổ chức sẽ xóa sạch những vi phạm của họ. Anh không thể sử dụng quyền từ chức, khắc phục toàn bộ thiệt hại thì sẽ được vô hiệu hóa hậu quả của các vi phạm. Cần phải căn cứ vào tính chất của từng vi phạm, nặng thì bị trừng trị, nhẹ thì cũng cần có biện pháp răn đe, cùng với đó là thu hồi tài sản tham nhũng nếu có.
PV: Điều 3 của quy định nêu rõ, cán bộ quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và hiệu quả; trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu…Ông có cho rằng, đây là những chỉ dấu rất cụ thể để cán bộ tránh được những "vết trượt" dài?
PGS Lê Quốc Lý: Những điều này đã được quy định trong nhiều văn bản về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước đó chứ không phải bây giờ mới nhắc tới. Mặc dù đã quy định rõ như vậy nhưng thời gian qua, nhiều trường hợp vẫn mắc phải sai lầm.
Tôi hy vọng, với việc hệ thống một cách cụ thể, rõ ràng các chuẩn mực đạo đức của cán bộ trong giai đoạn mới, Quy định 144 sẽ sớm đi vào cuộc sống. Muốn vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng chi bộ để cán bộ, đảng viên “thấm sâu”, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo sự chuyển biến thành những hành động, việc làm cụ thể. Người nào vi phạm thì tổ chức sẽ có biện pháp trừng trị nghiêm khắc, từ đó hy vọng sẽ hạn chế được tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên mắc những sai phạm nghiêm trọng như thời gian qua.
PV: Xin cảm ơn ông.