"Quy định 65 ngăn chặn tư tưởng luân chuyển là để thăng quan tiến chức"
VOV.VN - Quy định 65 không nói khi cán bộ sau khi luân chuyển quay trở về thì sẽ được bố trí chức vụ cao hơn mà phải căn cứ vào kết quả công tác, nhận xét đánh giá của nơi được luân chuyển đến... thì mới bố trí công tác.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ với quy trình 5 bước.
Theo đó, công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu.
"Quy định 65 của Bộ Chính trị có những nội dung chặt chẽ hơn, đúc kết từ kinh nghiệm thì thấy quy trình, tiêu chuẩn rành mạch hơn và ngăn chặn được ngay từ đầu tư tưởng luân chuyển là thăng quan tiến chức".
Tiến sĩ Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ Trưởng Vụ cải cách hành chính (Bộ Nội Vụ) nhấn mạnh điều này khi nói về Quy định 65 của Bộ Chính trị.
PV: Ông nhận định như thế nào về kết quả thực hiện việc luân chuyển cán bộ của nước ta trong thời gian vừa qua?
Ông Đinh Duy Hòa: Việc luân chuyển cán bộ là một chủ trương có từ rất lâu của Đảng ta để luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ, rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII năm 1997 bàn về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng đã nêu câu chuyện luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý giữa các vùng, giữa các ngành, các cấp. Sau đó, Nghị quyết Bộ Chính trị số 11 năm 2002 cũng nói câu chuyện này, đặc biệt, Bộ Chính trị có Quy định số 98 năm 2017 về luân chuyển cán bộ và mới đây là Quy định 65 về luân chuyển cán bộ.
Các quy định này được ban hành kế tiếp nhau, đã được tổng kết, đánh giá, khẳng định những thành công đạt được, cũng như những việc chưa đạt được như mong muốn.
Năm 2014, Trung ương có quyết định luân chuyển 44 cán bộ về các địa phương. Đây là lần đầu tiên có một đợt luân chuyển nhiều như vậy. Trong 44 cán bộ được luân chuyển, có 19 người là Thứ trưởng đương chức, 25 người là Vụ trưởng, Cục trưởng và tương đương.
44 cán bộ này khi về địa phương thì có 19 người được bố trí làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, 25 người được bố trí làm Phó Chủ tịch tỉnh, thành phố. Như vậy, trong đợt luân chuyển này, về mặt chức vụ, chức danh luân chuyển là rất "hoành tráng".
Kết quả là đến Đại hội Đảng năm 2016, có 11 cán bộ vào Trung ương, 3 cán bộ là Ủy viên dự khuyết. Tôi cho rằng tỷ lệ đạt được như vậy là khá cao.
Đến năm 2020, sau khi tổng kết, trong 44 vị luân chuyển cơ bản khoảng 85 % được bố trí trở lại sau luân chuyển vào các chức vụ cao hơn. Nếu nhìn nhận về mặt đánh giá từ chuyện luân chuyển này thì thấy, 44 cán bộ có kết quả đạt được cũng khá khả quan.
Quay trở lại câu chuyện luân chuyển cán bộ, cũng có hiện tượng như dư luận nêu đó là lợi dụng việc luân chuyển để “tráng men”, để thăng quan tiến chức. Có vị đi luân chuyển trong thời gian rất ngắn đã quay trở lại rồi.
Theo tôi, Quy định 65 mới đây của Bộ Chính trị cũng đã tính đến những điểm này, khắc phục những điểm yếu trong triển khai luân chuyển cán bộ thời gian qua.
PV: “Tráng men”, “lướt ván” là những từ mà dư luận nói đến để thể hiện một sự bất bình, bức xúc về câu chuyện luân chuyển cán bộ. Theo ông, dù chỉ là “những con sâu làm rầu nồi canh”, thế nhưng hậu quả sẽ như thế nào?
Ông Đinh Duy Hòa: Ý kiến của dư luận nêu là khá xác đáng. Thực tiễn trong công tác cán bộ cho thấy, mỗi chính sách của Đảng đặt ra, tôi hình dung gần như có đối sách trở lại. Trong luân chuyển có sự đối sách trở lại về mặt chính sách này là câu chuyện tranh thủ, tận dụng để “lướt ván”, để “đá móc” trở lên. Hay chính sách về quy hoạch cán bộ thì cũng lại có câu chuyện “chạy quy hoạch”.
Như vậy mỗi chủ trương về công tác cán bộ trong thực tiễn gắn với nó đều có sự lợi dụng để tiêu cực. Vì vậy, phải làm rõ quy trình, làm rõ trách nhiệm của các bên có liên quan trong câu chuyện này, cũng như phải có các quy định cứng để ngăn chặn các hiện tượng lợi dụng.
PV: Trong bối cảnh như vậy, theo ông, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 65 có ý nghĩa như thế nào?
Ông Đinh Duy Hòa: Quy định 65 đã tiếp thu kinh nghiệm, kết quả triển khai Quy định 98 năm 2017 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ. Từ những tiêu cực vừa đề cập, Bộ Chính trị đưa ra những quy định ngăn chặn những tiêu cực như vậy.
Nếu như trước đây, Quy định 98 nhấn mạnh cán bộ được luân chuyển là những người trẻ triển vọng trong quy hoạch, thì lần này Quy định 65 không nói chữ “trẻ”, “trong quy hoạch” nữa vì cán bộ được luân chuyển thì nguyên tắc là cán bộ trong quy hoạch, về tuổi thì tính từ thời điểm luân chuyển, cán bộ còn phải làm việc được 10 năm nữa. Cho nên, trong Quy định mới đã bỏ từ “trẻ” và chỉ rõ cán bộ luân chuyển trong diện quy hoạch lãnh đạo. Khái niệm trẻ rất chung chung và không ai đánh giá được cái này, cho nên việc quy định rõ cán bộ trong diện quy hoạch lãnh đạo là phù hợp.
Thứ hai, Quy định 65 nói rõ, cán bộ diện luân chuyển thì chức vụ dự kiến đến nơi luân chuyển tương đương với chức vụ hiện nay cán bộ đang đảm nhiệm. Điểm này rất mới và rất thỏa đáng. Vì nhìn lại quá trình trước đây cho thấy, nhiều vị được như đi luân chuyển, chức vụ trước khi luân chuyển là Vụ phó, đến địa phương được bố trí làm Phó Chủ tịch tỉnh. Như vậy, đi luân chuyển nghĩa là đã thăng chức. Sau khi đi luân chuyển trở về lại lên một chức nữa. Có thể nói, đây là sơ hở.
Vì vậy, lần này, Bộ Chính trị quy định nguyên tắc chỉ bố trí chức danh tương đương với lúc cán bộ chưa luân chuyển. Và đặc biệt câu chuyện sau luân chuyển, Quy định 65 không nói khi cán bộ quay trở lại thì sẽ được bố trí chức vụ cao hơn mà phải căn cứ vào kết quả công tác, nhận xét đánh giá của nơi được luân chuyển đến... thì mới bố trí công tác. Tôi cho rằng, quy định như vậy là rất chuẩn.
PV: Cá nhân ông có kỳ vọng Quy định mới sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ hiện nay?
Ông Đinh Duy Hòa: Tôi hy vọng Quy định mới sẽ khắc phục được phần nào những khiếm khuyết, tiêu cực, bởi vì yếu tố quan trọng vẫn là yếu tố con người.
Lâu nay, dư luận vẫn nói về hiện tượng "chạy" trong tuyển dụng, thi tuyển hay quy hoạch, luân chuyển cán bộ... Tôi gọi đây là tham nhũng trong công tác cán bộ. Đảng ta kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những tiêu cực này.
Quy định 65 có những nội dung tương đối chặt chẽ hơn, đúc kết từ kinh nghiệm thì thấy quy trình, tiêu chuẩn rành mạch hơn và ngăn chặn được ngay từ đầu tư tưởng được luân chuyển là thăng quan tiến chức.
Cán bộ được luân chuyển khi đến nơi mới sẽ được bố trí chức vụ tương đương với chức vụ hiện đang đảm nhiệm. Trong quá trình luân chuyển, nếu cán bộ được địa phương xác nhận đánh giá tốt thì khi trở về mới được bố trí chức vụ cao hơn, còn nếu không thì vẫn giữ chức vụ cũ. Tôi tin rằng, với các quy định như vậy sẽ nó tạo điều kiện cho công tác luân chuyển được tốt hơn, hiệu quả hơn.
Tôi lấy ví dụ, cử 100 cán bộ ở Trung ương luân chuyển về địa phương, sau này có 50, 60 người được đánh giá tốt thì đã là khá rồi, chứ đừng hy vọng 100 vị quay trở lại đều đều được thăng quan tiến chức cao hơn. Vì qua thực tiễn, cán bộ được cọ xát, được rèn luyện như thế nào đều được bộc lộ ra.
PV: Nhiều người quan tâm đến quy trình 5 bước luân chuyển cán bộ trong Quy định 65, thưa ông?
Ông Đinh Duy Hòa: So sánh quy trình 5 bước của Quy định 65 so với 5 bước trong Quy định 98 thì không khác nhau lớn. Chỉ khác nhau ở điểm, Quy định 65 nói rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ. Nếu sau này có câu chuyện sơ xuất, sai xót thì phải quy trách nhiệm trước hết là cơ quan tham mưu.
Vì thực tế có trường hợp cán bộ luân chuyển vi phạm nhưng cơ quan tham mưu có trách nhiệm không, kể cả cơ quan lập kế hoạch? Vì vậy, với quy trình 5 bước được quy định trong Quy định 65 nói rõ trách nhiệm của từng cơ quan nơi đến, nơi đi... thì trách nhiệm triển khai sẽ rõ hơn. Nếu sau này quy trách nhiệm thì cũng sẽ cụ thể hơn.
Dù trách nhiệm đã cụ thể, song, điều dư luận quan tâm nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Tôi lấy ví dụ, 1 người là Bí thư Tỉnh ủy muốn bố trí cho họ hàng thân thuộc, gia đình vào chức nọ, chức kia nên chỉ đạo cơ quan tham mưu tổ chức cán bộ. Nếu cơ quan tham mưu không chuẩn thì sẽ có chuyện. Thực tế ở một số địa phương trước kia đã có câu chuyện họ hàng, bà con nắm một loạt chức vụ.
Vì vậy, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ rất quan trọng và phải có cơ chế giám sát để việc luân chuyển cán bộ được tốt hơn.
PV: Quy định lần này tăng thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm. Theo ông, liệu 3 năm có đủ để một cán bộ luân chuyển về địa phương nắm bắt tình hình cũng như có những cải cách, đột phá để mang những điều tốt đẹp hơn cho nơi mình đến?
Ông Đinh Duy Hòa: Quy định 65 cũng nói rõ trách nhiệm của nơi đến tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ luân chuyển làm việc. Nhưng việc tạo điều kiện thuận lợi thế nào, nếu người đứng đầu, cơ quan nơi cán bộ đi luân chuyển thực sự công tâm, khách quan, tạo điều kiện thì sẽ rõ ràng, thuận lợi. Song cũng có câu chuyện cán bộ luân chuyển bị cô lập thì rất khó làm việc.
Cho nên trong thời gian 3 năm sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm bản thân người được đi luân chuyển, cơ quan, địa phương nơi cán bộ đến, kể cả lĩnh vực được bố trí luân chuyển cũng hết sức quan trọng.
PV: Xin cảm ơn ông./.