Quy hoạch phát triển nhân lực Tây Nguyên

Cần mở rộng hệ thống trường ĐH, CĐ trong vùng; tạo điều kiện cho con em các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nâng cao trình độ, tham gia tích cực vào phát triển KT-XH.

>> Buôn làng Tây Nguyên: Hướng thoát nghèo?Tìm lời giải cho Tây Nguyên thêm xanh

Ngày 18/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp tổ chức “Hội thảo quy hoạch phát triển nhân lực vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên, đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giáo dục - Đào tạo cùng dự hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nêu bất cập mấu chốt nhất hiện nay của Tây Nguyên và hầu hết các địa phương ở Việt Nam là phát triển nhân lực rất khập khiễng với nền kinh tế. Các cơ sở đào tạo nghề đua nhau tuyển sinh, nhưng tỷ lệ học viên sau đào tạo tìm được việc làm phù hợp với lĩnh vực đào tạo không cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn thiếu nhân lực cả về số lượng lẫn chất lượng.

Cùng với 5 bản quy hoạch phát triển nhân lực của 5 tỉnh Tây Nguyên, Hội thảo còn xem xét, mổ xẻ các bản quy hoạch của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, của thành phố Đà Nẵng, địa phương nổi bật trong việc bồi dưỡng nhân lực, thu hút nhân tài.

Chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã dành nhiều thời gian, phân tích từng bảng thống kê, từng số liệu trong các bản quy hoạch nhân lực để chỉ ra những điểm hợp lý để các tỉnh làm theo; những điểm còn thiếu sót, để các địa phương khắc phục, bổ sung.

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng, để Tây Nguyên đạt được các mục tiêu phát triển, cần phải mở rộng hệ thống trường đại học và cao đẳng trong vùng; tạo điều kiện cho con em các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nâng cao trình độ, tham gia tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội.

Theo dự kiến, đến năm 2020, cả vùng Tây Nguyên sẽ cần 7 trường đại học, 14-15 trường cao đẳng và 28 trường trung cấp chuyên nghiệp. Để đạt được quy mô đào tạo như vậy, cùng với chuẩn bị về đất đai, cơ sở hạ tầng, các tỉnh Tây Nguyên cần xem xét ngay đến việc đào tạo đội ngũ giảng viên cho tương lai.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu thống nhất rằng, các tỉnh Tây Nguyên cần phải lập quy hoạch phát triển nhân lực một cách chi tiết hơn, trên cơ sở tham khảo kỹ 2 tài liệu về quy hoạch của Bộ Kế hoạch-Đầu tư và của thành phố Đà Nẵng. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng sẽ soạn thảo lại văn bản về kế hoạch của mình, loại bỏ các thuật ngữ, hàm toán khó hiểu để các địa phương có thể ứng dụng vào quy hoạch nhân lực của địa phương mình trong thời gian sớm nhất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên