Quy hoạch tổng thể quốc gia định hướng 4 vùng động lực, 10 hành lang kinh tế

VOV.VN - Quy hoạch tổng thể quốc gia định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội bao gồm 4 vùng động lực quốc gia, 10 hành lang kinh tế, 2 khu vực lãnh thổ cần bảo tồn và vùng hạn chế phát triển và 3 ngành quan trọng cần phát triển.

Chiều 21/12, tại phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nội dung quan trọng nhất được trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra vào đầu tháng 1/2023.

Hình thành các vùng động lực quốc gia

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch tổng thể quốc gia định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu.

Trong đó tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu... Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ mới. Phát triển các ngành công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên.

Về dịch vụ, xây dựng các trung tâm thương mại, tài chính... mang tầm khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, gắn với phát triển các vùng động lực, hành lang kinh tế.

Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với phát triển các trung tâm công nghiệp chế biến.

Đối với các ngành hạ tầng kỹ thuật thì tập trung các nguồn lực phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng để hỗ trợ hình thành các hành lang kinh tế và sớm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực.

Về hạ tầng xã hội, quy hoạch ưu tiên đầu tư các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, các vùng động lực.

Liên quan định hướng phát triển các vùng động lực quốc gia, hành lang kinh tế, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, quy hoạch lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực quốc gia.

Đó là: Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); vùng động lực phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu); vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) và vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên.

Phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030: Hành lang kinh tế Bắc - Nam và 2 hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu.

Phát triển các vùng biển dựa trên phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hoá, tính đa dạng của hệ sinh thái; bảo đảm hài hòa, gắn kết và bổ trợ lẫn nhau giữa các ngành, lĩnh vực trên biển và trên đất liền.

Đề cập định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, xây dựng hệ thống đô thị quốc gia theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại, xanh, sạch, đẹp gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...

Bên cạnh đó là định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện

Thẩm tra về Quy hoạch tổng thể quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch cũng như nhiều định hướng phát triển (đặc biệt riêng định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội đã bao gồm 4 vùng động lực quốc gia, 10 hành lang kinh tế, 2 khu vực lãnh thổ cần bảo tồn và vùng hạn chế phát triển và 3 ngành quan trọng cần phát triển) cho thấy khối lượng công việc, nhiệm vụ cần phải triển khai, thực hiện là rất lớn, đòi hỏi nguồn lực đầu tư phải tương xứng, không chỉ về nguồn vốn mà cả về nhân lực được đào tạo phải đủ trình độ để ứng dụng tiến bộ của khoa học, công nghệ.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cân đối các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về quan điểm tổ chức không gian phát triển, có ý kiến cho rằng, ngoài tích hợp phát triển và bảo đảm liên kết vùng, cần nhấn mạnh đến “giảm chồng chéo, chồng lấn, xung đột trong sử dụng không gian giữa các ngành, các địa phương…”.

Ủy ban Kinh tế cho biết, báo cáo của Chính phủ đưa ra 2 kịch bản phát triển, trong đó kịch bản 1 là kịch bản có tính thận trọng hơn với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 6,3%/năm; kịch bản 2 là kịch bản phấn đấu với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 7,05%.

Kịch bản 2 là cơ sở để xác định các mục tiêu phát triển đất nước trong thời kỳ quy hoạch. Như vậy, việc xác định mức tăng trưởng bình quân trong kỳ quy hoạch đạt 7,0%/năm là sát với kịch bản phấn đấu (kịch bản 2). Tuy nhiên, đề nghị cần giải trình, làm rõ hơn cơ sở đưa ra mục tiêu tăng trưởng khác với mục tiêu cụ thể mà kịch bản 2 đưa ra.

“Tóm lại, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia còn nhiều nội dung cần tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, giải trình. Đồng thời, còn nhiều ý kiến khác nhau về mức độ chi tiết, do đó cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ, đặc biệt là dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua” – ông Vũ Hồng Thanh nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Quốc hội họp kỳ bất thường nhưng không coi nhẹ chất lượng"
"Quốc hội họp kỳ bất thường nhưng không coi nhẹ chất lượng"

VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh điều này và cho biết Kỳ họp bất thường lần thứ 2 chỉ xem xét nội dung cấp bách, chuẩn bị kỹ, đồng thuận cao, đúng quy trình.

"Quốc hội họp kỳ bất thường nhưng không coi nhẹ chất lượng"

"Quốc hội họp kỳ bất thường nhưng không coi nhẹ chất lượng"

VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh điều này và cho biết Kỳ họp bất thường lần thứ 2 chỉ xem xét nội dung cấp bách, chuẩn bị kỹ, đồng thuận cao, đúng quy trình.

Quốc hội quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia tại kỳ họp bất thường lần 2
Quốc hội quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia tại kỳ họp bất thường lần 2

VOV.VN - Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại kỳ họp bất thường diễn ra vào đầu tháng 1/2023.

Quốc hội quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia tại kỳ họp bất thường lần 2

Quốc hội quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia tại kỳ họp bất thường lần 2

VOV.VN - Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại kỳ họp bất thường diễn ra vào đầu tháng 1/2023.