Ra mắt Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử

Một trong những nhiệm vụ được quan tâm trước nhất là thúc đẩy lộ trình số hoá nhằm tạo điều kiện cho Phát thanh, Truyền hình phát triển; và xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật quản lý thông tin trên Internet, bao gồm cả qui định về quản lý blog cá nhân…

Sau thời gian chuẩn bị, ổn định tổ chức bộ máy, đến nay Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức đi vào hoạt động. Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử  có trụ sở tại 50 - Triệu Việt Vương - Hà Nội. Lễ ra mắt Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ diễn ra vào ngày 2/10.

Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lưu Vũ Hải- Cục trưởng Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử. 

PV: Thưa ông, Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PT, TH và TTĐT) đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành phát thanh, truyền hình, cũng như thông tin điện tử như thế nào?

TS Lưu Vũ Hải: Cục Quản lý PT-TH ra đời sau khi được Chính phủ thống nhất tập trung quản lý nhà nước về phát thanh, truyền hình về Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT). Sự ra đời của Cục quản lý PT, TH và TTĐT sẽ giúp Bộ TT-TT thực hiện chức năng quản lý này, thực hiện mong muốn và định hướng là thúc đẩy ngành PT-TH phát triển nhanh, mạnh, bảo đảm tính đồng bộ về hệ thống.

Chức năng, nhiệm vụ cơ bản của cục quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử là giúp Bộ trưởng Bộ TT-TT  thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nội dung và kỹ thuật trên các lĩnh vực PT-TH, hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên môi trường điện tử, đặc biệt là trên mạng internet. Đồng thời, Cục quản lý PT, TH và TTĐT là cơ quan tham mưu của Bộ trưởng trong công tác qui hoạch, định hướng, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động trong sự nghiệp phát triển PT, TH và TTĐT theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Với sự ra đời của Cục quản lý PT, TH và TTĐT, thì công tác quản lý Nhà nước sẽ được tập trung vào một đầu mối, qua đó hoạt động của ngành PT-TH sẽ được tổ chức theo một hướng đồng bộ và tập trung. Trên cơ sở đó, sự phát triển của ngành PT-TH sẽ có hướng phát triển phù hợp với xu thế hội tụ công nghệ viễn thông, công nghệ truyền hình và công nghệ thông tin điện tử và sẽ đóng góp ngày càng tích cực hơn vào sự nghiệp đổi mới đất nước góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của người dân. 

PV: Xin ông cho biết những nhiệm vụ chủ yếu mà Cục tập trung triển khai trong thời gian trước mắt?

TS Lưu Vũ Hải: Cục quản lý PT, TH và TTĐT mới ra đời, trong bối cảnh công việc rất bề bộn, nên chúng tôi xác định là phải có những bước đi phù hợp. Trước mắt cục tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

            Thứ nhất, là xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật nhằm nâng cao công tác quản lý báo PT, TH, bao gồm báo cáo đánh giá về hoạt động PT, TH trên toàn quốc, tham gia xây dựng Luật Báo chí sửa đổi, xây dựng qui định về hoạt động liên kết, xã hội hoá trong hoạt động sản xuất chương trình.

            Hai là, nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật, rà soát các tiêu chuẩn, qui chuẩn chuyên ngành, tập trung vào dịch vụ truyền hình cáp nói riêng, truyền hình trả tiền nói chung.

            Ba là, xây dựng các qui chế tổ chức, triển khai một số hoạt động sự nghiệp phát triển PT, TH trình Bộ TT-TT ban hành và sẽ tổ chức thực hiện từ năm 2009, bao gồm hoạt động Liên hoan PT, TH toàn quốc, hoạt động thi đua khen thưởng, hoạt động hỗ trợ thi nâng ngạch bậc cho các đài PT, TH.

            Bốn là, xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật quản lý thông tin trên internet, bao gồm qui định về quản lý blog cá nhân, quyết định về quản lý trò chơi trực tuyến thay thế Thông tư liên tịch đã được ban hành.

Trong những năm tới, bên cạnh việc nâng cao chất lượng về quản lý nội dung thông tin, sau khi Qui hoạch truyền dẫn phát sóng PT, TH đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cục sẽ tập trung thúc đẩy “Lộ trình số hoá” nhằm tối ưu hoá mạng phát sóng truyền hình mặt đất, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, vừa tiết kiệm phổ tần số tạo thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ PT, TH trong tương lai. 

PV: Thưa ông, việc quản lý thông tin trên internet và blog hiện nay rất phức tạp và khó khăn. Vậy theo ông làm thế nào để vừa quản lý tốt mà các dịch vụ này vẫn phát triển?

TS Lưu Vũ Hải: Hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định 97/CP thay thế Nghị định 55/CP về quản lý thông tin trên internet để xây dựng các văn bản hướng dẫn việc thực hiện các văn bản quản lý thông tin trên lĩnh vực này. Cục quản lý PT, TH và TTĐT đã trình Bộ TT-TT các văn bản quản lý blog, dịch vụ trò chơi trực tuyến. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, thì dự thảo thông tin về blog sẽ được ban hành vào cuối năm 2008 và quyết định về dịch vụ trò chơi trực tuyến thay thế thông tư liên tịch sẽ được dự kiến ban hành vào cuối quí 1/2009.

Về quan điểm mà nói thì Cục quản lý PT, TH và TTĐT cũng như Bộ TT-TT khuyến khích việc ứng dụng những tiến bộ của Khoa học-Công nghệ, những thành tựu của tri thức và đặc biệt là những ứng dụng trên internet, trong đó có dịch vụ ứng dụng về blog, trò chơi trực tuyến. Tuy nhiên, bất kỳ một ứng dụng KH-KT nào cũng có hai mặt, công tác quản lý là làm sao khuyến khích những mặt ưu điểm và hạn chế tối đa những mặt tiêu cực. Vì thế, chúng tôi sẽ nâng tính pháp lý của văn bản qui phạm pháp luật từ thông tư lên mức quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khắc phục những thông tư liên tịch trước đây, làm sao bảo đảm tính khả thi các qui định của dịch vụ trò chơi trực tuyến, trên cơ sở kích thích phát triển dịch vụ, đồng thời đảm bảo định hướng việc sử dụng dịch vụ một cách lành mạnh.

Đối blog cá nhân trên mạng internet, chúng ta đã xác định blog cá nhân là một phương tiện để giao lưu và trao đổi những thông tin cá nhân đối với cộng đồng, thể hiện những mặt tích cực về trao đổi thông tin. Quan điểm về mặt quản lý các thông tin blog thì chúng tôi sẽ bước đầu đưa ra những khung pháp lý về những điều không được làm. Người cung cấp nội dung thông tin trên blog cá nhân phải chịu trách nhiệm nội dung thông tin vừa đưa lên, so sánh, tự cân nhắc giữa những điều mà pháp luật không cho phép và những điều được cho phép, để tự quyết định đưa nội dung nào lên, chịu trách nhiệm với cá nhân mình và đối với pháp luật về nội dung thông tin đó.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên