35 năm giải phóng Xuân Lộc

Rạng danh quê hương “miền Đông gian lao anh dũng”

Sau 35 năm giải phóng, từ một vùng đất bị bom cày đạn xới, giờ đây Đồng Nai đang đổi thay từng ngày. Không chỉ phát triển cây công nghiệp, Đồng Nai là địa phương giàu tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử và dịch vụ.

Đồng Nai - Cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt năm xưa, Ngụy quyền đã đặt ở đây “cánh cửa thép” nhằm cản bước tiến công thần tốc của quân giải phóng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ông Lương Thọ, nguyên Đội trưởng Đội trinh sát vũ trang thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai nhớ lại 35 năm trước: “Sau khi Tây Nguyên, Nha Trang, Phan Rang thất thủ, địch khẳng định “mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”, cả chế độ Ngụy quyền cũng mất luôn. Địch tăng cường một lực lượng rất hùng hậu. Ta với địch đánh giằng co quyết liệt kéo dài 12 ngày đêm mới giải phóng được Long Khánh - Xuân Lộc”.

Thị xã Long Khánh - ảnh Internet

Thị xã Long Khánh năm xưa là tâm điểm “tuyến phòng thủ thép” của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Long Khánh nay có khu công viên tượng đài chiến thắng Long Khánh uy nghi, sừng sững có khắc dòng chữ “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ghi nhớ ngày 21/4 lịch sử quân và nhân dân Long Khánh đập tan “cánh cửa thép” của Mỹ, ngụy Sài Gòn.

Cũng trên mảnh đất lịch sử này, nay đã hình thành trung tâm sản xuất - kinh doanh hàng hóa nông sản lớn nhất tỉnh Đồng Nai và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ở Long Khánh có 280 mô hình kinh tế tập thể, kinh tế trang trại sản xuất - kinh doanh hiệu quả. Long Khánh có gần 1.500 hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi với thu nhập hàng năm gần cả 100 triệu đồng.

Chị Thị Cục ở ấp Ruộng Lớn, xã Bảo Vinh, thị xã Long Khánh là một trong những hộ dân tộc Chơro điển hình thoát nghèo nhờ phát triển kinh tế hộ gia đình bằng vốn vay xóa đói giảm nghèo. Ban đầu chỉ có 8 triệu đồng, chị đầu tư trồng nấm mèo. Nay chị đã có khối tài sản lớn, 50 con bò, 4 ha lúa năng suất 64 tấn mỗi năm, có máy cày phục sản xuất và vận chuyển hàng hóa, xây được căn nhà trị giá 350 triệu đồng.

Chị Thị Cục bày tỏ: “Trước kia, chúng tôi ăn toàn củ mài, củ nằng, canh rau rừng, ở nhà lá. Sau giải phóng, có Đảng, Nhà nước quan tâm cho vay vốn, cán bộ khuyến nông hướng dẫn KHKT, tôi trồng nấm mèo có hiệu quả, chăn nuôi bò, làm lúa, tiết kiệm dần dần có cuộc sống như ngày hôm nay. Chúng tôi phấn khởi chí thú làm ăn, luôn tin Đảng không bao giờ thay lòng đổi dạ”.

Cùng tuyến phòng thủ với Long Khánh, nhiều người dân huyện miền núi Xuân Lộc vẫn còn nhớ rõ, thời kỳ đầu sau chiến tranh, vùng đất này chỗ nào cũng có bom, mìn. Chiến tranh đã qua nhưng hàng ngàn trái mìn của địch vẫn còn ẩn trong đất rình rập sự sống của người dân. Đa số bà con sống tạm bợ trong những ngôi nhà tranh bên cạnh hố bom chưa kịp san lấp. Vậy mà, hôm nay, Xuân Lộc đã trở thành một địa phương vững vàng về kinh tế, phát triển về văn hoá, xã hội.

Năm 2009, tổng sản phẩm của huyện đạt được 3.240 tỷ đồng, tăng 18 lần so với năm 1991. Đời sống người dân ngày càng nâng cao với mức thu nhập bình quân đầu người hơn 15 triệu đồng/năm. Nếu như năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là trên 12%, thì nay giảm chỉ còn dưới 5%. Trong thực hiện chính sách xã hội, Xuân Lộc tạo được nguồn quỹ Đền ơn đáp nghĩa hơn 1,3 tỷ đồng.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết: “35 năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện đã nỗ lực không ngừng. Sắp tới, huyện xác định công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ là hướng đi thích hợp được Đảng bộ và nhân dân đồng tình. Chúng tôi tiếp tục nhân rộng những mô hình sản xuất tiên tiến cùng nhau làm giàu, đẩy mạnh xã hội hóa giao thông nông thôn trên 100km, mỗi xã thực hiện 50km đường nội đồng trong vùng đồng bào DTTS thuận lợi vận chuyển hàng nông sản. Chúng tôi coi trọng việc chuẩn hóa trường lớp trên địa bàn đến cuối năm 2010 đạt trên 50%. Phấn đấu cuối năm 2010, số hộ nghèo chỉ còn 1,2%”.

Truyền thống bám đất, bám làng để sản xuất, bám đồng ruộng mà thâm canh, bà con dân tộc Chăm ở Xuân Lộc đoàn kết một lòng, thi đua sản xuất, giữ gìn bản sắc văn hóa, góp phần giữ vững an ninh ở địa phương. Ông Mohamah NooruDeen, trưởng ấp 4, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho biết: “Trước kia, chúng tôi sống bằng nghề đốt củi, một năm sản xuất có một vụ nên rất nghèo khó. Năm 1998, được Đảng, Nhà nước và huyện Xuân Lộc quan tâm đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, bà con chuyển sang sản xuất 3 vụ, trồng dưa hấu xen canh cây lúa, nhờ cán bộ hướng dẫn KHKT… nên các loại cây đều đạt năng suất cao. Bà con  đang cố gắng vươn lên để cải thiện cuộc sống. Đời sống bà con dân tộc Chăm nay  đã khác xưa nhiều, không còn nhà tạm bợ, hộ đói, con em tốt nghiệp cao đẳng, đại học”.

Từ Xuân Lộc băng rừng cao su về Vĩnh Cửu - vùng đất “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, nơi có Chiến khu Đ anh dũng, bây giờ cũng đổi khác rất nhiều so với cách đây chỉ vài năm. Nói đến huyện Vĩnh Cửu, nhiều người nghĩ đến sông hồ, Nhà máy thủy điện Trị An, tuy nhiên, những địa chỉ như Khu vui chơi Làng Bưởi Tân Triều, Khu sinh thái Cao Minh, Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu… đang “đánh thức” một vùng đất đầy tiềm năng về du lịch. Một trong những thành tựu sau 35 năm giải phóng, Vĩnh Cửu cũng đã đưa phần đông số hộ dân tộc thiểu số ra khỏi núi rừng, chấm dứt cuộc sống du canh, du cư.

Ấp Lý Lịch, xã Phú Lý có gần 150 hộ đồng bào dân tộc Chơro được huyện dời về khu tái định cư mới, ổn định đến ngày hôm nay. Cùng với sự chăm lo chỗ ở, tạo điều kiện phát triển sản xuất, tỉnh còn đầu tư hơn chục tỷ đồng xây dựng "Làng dân tộc Chơro phát triển bền vững". Nhờ sự đầu tư, hỗ trợ thiết thực của Nhà nước và sự vươn lên của mỗi gia đình, hơn 10 năm nay, Lý Lịch đã thoát nghèo, luôn giữ vững danh hiệu “Ấp Văn hóa”, trong ấp chỉ còn lại 16 hộ cận nghèo.

Đời sống của nhân dân ở những căn cứ cách mạng đã khấm khá hơn, đang từng bước đi lên vững chắc. Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Nai cho biết: “Bây giờ tất cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng căn cứ kháng chiến đã phát triển hơn trước rất nhiều, nhưng khoảng cách giàu nghèo vẫn còn dài. Tỉnh tiếp tục tập trung giải quyết vấn đề nghèo vượt lên bền vững. Trong 35 năm qua, đó là sự chuyển dịch đổi đời chưa từng có”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đồng Nai luôn năng động sáng tạo trong lao động và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân. Đồng Nai đang tạo cho mình đầy đủ tâm thế để vươn lên với niềm vui mới, làm rạng danh quê hương Đồng Nai anh hùng, truyền thống “miền Đông gian lao mà anh dũng”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên