“Rất khó xử lý tài sản bất minh của cán bộ”
VOV.VN - Dù dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi bổ sung quy định về giải trình nguồn gốc tài sản, nhưng với tài sản bất minh vẫn rất khó xử lý.
Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi) cho biết như vậy; đồng thời nhấn mạnh, để phòng chống tham nhũng thì một luật này không giải quyết được vấn đề mà phải có cả một hệ thống quy định chặt chẽ ở các lĩnh vực.
Qua tổng kết cho thấy nhiều giải pháp đưa ra cơ bản là đúng, nhưng tổ chức thực hiện có điểm hạn chế, không phát huy hiệu quả. Như Luật khẳng định nguyên tắc công khai minh bạch, nhưng nhiều cơ quan, tổ chức không thực hiện tốt, thậm chí lạm dụng quy định liên quan đến bí mật để không công khai, hay chỉ công khai ở phạm vi mà người dân không tiếp cận được.
Làm sao khẳng định được anh vay của ai!
PV: Các báo cáo trong nhiều năm đều cho thấy việc thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; khó kiểm soát tài sản của cán bộ. Dự luật PCTN sửa đổi đề ra giải pháp gì để khắc phục tình trạng này, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Chúng ta đã có quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, cũng có quy định về kê khai, rồi trong trường hợp nào thì tiến hành xác minh. Tuy nhiên, quy định kê khai, xác minh còn hình thức, khó thực hiện.
Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp: Xử lý đối với tài sản bất minh là vấn đề rất khó! |
Với hơn 1 triệu đối tượng phải kê khai, trong khi đó quy định về xác minh thì chỉ tiến hành đối với một số trường hợp mà luật quy định cụ thể. Cơ quan đứng ra xác minh thì chúng ta đang giao cho bộ phận tổ chức cán bộ của mỗi đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm soát kê khai. Ngoài vấn đề nghiệp vụ thì cơ quan này cũng gặp khó về thẩm quyền xác minh.
Hơn nữa, quy định đối tượng kê khai giới hạn ở vợ/chồng, con chưa thành niên, vậy còn lại đối tượng khác như cha, mẹ, con thành niên thì sao? Điều này dẫn đến tài sản có thể bị chuyển dịch, khó kiểm soát được.
Ví dụ như trường hợp ông Phạm Sỹ Quý (Yên Bái), ông ấy kê khai có nhà, biệt thự như thế, rồi vay của người khác. Nhưng để chứng minh tài sản đó bất minh hay không là vấn đề rất khó vì không kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội.
Nếu ở nhiều nước khi anh nói vay của ông A thì người ta biết ngay tài sản của ông A như thế nào. Nhưng ở mình bảo tôi vay của ông A nhưng ông A này không thuộc diện kiểm soát tài sản, thu nhập thì làm sao chúng ta có thể kiểm tra được! Đây là vấn đề rất khó hiện nay!
Hiện ta đang kê khai đối tượng có hệ số phụ cấp 0,2 trở lên (từ phó phòng cấp huyện trở lên). Tiến tới nếu mở rộng ra, trong khi tập trung vào một đơn vị kiểm soát thì liệu quản lý như thế có rơi vào hình thức hay không? Đây cũng là điểm mà Uỷ ban Tư pháp rất băn khoăn.
Để khắc phục những hạn chế này, dự thảo sửa đổi theo hướng có điều chỉnh lại người phải kê khai, bằng 2 phương án là mở rộng hơn đối tượng hoặc thu hẹp lại (phụ cấp từ 0,7 và 0,9 trở lên). Tôi cho cả 2 phương án đều bất cập khi đang từ điểm giữa lại đi vào cực hết sức rộng hay một cực hết sức hẹp. Uỷ ban Tư pháp đề nghị cân nhắc, có thể thu hẹp đối tượng kê khai ở một mức độ nhất định, còn mở rộng thì phải làm từng bước… để làm sao kiểm soát được tài sản, thu nhập.
PV: Luật mới có giải quyết được câu chuyện chuyển dịch tài sản cho người thân không, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Dự luật đưa ra quy định về giải trình về tài sản bất minh, tài sản không giải trình nguồn gốc (có thể là tài sản tăng lên, hay tài sản giảm đi một cách bất thường).
Anh có thể chuyển tài sản cho người khác thì nó giảm đi, còn nhận của người khác thì nó tăng lên. Luật lần này có quy định liên quan vấn đề này.
Không có căn cứ thu hồi tài sản “bất minh”
PV: Vấn đề lớn đặt ra là trong trường hợp không giải trình được nguồn gốc tài sản thì khối tài sản đó được xử lý như thế nào?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Người không giải trình được thì có thể bị kỷ luật. Tuy nhiên, đây mới là xử lý về mặt chính trị. Dự thảo luật chưa đưa ra cơ chế xử lý đối với tài sản bất minh. Đây là vấn đề khó vì liên quan đến sở hữu cá nhân. Người ta không giải trình được nhưng mình cũng không có căn cứ để thu hồi.
Thực tế cũng phải nhìn nhận việc hiểu thế nào là giải trình không hợp lý? Tôi bảo đi vay của bạn thì đó là hợp lý hay không hợp lý? Người ta có nhiều cách để có thể kiếm tiền một cách chân chính, nhưng không phải cái gì cũng lên bảng thuế để nhà nước kiểm soát đâu. Có thể chính đáng nhưng về sau cũng không có cái gì chứng minh tài sản đó là bất minh hay không.
PV: Cũng giống như trường hợp ông Phạm Sỹ Quý bị xử lý kỷ luật nhưng khó làm rõ tài sản của ông này?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Hiện nay ta chưa có quy định về việc xử lý tài sản bất minh. Nó khác với tài sản tham nhũng là bị thu hồi bằng thi hành án. Còn đây là tài sản không được giải trình được nguồn gốc - cách chúng ta gọi như vậy, hiểu như vậy nhưng nếu xử lý cứng quá lại có thể gây oan sai.
PV: Đây là vấn đề người dân và dư luận rất quan tâm, tại sao không đưa vào dự luật sửa đổi, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Vấn đề đã được đặt ra, đang đặt ra và tìm cách giải quyết. Cũng có phương án đề nghị đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc thì có thể ra toà.
Do tài sản liên quan đến quyền sở hữu nên việc tước quyền sở hữu của một người chỉ có thể bằng một bản án có hiệu lực của pháp luật. Đây là phương án đề xuất, tuy nhiên vẫn chưa được thiết kế trong dự thảo luật lần này. Bởi, nếu không làm chặt chẽ thì nó có thể đi từ cực này đến cực kia, cũng có thể làm oan cho người ta, vì vậy phải hết sức cân nhắc, tính toán.
PV: Vậy theo ông, đâu là giải pháp căn cơ để thu hồi tài sản tham nhũng?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Nghị quyết Quốc hội đặt ra thu hồi 60% nhưng thực tế thấp vì nhiều lý do. Để đạt cao thì phải bằng tăng cường áp dụng biện pháp kê biên khi phát hiện, khởi tố bị can liên quan tham nhũng để đảm bảo thi hành án sau này. Hiện nay đang tăng cường biện pháp này để đảm bảo thu hồi tài sản tham nhũng một cách cao nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Bỏ sổ hộ khẩu – một quyết định thúc đẩy sự phát triển xã hội
“Lương công chức mà có khối tài sản kếch xù thì lấy ở đâu ra”
Xác minh tài sản cán bộ “giàu bất thường” mà giải trình không hợp lý