Sát hạch công chức ngồi “ghế nóng” để loại bỏ những người trì trệ?
VOV.VN - Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, việc sát hạch công chức ngồi “ghế nóng” sẽ khắc phục được sức ì lâu nay với câu muôn thuở "vào rồi thì ngồi đấy".
Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới phê duyệt kế hoạch tổ chức thí điểm kiểm tra, sát hạch đối với công chức tại cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và công chức cấp xã thuộc các lĩnh vực như xây dựng, tài nguyên môi trường, đầu tư, quản lý đất đai…
Đây cũng chính là căn cứ để xem xét tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo yêu cầu đổi mới, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Ngọ Duy Hiểu – Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về nội dung này.
Ông Ngọ Duy Hiểu trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV. |
PV: Theo ông, việc tổ chức thí điểm kiểm tra, sát hạch này sẽ có tác động như thế nào đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Việc này sẽ tác động mạnh đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là lần đầu làm thí điểm nên cán bộ công chức, viên chức liên quan sẽ có những xáo trộn về tư tưởng, tâm lý, có thể có những băn khoăn và lo lắng. Việc kiểm tra, sát hạch cũng là dịp nhận diện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để chấn chỉnh nhằm tạo động lực mới cho chính họ.
Thứ ba, căn bệnh yên tâm cố hữu với “chỗ ngồi” và chức danh công chức, viên chức của cán bộ yếu có thể bị lung lay, từ đó họ sẽ có cách nhìn mới mẻ hơn, suy nghĩ đầy đủ hơn về “ghế” mà mình đang ngồi. Những thay đổi đó sẽ tạo được động lực cho sự tiến bộ, đổi mới và sẽ khắc phục được sức ì mà lâu nay chúng ta vẫn kêu ca.
PV: Thưa ông, cuối năm nào cũng có phiếu đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức với những tiêu chí để tự đánh giá khá đầy đủ. Kết quả là ai cũng hoàn thành nhiệm vụ. Có điều gì đó khó lý giải không khi mà phiếu đánh giá tốt rồi vẫn phải kiểm tra sát hạch?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Đánh giá cán bộ hiện nay chủ yếu dựa vào việc tự đánh giá gồm: tự đánh giá của cá nhân và cơ quan của cán bộ đó. Cơ quan cấp trên khi đánh giá chủ yếu dựa vào kết quả tự đánh giá của công chức, viên chức. Do vậy, khi đã tự đánh giá thì rất dễ mang tính chủ quan, đôi khi có cả bệnh nể nang, tôi đánh giá tốt về anh thì anh cũng phải đánh giá tốt về tôi.
Đôi khi có những kết quả ngược lại, có những người giỏi chuyên môn, đạo đức rất tốt, vì lòng tự trọng họ tự nhận ra nhiều khuyết điểm của mình. Ngược lại, có những người rất yếu về chuyên môn, đạo đức kém nhưng do bệnh kiêu ngạo, họ tự nhận mình có nhiều thành tích. Nhìn vào 2 bản tự đánh giá đó thì có thể một người tốt thì lại nhiều nhược điểm hơn người kém. Trong bối cảnh đánh giá như vậy, chúng ta rất cần đánh giá của những hội đồng với nhiều chuyên gia, những người quản lý có kinh nghiệm thì tính khách quan sẽ đảm bảo hơn.
“Một nông dân phải cõng bốn công chức béo thì chết”
Cần điều chỉnh những quy định cho công chức nghỉ việc
PV: Có nhiều người băn khoăn số cán bộ không đạt được yêu cầu sẽ được giải quyết, sắp xếp như thế nào, thưa ông?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Trên thực tế, để đưa một cán bộ, công chức, viên chức ra khỏi bộ máy là một câu chuyện rất lớn. Một doanh nghiệp cho một công nhân nghỉ dễ hơn rất nhiều so với Nhà nước cho một công chức, viên chức nghỉ vì thủ tục, trình tự, thậm chí nhiều người cho rằng đó là việc ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự… Những quy định hiện nay về việc xử lý để đưa công chức ra khỏi vị trí của mình còn rất nặng nề về điều kiện và thủ tục hành chính. Về việc này, tôi nghĩ cần phải điều chỉnh những quy định.
Ví dụ, vừa qua có quy định về việc công chức không được đi lễ chùa đầu năm trong giờ hành chính. Tuy nhiên, nhiều cán bộ vẫn đi và khi về cũng chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm… Những trường hợp như vậy chúng ta có thể quy định đến mức cho nghỉ việc thì sẽ có ý nghĩa tác động đến hệ thống.
“Nhiều vấn đề bức xúc thực chất do cán bộ, công chức gây ra”
PV: Kết quả sát hạch chất lượng cán bộ, công chức là cơ sở để sắp xếp, bố trí lại công việc, thậm chí tinh giản biên chế là điều chúng ta đã nghe nói trong nhiều năm qua. Theo ông, làm thế nào để nói đi đôi với làm thành hiện thực?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri cũng rất băn khoăn liệu quyết tâm cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có thực hiện được không? Tôi hiểu và chia sẻ suy nghĩ của người dân vì nhiều lần chúng ta làm việc này nhưng kết quả không được như mong muốn, thậm chí số biên chế ngày càng tăng lên.
Lần này, cả nước đang triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị với một quyết tâm rất cao, bài bản, quyết liệt. Như Hà Nội, qua sắp xếp đã giảm được 13,8 % đầu mối phòng, ban và 34,6% đơn vị sự nghiệp của khối Đảng, tập thể; khối chính quyền đã giảm được 22,5% số phòng thuộc Sở và tương đương; giảm 30,2% số đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở. Đây là những con số rất cơ bản để minh họa cho kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 39. Kết quả đó cho thấy quyết tâm trên rất cao, cộng với công tác kiểm tra, giám sát thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được kết quả như mong muốn.
PV: Theo ông, việc kiểm tra, sát hạch có nên trở thành quy định bắt buộc không?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Tác dụng của việc kiểm tra, sát hạch rất rõ, tạo động lực cho cán bộ, công chức nỗ lực, đặc biệt là khắc phục được sức ì lâu nay với câu muôn thuở “vào rồi thì ngồi đấy”. Do vậy cần đưa vào thành các quy định chính thức của Đảng, Nhà nước, thành pháp luật, trong các hệ thống quy định pháp luật về cán bộ, công chức. Cũng lưu ý khi đưa vào chúng ta cũng phải quan tâm đến cách thức để phù hợp với từng lĩnh vực của công chức, viên chức; quy định thành phần hội đồng để đảm bảo tính khách quan. Và hội đồng cũng không nên dừng lại ở cán bộ tại cơ quan mà cần có chuyên gia ở lĩnh vực, thậm chí hội đồng của địa phương này, Sở này có thể tham gia vào hội đồng của cơ quan khác thì mới có các đánh giá khách quan hơn.
PV: Xin cảm ơn ông./.
“Có cán bộ công chức làm việc chưa hết lòng hết dạ“