Sớm tạo ra thị trường điện cạnh tranh

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, việc tạo cơ chế giá điện theo giá thị trường sẽ góp phần tạo điều kiện thu hút đầu tư, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng quốc gia và tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh

Thuỷ điện xả lũ gây thiệt hại phải bồi thường

Trước rất nhiều ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng về vấn đề quy hoạch, tiến độ xây dựng các dự án điện; tình hình thiếu điện hiện nay, biện pháp xử lý tình trạng cắt điện tùy tiện, vấn đề giá điện, quan hệ giữa sản xuất, phân phối và truyền tải điện thời gian qua… chiều 22/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã được Chủ toạ phiên chất vấn mời trả lời thêm những vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Vốn đầu tư cho các dự án điện còn rất thiếu

Trước diễn đàn Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải với tư cách là một thành viên Chính phủ, trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Tổng quy hoạch điện VI đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng thiếu điện thời gian qua.

Phó Thủ tướng cho biết, Tổng quy hoạch điện VI được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tốc độ tăng trưởng từ 15-17%/năm, và sẵn sàng các điều kiện để đáp ứng cho tốc độ tăng trưởng 20%/ năm. Để đáp ứng yêu cầu đó, cần phải đầu tư khoảng 3.000 MW/năm, tương ứng với số vốn đầu tư 6 tỷ USD/năm. Vậy tại sao vẫn thiếu điện?

Trình bày trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, nguyên nhân đầu tiên là thiếu vốn. Từ năm 2006 đến nay, chúng ta phải đối mặt với những khó khăn rất lớn của khủng hoảng kinh tế thế giới, nên việc huy động vốn cho các dự án điện là hết sức khó khăn. Vốn vay trong nước có lúc đã lên đến 18-19%, nhưng cũng không đủ vốn mà vay.

Việc huy động vốn của nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn, bởi các thị trường cung cấp vốn vay lớn cũng phải tự đương đầu với khủng hoảng, nhiều nước đã ra quy định cấm đầu tư vốn lớn ra nước ngoài để ổn định tài chính của họ. “Từ năm 2003 đến nay, chúng ta không có thêm dự án BOT nào lớn của nước ngoài đầu tư vào ngành điện”, Phó Thủ tướng cho biết.

Một vấn đề cũng được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề cập là việc giải phóng mặt bằng. Phần lớn các công trình nguồn và lưới điện của chúng ta đều vướng khâu giải phóng mặt bằng. Có những công trình chậm 2-3 năm do vướng mắc ở khâu này.

Giá điện cũng là một nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn cung về điện. Với mức giá bình quân 5,2 cent/kWh, thấp hơn với giá bình quân của các nước trong khu vực. Chính sự không hấp dẫn của giá bán điện như vậy, làm cho việc huy động vốn cho các công trình, đặc biệt là các công trình của tư nhân kém hấp dẫn. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, nếu chúng ta không có giải pháp tháo gỡ thì không có cách gì đáp ứng đủ điện cho các nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đồng tình với giải trình của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc tại phiên chất vấn sáng nay, đó là năng lực của các nhà đầu tư và các nhà thầu. Đây là một điểm yếu mà Chính phủ đã chỉ đạo khắc phục trong nhiều năm qua về cải cách thủ tục đầu tư, xây dựng, tuy nhiên khâu chuẩn bị đầu tư còn rất chậm, trong đó có nguyên nhân do thiếu vốn.

Cần sớm ban hành giá điện theo cơ chế thị trường

Về những giải pháp trước mắt, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các công trình hiện đang thi công. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các dự án kêu gọi đầu tư trong nước và nước ngoài cho việc phát triển điện. Chính phủ đang chuẩn bị cơ chế về giá điện gió, theo đó giá sẽ khoảng 12,5 cent/kWh và Chính phủ đang trình các phương án hỗ trợ trực tiếp cho sự chênh lệch giá này. Chỉ có cơ chế như vậy mới tăng được việc sử dụng năng lượng tái tạo, tăng nguồn điện và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.

Một giải pháp cũng cần phải sớm triển khai là tái cơ cấu ngành điện, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, khoảng cuối năm 2010, Chính phủ sẽ có giải pháp này và năm 2011 sẽ tạo ra thị trường cạnh tranh về phát điện. Muốn như vậy, sẽ phải tách các nhà máy điện khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chỉ để lại một số nhà máy điện chiến lược thuộc Tập đoàn. Phần chuyển tải, phân phối sẽ vẫn thuộc Tập đoàn trong giai đoạn đầu nhằm bảo đảm việc phân phối, bán điện một cách ổn định.

“Chúng tôi rất mong các vị đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước ủng hộ cơ chế giá điện theo giá thị trường. Chúng ta đã mạnh dạn thực hiện cơ chế giá xăng dầu theo giá thị trường và bước đầu đã thành công. Nếu chúng ta không thực hiện thị trường hoá về giá năng lượng, thì sẽ không cách gì có đủ năng lượng cho quốc gia”, Phó Thủ tướng nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên