"Tầm soát bệnh tật trong 'cơ thể' chính trị của Đảng phải được làm thường xuyên"
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhấn mạnh điều này khi nhắc tới nhiệm vụ chống tiêu cực gắn với nhiệm vụ chống tham nhũng.
Biểu hiện nguy hiểm nhất của tiêu cực chính là suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, từ đó dẫn đến tham nhũng. Vì thế, việc phòng, chống tiêu cực song song với phòng, chống tham nhũng chính là cách xử lý toàn diện. Tuy nhiên, đây là việc không hề dễ dàng bởi những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống không dễ gì có thể nhận ra được. Tham nhũng có thể đong đếm thành tiền bạc, nhưng tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống rất khó định lượng. Vậy làm sao để chống tiêu cực được hiệu quả, đảm bảo mục tiêu phòng ngừa từ xa cho đấu tranh bảo vệ, xây dựng Đảng, bảo vệ chế độ?
Gắn kết nhiệm vụ phòng chống tham nhũng với phòng chống tiêu cực là tất yếu
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, ông Lê Thanh Vân cho rằng, việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng được tăng cường thêm chức năng phòng chống tiêu cực, là tiếp nối công tác phòng, chống suy thoái nói chung, trong đó có tiêu cực, lãng phí, suy thoái về đạo đức, tư tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hóa…đều là những hành vi làm suy giảm sức chiến đấu của Đảng.
“Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng được tăng cường thêm chức năng chống tiêu cực là hợp lý, nó giúp làm tăng sức đề kháng đối với "cơ thể" chính trị của Đảng, làm cho sức chiến đấu của Đảng tăng lên. Cách làm này không khác gì việc chẩn bệnh và trị bệnh, những “căn bệnh” liên quan đến “cơ thể” chính trị của Đảng đều phải chẩn và trị cả, chứ không chỉ riêng tham nhũng”, vị đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân liên hệ.
Tiêu cực, suy thoái, bất mãn cũng có thể là hệ quả dẫn đến tham nhũng. Suy thoái về phẩm chất dẫn đến tha hóa, ham hố vật chất liên quan đến tham nhũng. Tha hóa về chính trị, tư tưởng liên quan đến ý thức chính trị.
Ông Lê Thanh Vân cho rằng, cần phân biệt tha hóa, xuống cấp, tự diễn biến, nó không biểu hiện ra bên ngoài mà ngấm ngầm ở bên trong với hình thức thể hiện khác nhau, vì thế phải tinh tường mới phát hiện ra. Có những người luôn rao giảng đạo lý, lý tưởng của Đảng nhưng tha hóa, tiêu cực, rồi tham nhũng ngấm ngầm. Họ khác hoàn toàn với những người lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự sống còn của Đảng.
“Những biểu hiện đó giống như căn bệnh ung thư ngấm ngầm phát bệnh bên trong cơ thể, đến lúc phát hiện thì đã di căn, khó chữa. Cho nên việc tầm soát bệnh tật trong "cơ thể" chính trị của Đảng phải được làm thường xuyên, với tất cả các loại bệnh”, ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Làm sao để không bỏ sót tham nhũng và tiêu cực?
Xét về bản chất, thì tham nhũng trước hết là một hành vi tiêu cực. Hành vi tiêu cực ở đây chính là biến chất, bởi không kiểm soát được lòng tham trỗi dậy. Cho nên, gắn việc chống tham nhũng với việc chống tiêu cực chính là một cách thức chung để chống căn bệnh về suy thoái.
Hiện tượng và bản chất của tham nhũng và tiêu cực có mối quan hệ biện chứng với nhau. Hiện tượng là biểu hiện bên ngoài của bản chất; còn bản chất kiểu gì cũng bộc lộ ra hiện tượng. Nhưng cũng có hiện tượng giả, thật, thế nên quan trọng là phải thấy được bản chất. Bản chất của cán bộ, đảng viên thì phải kiểm soát được bằng thực chứng chứ không phải bằng lời nói. Một người xấu được cả tập thể xấu bỏ phiếu cho là tốt, như thế mà không tinh tường sẽ dễ nhầm lẫn.
Ông Lê Thanh Vân cho rằng, cấp ủy cấp trên phải kiểm tra thường xuyên, và phải dựa vào thực chứng để kiểm tra, còn nếu dựa vào chỉ số tín nhiệm với một tập thể lợi ích nhóm chưa bị phát hiện, thì đó là hiện tượng giả. Bên cạnh đó, cần dựa vào đánh giá của quần chúng nhân dân, bởi như Bác Hồ từng nói, không có gì có thể che mắt được nhân dân.
“Suy thoái hiện nay tinh vi lắm cho nên “bắt bệnh” phải tinh, phải dựa vào thực chứng. Như vừa rồi, nếu Thủ tướng không tới thẳng những điểm nóng của đại dịch Covid-19 ở một vài địa phương thì không thể biết được sự thật ở dưới cơ sở như thế. Nghe báo cáo thì tốt đẹp hết, nhưng thực chứng kiểm tra lại không phải thế. Kiểm tra một người đứng đầu cấp ủy mà lại lơ mơ thì báo cáo là hiện tượng giả. Những cán bộ như thế không xứng đáng về năng lực thì phải xem xét và thay thế. Cán bộ có biểu hiện suy thoái về phẩm chất, chính trị đạo đức, lối sống rồi cả tham nhũng, thì càng phải thay thế, nếu không “ung nhọt” cứ thế sẽ phát triển”, ông Lê Thanh Vân bày tỏ quan điểm.
Đề cử nhầm người: Cần có hình phạt thích đáng
Đồng tình với quan điểm muốn chống được tham nhũng thì trước hết phải làm tốt phòng chống tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ông Vân nhấn mạnh phải coi trọng công tác cán bộ. Cần có những hình phạt thích đáng đối với những cá nhân, tập thể đề cử cán bộ không xứng đáng, đề cử nhầm người, thậm chí phải có những đại án để xử thật nghiêm, đích đáng mới tăng sức răn đe.
“Cho đến nay, tôi vẫn chưa thấy có hình phạt nào đối với những sai lầm trong tiến cử, lựa chọn nhân sự, mà chỉ là rút kinh nghiệm. Như thế không có tấm gương tày liếp để soi chiếu người ta vẫn sẽ nhởn nhơ. Kỷ luật, khiển trách hay phê bình khó mà tốt, vì thế phải làm nghiêm”, ông Lê Thanh Vân đề nghị.
Theo ông Vân, cán bộ tốt công việc mới chạy, đó là nguyên lý. Cán bộ tốt sẽ đề ra được chính sách, đường lối, sau đó cụ thể hóa bằng luật pháp, tác động đúng hướng, phù hợp với quy luật, đúng lòng dân, khích lệ, huy động được mọi nguồn lực phát triển. Cán bộ ở tầm chiến lược phải làm như thế.
“Theo tôi, đại dịch này là dịp để đánh giá và thanh lọc cán bộ, không chờ đến vi phạm, mà năng lực kém, đưa ra những giải pháp gây tác hại đến doanh nghiệp, người dân thì phải xử lý, không để người dân, doanh nghiệp phải chịu tác động kép từ dịch bệnh và từ những giải pháp phản khoa học, không phù hợp thực tiễn tác động ngược trở lại. Những cán bộ như thế chỉ có làm cho mục tiêu kép của Đảng, Nhà nước bị nghẽn, bị chậm”, ông Lê Thanh Vân quả quyết./.