Tăng cường công tác cải cách tư pháp ở Kon Tum
VOV.VN -Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị khối các cơ quan tham gia điều tra ban đầu phải bảo đảm đúng quy trình của tố tụng và pháp luật.
Sáng 4/8, tại thành phố Kon Tum, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Kon Tum, kiểm tra tình hình thực hiện Kết luận số 92, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành kết luận và Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương có kế hoạch triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020, việc tổ chức phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum, các cấp, các ngành của địa phương tiến hành kịp thời, có chất lượng đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ nguyên nhân những hạn chế, tồn tại trong công tác cải cách tư pháp của địa phương, như: tiêu chuẩn điều tra viên quá cao dẫn đến thiếu về số lượng; hiện tượng lơ là công tác tư pháp chạy theo công tác điều tra; bất lợi của mô hình Viện Kiểm sát khu vực với thực tế địa phương; chất lượng mô hình tố tụng, tranh tụng tại phiên tòa; việc tái bổ nhiệm thẩm phán còn chậm…
Để công tác cải cách tư pháp đến năm 2020 đạt kết quả cao, tỉnh Kon Tum kiến nghị Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đề nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng sớm ban hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Thi hành án dân sự; Trung ương tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ ngành tư pháp; đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong công tác cải cách tư pháp, đồng thời đề nghị địa phương tăng cường công tác đào tạo hoàn thiện đội ngũ cán bộ và các chức danh tư pháp; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm quyền của bị can, bị cáo, của đương sự, bảo đảm nguyên tắc độc lập của thẩm phán và hội thẩm trong hoạt động xét xử.
Để không xảy ra tình trạng oan sai, lọt tội phạm và thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Khối các cơ quan tham gia hoạt động điều tra ban đầu phải bảo đảm theo quy trình chặt chẽ theo quy trình của tố tụng và pháp luật. Trong quá trình hoạt động điều tra cần lưu ý làm án đây là khâu quan trọng đầu tiên của quá trình tố tụng. Nếu như chúng ta không phát hiện kịp thời, điều tra đầy đủ, xác lập tất cả các chứng cứ buộc tội cũng như gỡ tội để bảo đảm khách quan của vụ án thì có thể nói sau này các cơ quan công tố, kiểm sát và tòa án rất khó khăn.
Tôi tin rằng chúng ta đều nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác tư pháp trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đây là một trong những nhánh quyền lực theo quy định của Hiến pháp mới và cương lĩnh là rất quan trọng”./.