Tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí theo hướng: triển khai các hoạt động giám sát như chất vấn, giám sát chuyên đề, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật".
Sáng nay, 27/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, kết nối trực tuyến với 49 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì hội nghị.
Hoạt động giám sát của Quốc hội đã được tăng cường và có sự đổi mới
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá, trong thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội đã được tăng cường và có sự đổi mới, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Nội dung giám sát được Quốc hội lựa chọn sát với tình hình thực tiễn phát triển của đất nước, nhằm rà soát việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật của Quốc hội đã ban hành, gắn với sự phát triển của từng địa phương, tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, nét mới trong công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 so với trước đây đó là trong các đơn vị được giám sát có Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, Thành phố.
Phó tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, thời gian qua, kiểm toán Nhà nước đã thực hiện công khai kết quả kiểm toán và cung cấp thông tin tài liệu cho Đoàn giám sát của Quốc hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có những khó khăn như với đặc thù của kiểm toán Nhà nước là mang tính hậu kiểm, kết quả kiểm toán thường có độ trễ. Vì vậy, chưa cung cấp cho Đoàn giám sát một số tài liệu mang tính thời sự; kiểm toán Nhà nước chưa thể kịp thời đưa vào kế hoạch hàng năm trùng với các hoạt động giám sát.
Ông Ngô Văn Tuấn đề nghị: "Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan xem xét có kế hoạch giám sát trung hạn để sớm đưa ra định hướng một số chuyên đề đưa vào kế hoạch trung hạn của Kiểm toán nhà nước cũng như kế hoạch hàng năm. Các cơ quan Quốc hội nghiên cứu thêm một trong những hướng tiếp cận lựa chọn chủ đề giám sát liên quan đến việc quản lý tài chính công, tài sản công trên cơ sở khai thác và sử dụng kết quả kiểm toán Nhà nước đã ban hành các báo cáo kiểm toán hàng năm. Khi xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn và kế hoạch kiểm toán hàng năm kiểm toán nhà nước cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị để xây dựng kế hoạch bám sát những chủ đề mà thường dẫn đến tiêu cực tham nhũng, lãng phí để phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội hàng năm."
Để chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả những tháng cuối năm 2022 và triển khai chương trình giám sát năm 2023, theo Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng phải xác định tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, “mũi nhọn” để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh: "Xây dựng chương trình giám sát bám sát tình hình thực tiễn, bảo đảm cân đối giữa các hoạt động giám sát. Trong báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết về giám sát cần có các tiêu chí định lượng rõ ràng, mốc thời gian, trách nhiệm thực hiện cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Cần có chương trình giám sát chuyên đề về đầu tư công, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng."
Tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tóm tắt 7 vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã và đang tiến hàng giám sát. Để triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan chức năng xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam theo quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng hoạt động giám sát của Quốc hội; về mối quan hệ biện chứng giữa chức năng giám sát và chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; mối quan hệ biện chứng giữa hoạt động giám sát với công tác xây dựng, thi hành pháp luật, nhất là các lĩnh vực có nhiều vướng mắc, bất cập; gắn kết chặt chẽ, bảo đảm kết nối và kế thừa hiệu quả giữa kết quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội tiến hành với kết quả các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nâng cao chất lượng các chương trình giám sát; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí theo hướng: triển khai các hoạt động giám sát như chất vấn, giám sát chuyên đề, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội phải chú trọng nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và được tiến hành toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, dư luận quan tâm về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống."
Phát huy cơ chế tham gia của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các ban chỉ đạo cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, Nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong hoạt động giám sát của Đảng và Nhà nước, trong đó có giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Căn cứ tình hình thực tế, nghiên cứu lồng ghép nội dung về phòng, chống tiêu cực trong báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, hằng năm, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phải báo cáo Quốc hội về nội dung này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì, phối hợp với HĐDT, các Ủy ban khác của Quốc hội tiến hành thẩm tra. Tại các kỳ họp cuối năm, trường hợp cần thiết, có thể bố trí để Quốc hội xem xét báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cùng với xem xét báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tăng cường sự liên thông và phân định rõ nội dung giám sát giữa Quốc hội với giám sát của HĐND, MTTQVN và nhân dân
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát để phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, cùng tạo sức cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát quyền lực. Tăng cường mối quan hệ phối hợp, cung cấp thông tin giữa Quốc hội với Ủy ban Kiểm tra các cấp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán nhà nước trong hoạt động kiểm soát quyền lực. Tăng cường sự liên thông và phân định rõ nội dung giám sát giữa hoạt động giám sát của Quốc hội với giám sát của Hội đồng nhân dân, giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, giám sát trực tiếp của Nhân dân.
Triển khai Kết luận số 843 của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, sớm rà soát, tổng kết, đánh giá và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về hoạt động giám sát. Tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát là vấn đề đã, đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện và thể hiện thông qua những thay đổi trong tư duy và cách làm nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng: "Vì thế, giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách; phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước. Xây dựng pháp luật là để kiến tạo và phát triển, công tác giám sát cũng vậy."
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội luôn tự đổi mới, do vậy, mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi ĐBQH phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri để thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động Quốc hội” như kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV./.