Tạo sự lưu thông thuận lợi dòng chảy đầu tư Việt Nam-Campuchia
VOV.VN - Việt Nam-Campuchia nhất trí thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi để doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư.
Chiều nay (6/12), tại Hà Nội, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành và khoảng 400 doanh nghiệp hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Phát biểu tại diễn đàn, hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi để doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, không chỉ nắm lấy cơ hội tiêu thụ hàng hóa tại thị trường hai nước mà còn mở rộng ra khu vực ASEAN.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay Việt Nam có 210 dự án đăng ký đầu tư sang Campuchia với tổng vốn đăng ký chuyển ra nước ngoài là 3 tỷ USD tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp, ngân hàng, viễn thông - công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp, chế biến - chế tạo, kinh doanh thương mại, y tế... Nhiều hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đã đi vào triển khai có hiệu quả, đem lại lợi ích nhiều mặt cho bản thân nhà đầu tư và đóng góp cho kinh tế - xã hội của địa phương nơi thực hiện dự án. Campuchia luôn nằm trong top 3 thị trường lớn nhất thu hút đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
Theo chiều ngược lại, tính đến nay Campuchia có 20 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt gần 65 triệu USD, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, tiếp sau là lĩnh vực kinh doanh thương mại..
Kim ngạch thương mại hai nước duy trì ở mức tăng cao liên tục trong những năm gần đây và dự kiến năm nay có thể đạt 5 tỷ USD, vượt mục tiêu đạt 5 tỷ USD vào năm 2020.
Hợp tác về du lịch giữa hai nước đang có sự tăng trưởng tích cực. Việt Nam là nước có du khách đến Campuchia lớn thứ hai và 10/2018 đã có khoảng 500.000 lượt khách du lịch Việt Nam thăm Campuchia. Ở chiều ngược lại, năm 2017, khách Campuchia đến Việt Nam đạt 222.000 lượt.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh hợp tác hai nước phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, lãnh đạo Chính phủ hai nước thường xuyên tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp hai nước. Với kim ngạch thương mại năm nay ước đạt 5 tỷ USD, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đến năm 2020 có thể đạt 7-8 tỷ USD.
Thủ tướng nhấn mạnh đến thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại hai nước thời gian tới là rất quan trọng và cho rằng: “Thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới, khu vực mở ra nhiều khu vực và thách thức đan xen đòi hỏi chúng ta phải hợp tác chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Thực tế tiềm năng hợp tác hai nước còn rất lớn. Nếu chúng ta biết khai thác tốt thì có thể tạo ra sự bùng nổ mạnh mẽ về sự hợp tác giữa hai nước, mang lại lợi ích chung cho hai dân tộc. Hai nước đều là thành viên của ASEAN, trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN đã có nhiều quy định thuận lợi mở cửa thị trường cho vốn, hàng hóa, lao động, dịch vụ. Đây là cơ sở nền tảng mà các doanh nghiệp cần tận dụng tốt các thuận lợi này. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia đầu tư kinh doanh”.
Thủ tướng cũng nhắc nhở các doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh lợi ích của doanh nghiệp, cần chú trọng đào tạo, chuyển giao công nghệ cho đối tác Campuchia, thực hiện các hoạt động xã hội, quan tâm đến cộng đồng và bảo vệ tốt môi trường.
Thủ tướng cũng yêu cầu các tập đoàn doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Viettel, PVN, EVN, Tập đoàn cao su, BIDV... phải là những nhà đầu tư tiên phong của Việt Nam hoạt động đầu tư kinh doanh thành công tại Campuchia.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cám ơn Chính phủ Hoàng gia Camphuchia, Thủ tướng Hunsen, đã dành cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Campuchia nhiều sự giúp đỡ, ủng hộ quý báu và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia; tạo sự lưu thông thuận lợi của dòng chảy đầu tư Việt Nam-Campuchia để hai bên cùng phát triển, cùng có lợi.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Hun Sen đánh giá cao các hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian qua, đồng thời đánh giá cao Chính phủ và Thủ tướng Việt Nam đã điều hành nền kinh tế chuyên nghiệp, giúp kiểm soát tốt lạm phát. Điều này có tác động tích cực đối với nền kinh tế Campuchia.
Nêu lên một số tiềm năng và cơ hội đầu tư tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen cho biết, Campuchia đang thực hiện chính sách phát triển công nghiệp giai đoạn 2015-2025 để thực hiện chiến lược tăng trưởng mới. Cùng với đó là đẩy mạnh cải thiện thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan, cắt giảm các chi phí cho doanh nghiệp; thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng cứng như cảng biển nước sâu, đường cao tốc, quốc lộ lớn kết nối với các cảng và kết nối với các quốc gia láng giềng.
“Hơn một thập kỷ qua, Campuchia đã có sự thay đổi tích cực về kinh tế xã hội và mức tăng trưởng bình quân trên 7%, năm nay dự kiến tăng trưởng khoảng 7,3% và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này thời gian tới. Campuchia đang tiến tới là nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Chính phủ Hoàng gia Campuchia cũng đang sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư và thông qua Luật về đặc khu kinh tế và sẽ hiện đại hóa hệ thống hải quan và thuế quan, khuyến khích về thành phố thông minh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...”, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói.
Ngoài các ưu đãi cho các nhà đầu tư, Thủ tướng Hun Sen cho biết, Campuchia là quốc gia có dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Campuchia không có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hàng hóa sản xuất tại Campuchia không chỉ phân phối tại thị trường 15 triệu người mà còn cung cấp cho thị trường 250 triệu người của Tiểu vùng Mekong, thị trường ASEAN hơn 600 triệu người cũng như thị trường hơn 3 tỉ người của RCEP. Việt Nam và Campuchia cũng ký hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn chặn gian lận thuế, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư hai nước./.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen sẽ thăm chính thức Việt Nam