Tập đoàn cứ điểm Nà Sản trong chiến dịch Tây Bắc sau 70 năm giờ ra sao?

VOV.VN - Tập đoàn cứ điểm Nà Sản thuộc huyện Mai Sơn (Sơn La) là tập đoàn cứ điểm quân sự quan trọng của thực dân Pháp tại Tây Bắc. Đây là nơi diễn ra trận đánh công kiên then chốt trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952, từ đó góp phần tiến tới kết thúc chiến dịch thắng lợi.

Tròn 70 năm sau giải phóng, di tích lịch sử quốc gia "tập đoàn cứ điểm Nà Sản" nay đã khoác lên mình diện mạo mới, trở thành một trong những vựa cây ăn quả, cà phê, vùng kinh tế động lực của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Ngược dòng lịch sử, Nà Sản là một trong những căn cứ quân sự quan trọng của thực dân Pháp ở Tây Bắc. Với vị trí đặc biệt thuận lợi, ngay những năm đầu quay lại đánh chiếm Sơn La - Tây Bắc, thực dân Pháp đã chọn Nà Sản để xây dựng sân bay vận tải, làm cầu hàng không vận chuyển để tiếp tế lương thực và các phương tiện chiến tranh phục vụ cho công cuộc chiếm đóng, cai trị của chúng ở Tây Bắc.

Trước những cuộc tấn công ồ ạt của quân và dân ta trong đợt 1 và đợt 2 của chiến dịch Tây Bắc, thực dân Pháp đã bỏ nhiều vị trí quan trọng, rút chạy về co cụm tại Nà Sản, tập trung xây dựng nơi đây trở thành một trong những "Tập đoàn cứ điểm" mạnh và kiên cố nhất Đông Dương thời điểm đó. Tập đoàn có ý nghĩa chiến lược quân sự, lần đầu tiên được thử nghiệm tại Việt Nam mà chúng gọi là "con đê ngăn sóng".

Để giành toàn thắng cho chiến dịch, Bộ chỉ huy bộ đội ta quyết định mở đợt 3 chiến dịch "Tiến công tập đoàn cứ điểm ở Nà Sản". Đây là trận đánh công kiên lớn nhất của bộ đội ta thời kỳ đó; là trận đánh then chốt vào căn cứ cố thủ của thực dân Pháp ở Tây Bắc. Nà Sản bị bao vây, cô lập, địch bí mật tháo chạy bằng đường hàng không, chiến dịch Tây Bắc đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn.

Ông Tạ Thành Mai, nguyên Tiểu đoàn trưởng căn cứ không quân Nà Sản, Sư đoàn 371, Quân chủng phòng không - không quân; nguyên giám đốc Sân bay Nà Sản, nay là chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tiểu khu Nà Sản, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Nhân dân địa phương cùng với cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ đã làm nên chiến thắng ở Tây Bắc. Sau khi giải phóng, Đảng, Nhà nước đã cho thành lập một số nông trường, đặc biệt ở Sơn La là khu vực Nà Sản, Mai Sơn, nhân dân đã cần cù sáng tạo trong công cuộc xây dựng đất nước, cùng với cả nước đã tập trung khôi phục phát triển kinh tế. Để đến hôm nay, cao nguyên Nà Sản đã trở thành một nơi đáng sống..."

Tập đoàn cứ điểm Nà Sản được xây dựng chủ yếu thuộc địa phận xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, phân bố trên diện tích 10 km². 17 cứ điểm liên hoàn được xây dựng như một vòng cung khép kín. Ở giữa là khu trung tâm nằm trong thung lũng trải rộng có Sở chỉ huy, sân bay vận tải, hệ thống kho chứa lương thực, vũ khí... 

Trải qua dòng chảy thời gian, “Tập đoàn cứ điểm Nà Sản” nay chỉ còn là địa danh lịch sử, nhưng nơi đây mãi là chứng tích những năm tháng oanh liệt của quân và dân ta. Năm 1998, “Tập đoàn cứ điểm Nà Sản” được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

70 năm sau giải phóng, vùng đất lịch sử nay đã khoác lên mình diện mạo mới. Những bãi mìn, ụ pháo, hệ thống giao thông... năm xưa nay đã được thay thế bằng những đồi cà phê, vườn cây ăn quả xanh bạt ngàn. Đặc biệt, các sản phẩm nông sản nơi đây từ sản xuất truyền thống từng bước được ứng dụng công nghệ cao, kết hợp quy trình chăm sóc theo quy chuẩn VietGAP, mang lại nhiều hiệu quả cho bà con nông dân, đưa nông sản ngày một vươn xa.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, quê gốc Hưng Yên, người sáng lập HTX Đoàn Kết, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn chia sẻ: Hơn 30 năm gắn bó, nhận thấy đây là mảnh đất tiềm năng để phát triển cây ăn quả, nên đã liên kết nhân dân địa phương thành lập HTX, trồng gần 50 ha cây ăn quả thế mạnh như nhãn, thanh long, nho... đem lại giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Đình Tuấn cho biết: "Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, chất đất, nguồn nước, nên các loại cây từ cà phê, thanh long, nhãn, hay cây ăn quả khác đều phát triển tốt, ăn rất ngon. Như tôi trồng nho, so với nhiều nơi khác, thì tôi thấy nho trồng ở Sơn La có vị đậm, ngon hơn rất nhiều. Tới đây tôi sẽ tiếp tục trồng thử nghiệm thêm 5.000m2 giống nho mới là nho sữa (nho mẫu đơn Hàn quốc)."

Trong 3 cụm kinh tế của huyện Mai Sơn (Sơn La), thì cao nguyên Nà Sản - vùng dọc quốc lộ 6 giữ vị trí trung tâm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của toàn huyện, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh gắn với các cơ sở công nghiệp chế biến.

Ông Hà Văn Thong, Chủ tịch UBND xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn thông tin: Chiềng Mung là xã nằm gọn trên cao nguyên Nà Sản. Khai thác lợi thế của cao nguyên, xã đã phát triển hơn 750 ha cà phê, 600 ha cây ăn quả, đặc biệt là nhãn, xoài, thanh long...

Ông Hà Văn Thong chia sẻ: "Những năm gần đây, diện mạo của xã đã có rất nhiều đổi thay, bà con tích cực sản xuất, thâm canh, tăng vụ, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, hiện tại tỷ lệ hộ nghèo còn 3,47%, thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu/người/ năm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện theo 12 chủ trương của huyện."

Là một trong hai cao nguyên lớn của tỉnh Sơn La, lợi thế cũng như sự phát triển của cao nguyên Nà Sản những năm gần đây đã thu hút các doanh nghiệp tới đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu, cùng nhiều công trình, dự án tiềm năng đang được triển khai. Từ một địa danh lịch sử ghi dấu những chiến công, Nà Sản hôm nay tiếp tục trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, là niềm tự hào của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La nói riêng, cũng như của cả khu vực Tây Bắc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Bài học về xoay chuyển tình thế
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Bài học về xoay chuyển tình thế

VOV.VN - 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, vượt qua muôn vàn gian khổ, “gan không núng, chí không mòn”, 17 giờ 30 ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, Tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Bài học về xoay chuyển tình thế

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Bài học về xoay chuyển tình thế

VOV.VN - 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, vượt qua muôn vàn gian khổ, “gan không núng, chí không mòn”, 17 giờ 30 ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, Tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng.

Các nhà sử học nước ngoài: “Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới”
Các nhà sử học nước ngoài: “Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới”

VOV.VN - “Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới”, đó là nhận định của các nhà nghiên cứu sử học nước ngoài khi nhìn nhận và đánh giá chân thực, khách quan về Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Các nhà sử học nước ngoài: “Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới”

Các nhà sử học nước ngoài: “Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới”

VOV.VN - “Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới”, đó là nhận định của các nhà nghiên cứu sử học nước ngoài khi nhìn nhận và đánh giá chân thực, khách quan về Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Sau 68 năm, chiến trường Điện Biên Phủ thay đổi ra sao?
Sau 68 năm, chiến trường Điện Biên Phủ thay đổi ra sao?

VOV.VN - 68 năm kể từ sau chiến thắng "Lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu", Chiến trường Điện Biên Phủ đã có những đổi thay rõ nét. Những bản làng trù phú, cùng những khu đô thị sầm uất mọc lên đã xóa đi những tàn tích chiến tranh năm nào…

Sau 68 năm, chiến trường Điện Biên Phủ thay đổi ra sao?

Sau 68 năm, chiến trường Điện Biên Phủ thay đổi ra sao?

VOV.VN - 68 năm kể từ sau chiến thắng "Lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu", Chiến trường Điện Biên Phủ đã có những đổi thay rõ nét. Những bản làng trù phú, cùng những khu đô thị sầm uất mọc lên đã xóa đi những tàn tích chiến tranh năm nào…