Thanh Hoá: Sàng lọc kỹ nhân sự tham gia Ban Chấp hành
VOV.VN - Ông Hưng cho rằng, với quá trình 5 bước, quy trình sàng lọc kỹ càng, dân chủ, minh bạch...sẽ giúp Thanh Hóa chọn ra những người tài, đức có thể gánh vác trọng trách của địa phương.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX (2020-2025) diễn ra từ ngày 26-29/10. Đây là 1 trong những Đảng bộ có số lượng đảng viên đông nhất cả nước. Việc kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020, hàng loạt cán bộ chủ chốt trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ sẽ nghỉ chế độ, tỉnh Thanh Hoá đã có bước chuẩn bị nhân sự kế cận từ đầu nhiệm kỳ. Phương châm của Thanh Hóa là xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, đưa ra khỏi phương án nhân sự những cán bộ vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá về vấn đề này.
PV: Thưa ông, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX diễn ra vào thời điểm mà Thanh Hóa đang cho thấy sự bứt phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Vậy, Đại hội lần này có ý nghĩa như thế nào đối với tỉnh Thanh Hóa?
Ông Đỗ Trọng Hưng: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn, Đại hội Đảng là quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và của nhân dân ta. Với tinh thần đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định bước trưởng thành, lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, một trong những đảng bộ thành lập sớm và là một đảng bộ có số lượng tổ chức đảng, đảng viên lớn của cả nước.
Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Đại hội chính là tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 và quyết định phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển tỉnh Thanh Hóa trong 5 năm tới và tầm nhìn đến năm 2030. Và càng đặc biệt hơn là khi Đại hội lần này là nhiệm kỳ đầu tiên mà tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị. Việc tổ chức thành công Đại hội sẽ có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của tỉnh trong 5 năm tới.
PV: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thể hiện trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX là Thanh Hóa xác định phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và 6 liên vùng huyện, để tạo không gian mới cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Nhiệm vụ này có gì đặc biệt đối với tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn tới?
Ông Đỗ Trọng Hưng: Trong quá trình lãnh đạo xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa thì nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đến việc mở rộng không gian phát triển của tỉnh, chẳng hạn việc định hướng phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực hay còn gọi là Tứ Sơn đã được xác định từ nhiều nhiệm kỳ trước, nhưng vì chưa đủ điều kiện nên những định hướng lớn đó chưa được thực hiện một cách trọn vẹn.
Với những thành tựu to lớn và có ý nghĩa quan trọng mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong những năm qua cùng với việc lần đầu tiên Thanh Hóa được Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cả về nguồn lực vật chất và tinh thần, mở ra những thời cơ vận hội nổi trội và khác biệt để Thanh Hóa tiếp tục cất cánh, đột phá, trở thành cực tăng trưởng mới, để cùng với Thành phố Hà Nội - Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Chính vì vậy, việc đề ra định hướng phát triển 4 Trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ tới, nhằm tạo không gian mới cho phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh là hoàn toàn phù hợp. Với không gian phát triển này không chỉ gắn kết các địa phương trong tỉnh mà còn gắn kết Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và vùng Tây Bắc. Cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
PV: Thưa ông, nhân sự Đại hội có ý nghĩa quan trọng, là nhân tố đảm bảo cho thành công Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của đại hội. Vậy Thanh Hóa đã chuẩn bị như thế nào cho vấn đề nhân sự của Đại hội lần thứ XIX này?
Ông Đỗ Trọng Hưng: Quán triệt Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các bài viết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức quán triệt và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể các bước quy trình nhân sự đại hội Đảng bộ các cấp.
Trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thống nhất chỉ đạo kiên quyết đưa ra khỏi phương án nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tiếp theo đó, với quy trình 5 bước, theo quy định số 105 của Bộ Chính trị và quy trình nhân sự cấp ủy được quy định trong Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, khách quan, từ hội nghị cán bộ chủ chốt, hội nghị Ban Chấp hành, Ban thường vụ cấp ủy các cấp cho đến lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của tập thể cán bộ cấp ủy nơi nhân sự làm việc, công tác và nơi nhân sự cư trú, tôi nghĩ sẽ lựa chọn được những người có đức, có tài tham gia vào cấp ủy để cùng tập thể gánh vác công việc chung của địa phương, cơ quan, đơn vị.
PV: Được biết, kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020, tại Thanh Hóa, hàng loạt cán bộ chủ chốt trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành không đủ tuổi tái cử, điều này có ảnh hưởng như thế nào đến với việc cơ cấu và bố trí nhân sự cho nhiệm kỳ tới thưa ông?
Ông Đỗ Trọng Hưng: Ý thức được điều này ngay từ đầu nhiệm kỳ, chúng tôi đã xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng quy hoạch các chức danh cán bộ chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Trên cơ sở quy hoạch thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành cử các đồng chí trong quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn theo chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở 2 lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 173 đồng chí trong nguồn quy hoạch ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đồng thời Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã tiến hành luân chuyển, điều động nhiều cán bộ trẻ, cán bộ trong quy hoạch từ tỉnh về huyện và từ huyện về tỉnh công tác, nhằm tạo điều kiện để các đồng chí đó được rèn luyện, thử thách và có cơ hội khẳng định mình trong thực tiễn công tác./.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!