Thành phố Thủ Đức- Kỳ vọng đột phá
VOV.VN - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về quy hoạch, cho rằng: Thành lập thành phố Thủ Đức là một lời giải cho những bài toán về đô thị mà TP.HCM hiện đang gặp phải như kẹt xe, ngập nước...
Theo Nghị quyết số 1111 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM, thành phố Thủ Đức được thành lập dựa trên sự sáp nhập của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Diện tích sau khi sáp nhập là hơn 211km2, dân số hơn 1 triệu người. Tiền đề hình thành nên thành phố Thủ Đức chính là ý tưởng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông, gồm một số trụ cột quan trọng như: Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) sẽ phát triển thành trung tâm công nghệ tài chính quốc tế; Khu công nghệ cao (Quận 9) là nơi tập trung nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm sáng tạo, công nghệ cao; Đại học Quốc gia TP.HCM (quận Thủ Đức) là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Lý giải ý tưởng thành lập các “thành phố thuộc TP.HCM”, Viện trưởng Trần Hoàng Ngân - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho biết: Quy mô dân số của thành phố quá đông (mật độ 4.300 người/m2, thuộc top 20 thế giới) nên lãnh đạo TP.HCM dự kiến lập 4 thành phố nằm tại các cực phía đông, phía tây, phía nam, phía bắc. Ý tưởng này được thai nghén từ năm 2006, thành hình từ năm 2013 nhưng đến nay điều kiện mới chín muồi. Khu vực phía đông có nhiều điều kiện thuận lợi như các trụ cột ở ba quận 2, 9 và Thủ Đức. Thành phố Thủ Đức là sự gắn kết các trụ cột này để hình thành một đô thị sáng tạo, tiền đề cho điều kiện phát triển vượt bậc.
Ông Trần Hoàng Ngân phân tích: “Vấn đề còn lại hiện nay là phải triển khai để làm sao thực hiện được, phát huy được tiềm năng, thế mạnh tại thành phố Thủ Đức này. Để đạt được sự mong đợi đây là một đô thị sáng tạo, là nơi mà mức sống của người dân sẽ cao, tương tác của người dân về một xã hội số, trong một thành phố thông minh, nền kinh tế số”.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về quy hoạch, cho rằng: Thành lập thành phố Thủ Đức là một lời giải cho những bài toán về đô thị mà TP.HCM hiện đang gặp phải như kẹt xe, ngập nước... Nguồn kinh phí dựa vào việc huy động từ vốn xã hội hóa, với nhiều cơ hội đầu tư để thu hút các nhà đầu tư. Từ nguồn vốn này, thành phố Thủ Đức có thể chỉnh trang lại hạ tầng đã có, vừa phát triển được hạ tầng mới. Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, để thành phố Thủ Đức thực sự có sự đột phá thì cần phải có chính sách, cơ chế đặc thù: “Chúng ta phải vừa vận động chính sách, vừa thu hút đầu tư, vừa nghiên cứu xã hội, nghiên cứu tài chính, làm sao thu hút được người dân đến ở, thu hút được nhà đầu tư đến xây dựng những cơ sở tạo công ăn việc làm. Nhân lực phải là chất lượng cao, lương cao để xây dựng một trung tâm đô thị hiện đại, sáng tạo”.
Tiến sĩ Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan đại diện Bộ Nội vụ tại TP.HCM nhận định: Đây là thuận lợi để thành phố Thủ Đức thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Ông Diệp Văn Sơn cũng lưu ý cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xưng tầm, thạo việc: “Cần một bộ máy đủ hiệu lực. Trong Nghị quyết của Quốc hội có giao cho HĐND thành phố thuộc thành phố quyết định các dự án loại B, loại C. Ví dụ như metro thuộc loại B. Một cơ hội rất lớn cho thành phố Thủ Đức, nhưng bản thân nó là một thách thức”.
Thạc sĩ Trần Thị Thu Hà - Phó trưởng bộ môn Luật Hành chính, Trường Đại học Luật TP.HCM - đề nghị cần phải mở rộng thẩm quyền cho Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức. Cụ thể, cho phép Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức đề nghị nhân sự để HĐND thành phố Thủ Đức phê chuẩn các chức danh Phó Chủ tịch và các Ủy viên UBND. Sau đó, đích thân Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức ra quyết định bổ nhiệm các Ủy viên UBND thành phố Thủ Đức vào vị trí thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc thẩm quyền. Theo bà Trần Thị Thu Hà, việc tăng thẩm quyền cho người đứng đầu thành phố Thủ Đức không đồng nghĩa với xem nhẹ vai trò của HĐND. Trong một đơn vị hành chính có cấp chính quyền đầy đủ, HĐND nên tập trung thực hiện tốt chức năng giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật và Nghị quyết của HĐND đối với các chủ thể thực thi quyền lực Nhà nước. Càng được mở rộng thẩm quyền, việc giải trình của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước càng phải được diễn ra thường xuyên, nghiêm túc nhằm ngăn ngừa, hạn chế xu hướng lạm quyền, tham những, tiêu cực.
Ngoài ra, việc tăng cường thẩm quyền cho UBND và Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức phải gắn liền với xu hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý. Nếu chỉ nhận được sự phân cấp nhỏ giọt từ UBND TP.HCM thì bà Trần Thị Thu Hà e ngại rằng mục tiêu mà thành phố Thủ Đức hướng đến chỉ là những kỳ vọng xa xôi. Vì vậy, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cần phải được trao thêm quyền hạn trong lĩnh vực tài chính ngân sách, lĩnh vực đầu tư công, có quyền chủ động quyết định các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị, thu hút đầu tư… để có đầy đủ công cụ pháp lý thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đáp ứng yêu cầu phát triển mà thành phố Thủ Đức đặt ra.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Nhiêm - Chủ tịch trường Đại học Luật TPHCM - lãnh đạo thành phố phải đề xuất Trung ương, Quốc hội cho phép tăng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố Thủ Đức hơn một quận, huyện thông thường. Trong quá trình triển khai, cần xây dựng bộ máy chính quyền thành phố Thủ Đức hiệu quả, tăng tính chủ động để phát huy các lợi thế, tiềm năng sẵn có. Mô hình tổ chức bộ máy của thành phố Thủ Đức sẽ phải tinh gọn, năng động, hiệu quả hơn thay vì bộ máy của 3 quận cũ trước đây thông qua việc tăng tính tự chủ của thành phố mới, phân quyền nhiều hơn trong từng lĩnh vực, giảm cơ chế “xin - cho”.
Để thành phố Thủ Đức phát triển xứng tầm kỳ vọng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Thành phố sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để chính quyền thành phố Thủ Đức đi vào hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao nhất. Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 1111 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thành lập sẽ nghiên cứu, xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức để trình Trung ương xem xét: “Trước mắt sẽ chủ động đẩy mạnh việc phân cấp, uỷ quyền cho UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức để tạo tính đột phá, phát huy cao nhất tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành thành phố Thủ Đức nhằm hướng đến mục tiêu quan trọng là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.
Theo dự kiến, bộ máy thành phố Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động từ ngày 7/2/2021. Với kỳ vọng là hạt nhân đột phá, trong khoảng 10 năm tới, thành phố Thủ Đức có thể tạo ra giá trị gia tăng bằng 1/3 của TP.HCM, khoảng 7% GDP của Việt Nam. Để đạt mục tiêu này, cần sự nỗ lực vượt khó, chủ động sáng tạo của lãnh đạo và nhân dân TP.HCM nói chung, thành phố Thủ Đức nói riêng. Hơn hết, cần cơ chế “cởi trói”, tạo điều kiện từ Trung ương để thành phố Thủ Đức trở thành thành phố đáng sống bậc nhất trong cả nước, văn minh, hiện đại, có chất lượng cuộc sống cao, mang tầm quốc tế./.