Thế hệ cựu sinh viên Việt vun đắp cây hữu nghị Azerbaijan-Việt Nam
VOV.VN - Lớp sinh viên thuở nào hiện đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và Azerbaijan - quốc gia nằm ở vị trí chiến lược của vùng Kavkaz.
Theo sáng kiến của đương kim Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev (đưa ra trong chuyến thăm của ông tới Việt Nam vào tháng 5/2014), một đoàn gần 40 cựu sinh viên Việt Nam từng học tập tại Baku (thủ đô Azerbaijan) trong các thập niên 1960-1980 đã tới quốc gia nam Kavkaz này vào đầu tháng 5/2015 để dự Diễn đàn Hữu nghị Azerbaijan-Việt Nam và các sự kiện liên quan.
Đoàn cựu sinh viên gồm nhiều người Việt Nam thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau, hiện đang giữ các trọng trách trong bộ máy nhà nước, công an, giáo dục, nghiên cứu, báo chí, hoặc doanh nghiệp. Tiêu biểu có Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Việt Nam (đồng thời là Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam-Azerbaijan), Tiến sĩ Ngô Đức Mạnh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Tiến sĩ Phan Ngọc Trung – Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, bà Trần Hồng Dung – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Công nghệ Thái Sơn thuộc Bộ Quốc phòng, Tiến sĩ Đào Xuân Tiến - Tổng biên tập Tạp chí Thông tin Đối ngoại,…
Ngoài ra trong đoàn còn có một nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, hai vị cựu Đại sứ tại Đông Âu, một cựu Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp, nguyên Chủ nhiệm Khoa Hành chính-Nhà nước thuộc Đại học Luật Hà Nội,... Có tới 2/3 thành viên trong đoàn cựu sinh viên giữ các học hàm hoặc học vị cao như Tiến sĩ, Giáo sư, Phó Giáo sư. Nhiều người là các chuyên gia đầu ngành trong các ngành vi sinh vật, địa chất, địa hóa môi trường, hóa học, dầu khí, luật học, vật lý…, trong đó có những người vẫn đang làm việc cho các cơ sở nghiên cứu lớn như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc các doanh nghiệp tư vấn.
Diễn đàn Hữu nghị
Sáng 7/5 Diễn đàn Hữu nghị Azerbaijan-Việt Nam khai mạc tại trường Đại học Quốc tế ADA ở Baku, với sự có mặt của các cựu lưu học sinh Việt Nam, Bộ trưởng Giáo dục Azerbaijan, Giám đốc và các Phó Giám đốc Đại học ADA, Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam, các sinh viên Việt Nam hiện đang theo học tại các trường đại học ở Baku…
Bộ trưởng Giáo dục Azerbaijan, ông Mikayil Jabbarov, đã đọc diễn văn khai mạc Diễn đàn, trong đó, ông nhấn mạnh đến mối quan hệ lịch sử giữa hai nước, chuyến thăm Azerbaijan của Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1959) và chuyến thăm Việt Nam của lãnh tụ Azerbaijan Heydar Aliyev (năm 1983). Vị Bộ trưởng Azerbaijan cũng đề cập đến thực tế hơn 2.000 công dân Việt Nam đã từng học tại Azerbaijan và nhiều người trong số họ được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học và giáo dục, điều mà theo ông đã chứng minh chất lượng đào tạo nhân lực cấp đại học tại Azerbaijan.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ngô Đức Mạnh cũng đã đăng đàn ngay trong sáng 7/5, điểm lại chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhấn mạnh đến tiềm năng hợp tác to lớn giữa 2 nước. Ông Ngô Đức Mạnh bày tỏ mong muốn hai bên sẽ hỗ trợ nhau hơn nữa tại các diễn đàn quốc tế, và phía Azerbaijan sẽ tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam. Ông cũng cho biết đoàn cựu sinh viên Việt Nam rất vui mừng được có cơ hội trở lại Azerbaijan sau chừng ấy năm.
>> Xem thêm: Ngoại giao kiểu Azerbaijan
Giám đốc Đại học ADA Hafiz Pashayev - một nhà ngoại giao kỳ cựu của Azerbaijan, phát biểu cảm tưởng về các cựu sinh viên Việt Nam từng học ở Azerbaijan thời Xô viết.
Trong buổi chiều 7/5 diễn ra Hội thảo theo hai chuyên đề: Một là về triển vọng quan hệ Azerbaijan-Việt Nam, hai là về vai trò của các cựu sinh viên Việt Nam và việc tăng cường quan hệ song phương trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Trong tham luận của mình, Tổng biên tập Đào Xuân Tiến (tạp chí Thông tin Đối ngoại) đã trình bày khái quát về triển vọng song phương. Viện trưởng Viện Dầu khí Phan Ngọc Trung thì nêu bật hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng. Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa thuyết trình về hợp tác thương mại, nông nghiệp và công nghệ cao dựa trên sản phẩm bản địa. Cựu Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Thái Phúc nói về hợp tác pháp luật-tư pháp. Các ông Thái Bá Cần và Thái Vĩnh Thắng thì trình bày về hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nói chung và đào tạo luật học nói riêng.
Vẫn trong khuôn khổ Diễn đàn, Giáo sư-Tiến sĩ khoa học người Azerbaijan Khalifazade Chingis đề cập đến việc hai nước Azerbaijan và Việt Nam tin cậy lẫn nhau và hợp tác hiệu quả với nhau dù cách xa về địa lý và khác biệt về tôn giáo.
Hướng tới tương lai và muốn đi sâu hơn nữa vào thực chất, Giáo sư Chingis mạnh dạn đề xuất thành lập một trung tâm hợp tác khoa học công nghệ và giáo dục Azerbaijan-Việt Nam, nhằm hiện thực hóa các mong ước của đôi bên. Theo ông, một trung tâm như thế, nếu được chấp nhận, sẽ phải có quy mô lớn, có thể bao gồm cả Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa và Lịch sử Azerbaijan hiện có ở Việt Nam.
Ngoài ra, TSKH Chingis còn xin bổ sung thêm một lĩnh vực hợp tác nữa, là khoa học và công nghệ tìm kiếm, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên khoáng sản – lĩnh vực Azerbaijan có thế mạnh mà Việt Nam lại có nhu cầu.
Từng giảng dạy các sinh viên Việt Nam ở Đại học tổng hợp Quốc gia Azerbaijan trong thập niên 1970, nhà giáo Azerbaijan này cũng bày tỏ niềm vui mừng được gặp lại các học trò của mình mà ông gọi là những người tài năng, sáng tạo và nhiệt huyết. Ông tin họ sẽ là nguồn lực quan trọng để hiện thực hóa các đề xuất nói trên.
Bên lề Diễn đàn, khi trao đổi với các phóng viên, Đại sứ Azerbaijan Imanov cho rằng mối quan hệ song phương là tích cực trong tất cả các lĩnh vực. Ông cho biết, ngoài lĩnh vực dầu khí, hai nước còn có tiềm năng hợp tác rất lớn trong mảng nông nghiệp và du lịch. Vị đại sứ hy vọng hai nước sẽ sớm mở đường bay thẳng và giá trị thương mại hai chiều sẽ tăng mạnh hơn nữa sau chuyến thăm Azerbaijan của Chủ tịch Trương Tấn Sang.
Bốn kênh tiếp xúc
Tại Diễn đàn Hữu nghị, Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện là trưởng ban liên lạc các cựu sinh viên Việt Nam từng học tại Azerbaijan) đã thuyết trình về vai trò của các cựu sinh viên Việt Nam học tại Baku và quá trình lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Azerbaijan.
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Nghiêm Vũ Khải cho biết, mối quan hệ hữu nghị giữa Azerbaijan và Việt Nam đã được đẩy mạnh trong vài năm trở lại đây, đồng đều trên cả 4 kênh là ngoại giao nhà nước, ngoại giao nghị viện, ngoại giao đảng (giữa 2 đảng cầm quyền là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Azerbaijan Mới), và ngoại giao nhân dân (trong đó các cựu lưu học sinh đóng vai trò rất quan trọng).
Theo ông Khải, trong mối quan hệ bang giao giữa 2 nước, ngành giáo dục đóng vai trò quan trọng. Ông Khải cũng đặc biệt ghi nhận vai trò năng động của Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam, ông Anar Imanov, người mới ở Việt Nam được gần 3 năm nhưng đã có nhiều sáng kiến để tạo xúc tác cho quan hệ song phương giữa 2 nước và đưa mối quan hệ này đi vào thực chất.
Trên phương diện Nhà nước, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã thăm chính thức Việt Nam vào tháng 5/2014, còn Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang theo kế hoạch thăm Azerbaijan trong 3 ngày từ 13-15/5/2015.
Trên phương diện nghị viện, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thành lập Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam-Azerbaijan vào năm 2014. Trong năm 2014-2015 đã có các đoàn đại biểu của quốc hội 2 nước sang thăm lẫn nhau. Quốc hội hai bên đã tăng cường hợp tác song phương và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực lập pháp, và phối hợp với nhau trên các diễn đàn. Đáng lưu ý phía Việt Nam có tới 9 cựu sinh viên Baku đã từng hoặc đang làm đại biểu Quốc hội.
Trên phương diện đối ngoại đảng, đồng chí Lê Hồng Anh- thường trực Ban bí thư Đảng ta đã thăm Azerbaijan vào tháng 10/2014 và hội kiến với Chủ tịch Đảng Azerbaijan Mới (đảng cầm quyền của nước này) cũng chính là đương kim Tổng thống Aliyev, và Phó Chủ tịch đảng này là ông Ali Akhmedov, người đồng thời giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ Azerbaijan.
Theo ông Vũ Khải, về ngoại giao nhân dân, đã có quyết định thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Azerbaijan và phía Việt Nam mong phía bạn sẽ sớm thành lập Hội Hữu nghị tương ứng, để hai bên cùng đẩy mạnh mặt trận ngoại giao rất phong phú và hấp dẫn này.
Thăm mộ lãnh tụ dân tộc Azerbaijan
Ngay trước khi diễn ra Diễn đàn Hữu nghị Azerbaijan-Việt Nam, đoàn cựu sinh viên Việt đã tới thăm và đặt hoa tại lăng mộ lãnh tụ dân tộc Azerbaijan Heydar Aliyev, người sáng lập ra nước Azerbaijan hiện đại. Ông Heydar Aliyev, vốn là Thiếu tướng, Chủ tịch chi nhánh cơ quan an ninh KGB tại Cộng hòa XHCN Xô viết Azerbaijan thuộc Liên Xô, rồi sau đó trở thành Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Azerbaijan, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, Phó Thủ tướng thứ nhất Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã và trải qua nhiều biến cố, Heydar Aliyev - với tư tưởng dân tộc và “chủ nghĩa Azerbaijan” - được bầu làm Tổng thống của một nước Azerbaijan mới và độc lập. Ông Heydar là cha của đương kim Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.
Giây phút xúc động
Trước đó, vào ngày 6/5, đoàn cựu sinh viên Việt đã tới thăm Học viện Dầu Quốc gia Azerbaijan và Đại học Quốc gia Baku, nơi họ từng học cách đây 3-4 thập kỷ.
Các cựu sinh viên Việt Nam đã rất xúc động trong suốt hành trình bay tới Azerbaijan cũng như thời gian ở thăm Azerbaijan. Nhiều người sau 40 năm mới gặp lại bạn cùng học, thầy cũ và mái trường xưa. Bao nhiêu ký ức thuở nào ùa về.
Không phụ công các thầy cô giáo Azerbaijan, các cựu học sinh Việt Nam đã có thành tích học tập tốt, đã lĩnh hội được nhiều tri thức và phương pháp khoa học có tính nền móng cho sự nghiệp sau này của họ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước nhà.
Tất nhiên sinh viên Việt Nam thời đó không chỉ hăng say học tập ngày đêm mà còn tích cực tham gia các hoạt động lao động và văn nghệ ngoại khóa rất sôi nổi.
Bà Tô Thị Nghĩa, cựu sinh viên khóa 1975-1980 (khi về nước, bà Nghĩa được phân về công tác tại Bộ Công an) tâm sự: Thời học ở Azerbaijan có lẽ là thời kỳ tươi đẹp nhất trong cuộc đời mình.
Và đúng như lời tâm sự của mình, bà đã đi sâu vào chuyên môn nghiên cứu, say mê cống hiến không mệt mỏi cho khoa học. Đến nay PGS Cẩm Hà đã đạt tới nhiều đỉnh cao trong lĩnh vực sinh học, với nhiều thành tựu có giá trị thực tiễn cao cùng các giải thưởng trong nước và quốc tế. Không những vậy bà còn nhiệt tình tham gia góp ý vào chiến lược phát triển ngành sinh học và trực tiếp tham gia đào tạo đội ngũ khoa học kế cận.
Trong cuộc gặp giữa ban quản lý Đại học Quốc gia Baku và các cựu sinh viên Việt Nam, Hiệu trưởng-Viện sĩ Abel Maharramov bày tỏ niềm vui mừng khi có nhiều sinh viên, giảng viên và quan chức Việt Nam được đào tạo dưới mái trường này.
Thế hệ tiếp nối
Sau biến cố Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, quan hệ giữa Việt Nam và Azerbaijan bị gián đoạn một thời gian dài. Hiện số sinh viên Việt Nam đang theo học tại Azerbaijan chỉ khoảng 33 người, rõ ràng rất khiêm tốn so với con số hàng trăm, hàng ngàn sinh viên trước đây.
Thế nhưng tiềm năng hợp tác nói chung và trong lĩnh vực giáo dục nói riêng giữa 2 nước là rất lớn, nhất là sau khi hai bên tăng cường trở lại mối quan hệ ngoại giao. Trong đợt giao lưu lần này của đoàn cựu sinh viên Việt Nam, hai phía đều bày tỏ nguyện vọng gia tăng số sinh viên Việt Nam sang Azerbaijan học tập.
Trao đổi với phóng viên bên lề Diễn đàn Hữu nghị, Bộ trưởng Giáo dục Azerbaijan bày tỏ tin tưởng hợp tác giáo dục giữa hai bên sẽ rộng mở, tăng cơ hội học tập cho sinh viên của cả 2 nước. Ông Jabbarov chia sẻ, Việt Nam đang phát triển rất năng động và là điểm sáng ở Đông Nam Á, mà khu vực này lại là mối quan tâm lớn của sinh viên Azerbaijan hiện nay.
Tại Học viện Dầu Azerbaijan hiện có khoảng ba chục sinh viên Việt Nam đang học các chuyên ngành dầu khí theo diện học bổng do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cấp. Còn ở trường ADA thì có 3 sinh viên Việt Nam, theo học bằng học bổng cử nhân và thạc sĩ do Bộ Ngoại giao Azerbaijan cấp.
Các nam sinh viên tại Học viện Dầu cho biết các giáo viên ở đây vẫn có ấn tượng tốt về sự siêng năng của các sinh viên Việt hồi thế kỷ 20 và họ đã rất quan tâm đến thế hệ sinh viên Việt hiện nay khi biết các em đến từ Việt Nam.
Trong khi đó, Tống Khánh Linh (chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học ADA) thì thực sự đã trở thành một “đại sứ” không chính thức của Việt Nam tại đây. Bỏ qua cơ hội du học Mỹ, em lựa chọn học tại ADA. Em đã gây ấn tượng tích cực với phía bạn nhờ vào thành tích học tập nổi trội tại trường cũng như nhiều hoạt động phong trào sôi nổi tại trường, giúp người Azerbaijan hiểu hơn về Việt Nam và mang Việt Nam đến gần hơn với họ.
Có lẽ không thể không nhắc tới hai trường hợp Trần Trường Linh và Phan Cẩm Tú đang học dưới mái trường ADA. Cả hai em đều có người thân (cha hoặc bác) từng học ở Azerbaijan trước đây. Chính thế hệ trước đã góp phần định hướng và truyền cảm hứng cho các em tiếp bước con đường học tập tại Azerbajan, làm cầu nối hữu nghị giữa hai quốc gia trong thời kỳ mới./.
Xem thêm:
>> Azerbaijan và Việt Nam có nhiều nét tương đồng văn hóa
>> Đại học danh tiếng của Azerbaijan mời gọi thanh niên Việt Nam sang học