Thêm một bộ SGK có giải quyết được vấn đề giá?
VOV.VN - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, phải nhìn nhận theo cách thức khác để thắt chặt chất lượng SGK, kiểm định chất lượng, cơ chế giá, chi phí, chứ không chỉ là vai trò ai biên soạn.
Thêm một bộ SGK có giải quyết được vấn đề giá?
Chiều 1/11, phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nêu rõ chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa (SGK) là nhằm tranh thủ khai thác chất xám, kinh nghiệm của các chuyên gia, học giả, các nhà khoa học giáo dục, các nhà giáo để soạn thảo các SGK phục vụ cho cải cách giáo dục. Đồng thời, huy động tiềm lực kinh tế của xã hội.
Đánh giá tình trạng xảy ra với vấn đề SGK thời gian qua, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, phải nhìn nhận theo cách thức khác để thắt chặt chất lượng, kiểm định chất lượng, cơ chế giá, chi phí, chứ không chỉ là vai trò ai biên soạn.
Theo đại biểu: “Thực hiện xã hội hóa thì ban đầu bao giờ cũng có những trục trặc nhất định, trục trặc gì thì sửa cái đó. Còn đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm một bộ SGK thì liệu có giải quyết được những vấn đề đang đặt ra hay không? Như vấn đề về giá”.
Đại biểu đoàn TP.HCM cũng cho rằng, nếu có vấn đề về giá thì khắc phục vấn đề này có thể trợ cấp hay huy động để cho mượn SGK, ủng hộ các đối tượng chính sách vùng sâu, vùng xa.
“Không phải chúng ta thay thế bằng cách “đẻ” ra một bộ SGK của Nhà nước là giải quyết được vấn đề, nếu không giải quyết được vấn đề thì sao?”, ông Nghĩa băn khoăn.
Tranh luận lại vấn đề này, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh chủ trương biên soạn SGK cần bám sát Nghị quyết 88 của Quốc hội: “Nghị quyết 88 của Quốc hội đã quy định rõ việc biên soạn một bộ SGK là trách nhiệm của Nhà nước. Nếu ngay từ đầu thực hiện đầy đủ, đúng quy định của Nghị quyết 88 thì bây giờ tình hình đã khác, bởi quy định của Nghị quyết 88 bảo đảm cho việc ban hành, in ấn, phát hành và đảm bảo rẻ nhất đến tay học sinh”.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Công Long cũng lập luận, các ý kiến của các đại biểu đề cập con số chi phí lớn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ SGK mới, nhưng lại quên đi chi phí lớn mà người dân phải chi trả cho SGK. Do đó, đại biểu đề nghị thực hiện nghiêm Nghị quyết 88 của Quốc hội.
“Trong các báo cáo sử dụng cụm từ “sức chống chịu của nền kinh tế”, mà chính là dựa vào sức dân. Nếu không có những chính sách trong những vấn đề cụ thể như vấn đề này thì sức chống chiụ của người dân sẽ được đến bao giờ?”, đại biểu Nguyễn Công Long đặt vấn đề.
Nhà nước chịu trách nhiệm biên soạn SGK
Tiếp tục tranh luận về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ SGK, đại biểu Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An) cho rằng, lộ trình giáo dục trong 2018 đến năm sau 2024 - 2025 sẽ kết thúc, vì vậy mong muốn Bộ nghiêm túc đánh giá, rà soát lại các bộ SGK.
Về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ SGK, đại biểu cho rằng, với các môn khoa học tự nhiên thì không cần thiết biên soạn một bộ sách của Bộ, vì đây là tri thức chân lý của nhân loại. Riêng với các bộ môn khoa học xã hội hay sách tiếng dân tộc thì cần biên soạn, định hướng tư tưởng giá trị đạo đức cách mạng, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng của dân tộc.
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) nêu rõ, qua tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri băn khoăn về vấn đề chương trình SGK hiện nay. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình về việc ban hành nhiều bộ SGK và cũng nhiều đại biểu đồng tình với việc ban hành một bộ sách.
Đại biểu Trần Văn Tiến bày tỏ đồng tình với việc ban hành một bộ SGK do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn như đề xuất của Đoàn giám sát.
“Nhà nước chịu trách nhiệm biên soạn SGK, Nghị quyết 88 cho phép xã hội hóa để các tổ chức được tham gia biên soạn. Trước nhiều ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên biên soạn, thì cần đặt vấn đề như vậy có đúng quan điểm Nhà nước chăm lo cho lĩnh vực giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu không? Có đúng nguyên tắc nhà nước giữa vai trò chủ đạo trong xã hội hoá giáo dục không?”, đại biểu đoàn Vĩnh Phúc nều quan điểm và ủng hộ đề nghị cần ban hành một bộ SGK.