Thi đua yêu nước: Hà Nội không thiếu những tấm gương lan tỏa
VOV.VN - Từ năm 2015, thành phố Hà Nội đã phát động Cuộc thi phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt.
71 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phong trào thi đua yêu nước đã ăn sâu, lan rộng trên khắp các lĩnh vực đời sống xã hội. Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người cũng đã trở thành quan điểm, mục đích sống của nhiều người.
Tổng Biên tập Tạp chí Thi đua Khen thưởng và Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội trao danh hiệu Người tốt việc tốt cho bà Phan Thị Bính tại buổi giao lưu. |
Tại cuộc Giao lưu-Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nhớ lời Bác dặn” do Tạp chí Thi đua Khen thưởng phối hợp với Ban Thi đua-Khen thưởng thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, những câu chuyện, những việc làm của các tấm gương điển hình về học tập làm theo lời Bác khiến chúng tôi không khỏi xúc động, khâm phục.
Đó là bà Phan Thị Bính (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) năm nay gần 70 tuổi, đã cùng với những người bạn hưu góp tiền mua 1 chiếc xe cấp cứu để vận chuyển bệnh nhân miễn phí từ Hà Nội về các tỉnh. Chiếc xe bắt đầu lăn bánh từ tháng 12/2018, trong hơn 6 tháng qua, đã giúp bà và những người bạn hỗ trợ đưa trên 200 bệnh nhân nặng trở về nhà.
Bà Bính chia sẻ câu chuyện của mình tại cuộc giao lưu |
Chia sẻ về lý do khiến bà mong muốn có một chiếc xe cấp cứu để vận chuyển miễn phí các bệnh nhân nghèo mắc bệnh nặng, đó là năm 2016, qua thông tin trên báo chí về việc cháu bé 9 tháng tuổi ở Quỳ Hợp, Nghệ An đã chết trên xe cứu thương thay vì được trở về nhà với người thân trong những ngày cuối cùng do việc làm vô đạo đức của một số bảo vệ của Bệnh viện Nhi Trương ương; tiếp đó là hình ảnh anh Lò Văn Muôn (quê Sơn La) phải chở thi thể em gái bó chiếu trên chiếc xe máy về nhà để lo hậu sự vì gia đình quá nghèo không có tiền thuê xe. Hai hình ảnh đó đã làm người phụ nữ già không khỏi xót xa và đặt quyết tâm cho mình phải làm một việc gì đó.
Bà tâm sự, nếu nói rằng không mệt là không đúng. Vì tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu, nhưng kỳ lạ cứ được luôn chân, luôn tay với những công việc thiện nguyện là bà như quên hết những mỏi mệt. Ngoài việc nghe điện thoại để nhận và sàng lọc thông tin các trường hợp bệnh nhân nghèo cần vận chuyển, từ tháng 3/2019, bà còn cùng những người bạn còn phát cơm, chào từ thiện cho các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Bước đầu, việc hỗ trợ cơm cháo đang được triển khai ở Bệnh viện Phóng xạ ung bướu quân đội, với 3 buổi cháo, 4 buổi cơm mỗi tuần.
Bà Phan Thị Bính (thứ hai bên phải) và một số người bạn trong nhóm thiện nguyện đón bệnh nhân ở Bệnh viện y học cổ truyền quân đội |
Trong câu chuyện của bà, chúng tôi nhận thấy rất nhiều tâm nguyện mà bà và những người bạn mong muốn làm được cho đến lúc sức khỏe không cho phép. Đó là mơ ước mở được một nhà thuốc khám và chữa trị miễn phí bằng thuốc đông y; một quán cơm cháo tùy hỉ cho người lao động thu nhập thấp, cho các cháu sinh viên nghèo… “Hiện tại, chúng tôi đang triển khai chương trình mổ mắt từ thiện đem lại ánh sáng cho những người nghèo. Kinh phí và đội ngũ bác sĩ mổ cũng như máy móc đã xong. Rất mong lãnh đạo thành phố tạo điều kiện giúp đỡ chúng tôi nhanh chóng hoàn tất hành lang pháp lý và địa điểm cho 300 ca mổ được thành công tốt đẹp”, bà Bính chia sẻ và quả quyết “dù khó khăn, gian truân thế nào, bằng mọi giá tôi cũng phải thực hiện bằng được công việc này. Ngoài ra, tôi mong muốn cuối đời được hiến thân xác mình cho khoa học”.
Học tập Bác, mỗi người có một suy nghĩ riêng, một cách làm riêng để góp phần xây dựng một cuộc sống tốt đẹp. Tấm gương sáng, đạo đức, nhân cách, lối sống của Người đã lan tỏa, thấm vào họ một cách tự nhiên, bình dị. Đó là câu chuyện của anh Chu Văn Lương, phóng viên Báo Lao động Xã hội, người đã 2 lần dũng cảm bắt cướp. Anh đã lao xe vào tội phạm không để chúng chạy trốn, sau đó cùng người dân giữ tên cướp giao cơ quan chức năng. Anh Lương là một trong số rất nhiều người tốt, việc tốt được TP Hà Nội phát hiện và tổ chức trao thưởng kịp thời ngay khi có hành động dũng cảm và nghĩa cử đẹp.
Anh Chu Văn Lương |
Đã có thâm niên 10 năm trong nghề báo, lại chuyên viết về mảng phóng sự, điều tra nhưng anh Lương lại cho rằng hành động của mình chỉ là bản năng bởi bất kỳ ai khi thấy việc bất bình thì phải can thiệp, đấu tranh. Còn đối với nhà báo, đó vừa là trách nhiệm xã hội, vừa là trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp không cho phép vô cảm trước cái xấu.
Trong khi nhiều gia đình, rồi nhà trường giáo dục con cái thấy người gặp nạn phải cứu giúp, nhưng anh Lương vẫn buồn khi trong xã hội hiện nay, cũng không ít phụ huynh khuyên con em mình tránh xa những vụ việc bất bình. “Nếu chúng ta là những người được ăn học, giáo dục đàng hoàng lại đi sợ những kẻ trộm cướp, không được ăn học, không được giáo dục thì xã hội này sẽ ra sao?”, anh Lương nêu quan điểm.
Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Từ năm 2015, thành phố đã phát động Cuộc thi phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt. Để cuộc thi được triển khai có hiệu quả, chất lượng cao, Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội có sáng kiến thành lập Tổ công tác phát hiện, đề xuất khen thưởng thành tích đột xuất, gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt.
Nhiều gương cá nhân có thành tích được các thành viên trong Tổ trực tiếp phát hiện và đề xuất khen thưởng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa những hành động đẹp, việc làm tốt, ứng xử nhân văn trong đời sống xã hội, có tác dụng định hướng dư luận và là yếu tố quan trọng đẩy lùi cái xấu, tiêu cực ra khỏi xã hội./.