Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức: AIPA không hợp tác sẽ tụt hậu về an ninh mạng
VOV.VN - Việt Nam nêu đề xuất quan trọng về cơ chế hợp tác an toàn an ninh mạng tại AIPA 42 và được các nghị viện thành viên đồng thuận, ghi nhận trong nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho khu vực.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 42 (AIPA 42) nhấn mạnh điều này, sau khi các nghị viện thành viên thông qua các nghị quyết và ban hành Thông cáo chung vào chiều 25/8.
Ghi nhận đề xuất quan trọng của Việt Nam
Phó Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN Nguyễn Minh Đức cho biết, việc ban hành Nghị quyết về tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN với sự nhất trí của Liên Nghị viện các nước trong khối ASEAN sẽ góp phần to lớn trong việc thống nhất về mặt nhận thức giữa các thành viên về vấn đề an ninh mạng, cũng như chuyển đổi số, để tất cả các quốc gia phải nỗ lực, cố gắng hoàn thiện hành lang pháp lý của chính mình đối với vấn đề an ninh mạng.
Trên cơ sở sự thống nhất, tương thích giữa luật pháp quốc gia, cộng đồng với luật pháp chung của AIPA về vấn đề an ninh mạng và chuyển đổi số sẽ giúp cho việc kết nối nhanh, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong vấn đề phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc gia của mỗi quốc gia, cũng như bảo vệ an ninh của cả khu vực.
Nghị quyết cũng sẽ giúp bảo vệ được các quyền của con người trên không gian mạng, chia sẻ để tương tác và hướng dẫn, giúp đỡ công dân các nước thành viên AIPA nhận thức được và sử dụng đúng pháp luật của quốc gia mình, cũng như pháp luật của cộng đồng AIPA đối với vấn đề công nghệ số, an ninh mạng.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành đối với các quốc gia nói riêng và cả khu vực nói chung thì việc chuyển đổi số và kết nối thông tin thông qua nền tảng an ninh mạng sẽ giúp tất cả các quốc gia chia sẻ rất nhanh chóng những kinh nghiệm trong vấn đề phòng, chống đại dịch, cập nhật các thông tin mới nhất về các biến chủng mới, gửi những thông tin phát sinh trong vấn đề phòng, chống dịch cũng như hợp tác trong vấn đề ngoại giao vaccine để giúp các nước có thể hỗ trợ nhau nhiều hơn nữa.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN cũng cho biết, trong Nghị quyết, Đoàn Việt Nam đã đề xuất nhiều nội dung, trong đó có hai sáng kiến: Thành lập cơ chế hợp tác khu vực qua kênh nghị viện, chia sẻ kinh nghiệm trong hoàn thiện chính sách, giám sát triển khai an toàn an ninh mạng và các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ chống lại đại dịch. Tiếp tục duy trì hợp tác quốc tế, với tinh thần thống nhất nhận thức chung vì hành động của Cộng đồng ASEAN đối với an ninh mạng, hướng tới một khuôn khổ hợp tác khu vực để tạo thuận lợi cho phối hợp đảm bảo an ninh mạng.
Không hợp tác sẽ tụt hậu, tạo lỗ hổng
“Trong số các nước Đông Nam Á thì Việt Nam đứng thứ tư về các trụ cột kỹ thuật an ninh mạng. Các đề xuất quan trọng với lý giải hợp lý đã được tất cả các nước trong AIPA đồng ý ngay” – ông Nguyễn Minh Đức nói và cho rằng có đầy đủ cơ sở để các thành viên thống nhất thông qua nghị quyết.
Thứ nhất là hầu hết các nước AIPA đều đã ban hành các văn bản về vấn đề an ninh mạng đối với mỗi quốc gia, trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc tế và vấn đề tôn trọng quyền con người, cũng như quyền riêng tư của mỗi quốc gia.
Cơ sở thứ hai là do nhu cầu. Không gian mạng hiện nay trở thành một trong những vấn đề vô cùng quan trọng đối với an ninh toàn cầu, cũng như an ninh của mỗi quốc gia. Chính vì thế, nếu như không có sự hợp tác trong chính AIPA thì sẽ bị tụt hậu, thậm chí sẽ tạo thành những "lỗ hổng" để các thế lực thù địch có thể tấn công vào các quốc gia cả về chính trị, kinh tế và các quan hệ dân sự trong cộng đồng AIPA.
Việt Nam cũng đã ban hành Luật An ninh mạng năm 2018 với các quy định quan trọng, tạo ra một hành lang pháp lý để mọi công dân khi sử dụng các nền tảng kỹ thuật số cũng như không gian mạng ở Việt Nam đều phải tuân thủ luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó còn có Luật An toàn thông tin mạng ban hành năm 2015.
Đồng thời, Việt Nam đã ban hành một Chiến lược về an ninh mạng, quy định tổng thể những vấn đề mang tính phục vụ cho sự bảo vệ an ninh quốc gia cũng như phát triển kinh tế. Đặc biệt, chương trình chuyển đổi số với tầm nhìn chiến lược 2025 - 2030 và xa hơn nữa và hiện Việt Nam đang cố gắng hoàn thiện Chính phủ điện tử.
“Khi có Chính phủ điện tử thì sẽ có Nghị viện điện tử, Quốc hội điện tử và tất cả các cơ quan đang đồng bộ thực hiện. Các quốc gia ASEAN cũng như AIPA cũng đang thực hiện như vậy thì rõ ràng phải đặt ra vấn đề kết nối với tất cả các nước trong cộng đồng. Chính vì vậy, tất cả các nước AIPA đã nhất trí và đồng thuận với nhau về vấn đề kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025” – ông Nguyễn Minh Đức phân tích.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN cũng khẳng định nghị quyết là một hành lang pháp lý rất quan trọng để nghị viện các nước thực thi mục tiêu này. Các nước cần tự soi chiếu toàn bộ hệ thống pháp luật của mình để rà soát nhằm thực thi một cách thống nhất song vẫn tôn trọng độc lập, tôn trọng pháp luật và không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Bên cạnh đó cần thiết phải có sự hỗ trợ của các nước có nền tảng công nghệ tốt hơn cho các nước khác để làm sao hoàn thiện toàn bộ hệ thống cơ sở kỹ thuật về mặt hạ tầng./.