Thu hồi đất phải đảm bảo sinh kế cho người dân, tránh “nghèo lại hoàn nghèo"
VOV.VN - Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ cho rằng, khi bà con bị thu hồi đất cần phải tư vấn kế sinh nhai cho họ để tránh tình trạng “nghèo vẫn hoàn nghèo”.
Ngày 14/3, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tạo sinh kế phù hợp với khả năng của người bị thu hồi đất
Cho ý kiến về vấn đề tái định cư khi thu hồi đất, một số đại biểu cho rằng, cần phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng đầy đủ và tốt như điện, đường, trường trạm, dịch vụ y tế... Đặc biệt phải tính toán đến việc tạo sinh tế, phù hợp với khả năng của người bị thu hồi đất.
Theo ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, người dân đến khu tái định cư sau khi bị thu hồi đất thì chính quyền địa phương phải phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư ở đó có phương án tạo việc làm, tổ chức cho những người còn đủ tuổi lao động được học nghề mới, việc này cần thiết đặt dưới sự giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn.
Còn ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần kết hợp nhiều hình thức khác như hỗ trợ chuyển đổi nghề, ưu tiên đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp nhằm bảo đảm sinh kế lâu dài, ổn định cho hộ gia đình, cá nhân người dân bị thu hồi đất.
Nhấn mạnh người dân tại vùng nông thôn làm nông nghiệp hiện nay gắn với đồng ruộng, ông Trần Phù Tiêu, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ cho rằng, khi bà con bị thu hồi đất cần phải tư vấn kế sinh nhai cho họ để tránh tình trạng “nghèo vẫn hoàn nghèo”; chính quyền kết hợp với doanh nghiệp tư vấn thay đổi nếp nghĩ của bà con để từ nguồn thu nhập từ đất, bà con cân bằng mức tiền để tạo kế sinh nhai sau này.
Cùng với đó, hạn mức cấp tái định cư không nên có sự “cào bằng” giữa nông thôn và thành thị, cụ thể giao đất cho nông dân nơi ở mới cần có đủ diện tích để làm nhà ở, diện tích đất chăn nuôi, trồng trọt, giúp người dân nhanh thích nghi với nơi ở mới.
Rời khỏi công vụ, cán bộ phải trả lại nhà
Góp ý về vấn đề sử dụng nhà ở công vụ, ông Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội cho rằng, nhà ở công vụ được dùng để cho các đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác.
Đây là chính sách đúng đắn để đảm bảo điều kiện về ở cho cán bộ hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, do thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ dẫn đến nhiều bất hợp lý.
“Bất hợp lý ngay trong cán bộ chứ không nói cán bộ với dân thường. Cán bộ có đến 2-3 nhà. Ở địa phương đã có, về Trung ương lại làm đơn xin cấp nhà. Cấp nhà không được lại bán nhà, nếu ở bên ngoài bán giá 3-5 tỷ đồng, nhưng bán cho cán bộ 300-500 triệu đồng, dẫn đến bất hợp lý, bất công, không công bằng trong cán bộ và giữa cán bộ với người dân”, ông Nguyễn Viết Chức cho biết.
Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa – Xã hội đề nghị giao cho một bộ thống nhất quản lý nhà công vụ và khi hết nhiệm vụ hoặc chuyển công tác khác thì cán bộ phải trả lại nhà công vụ, tránh để hiểu sai là “đặc quyền, đặc lợi”.
“Khi hết thời gian thực hiện nhiệm vụ, rời khỏi công vụ rồi thì cán bộ phải trả lại nhà cho Nhà nước. Điều đó phải rõ ràng và cần thiết quy định trong luật. Vấn đề đó phải có cách tiếp cận và hiểu cho đúng là nhà công cụ chỉ để phục vụ cho những người thực thi công vụ, khi rời khỏi công vụ thì phải trả lại”, ông Trần Anh Tuấn nêu ý kiến.
Cùng góp ý vào nội dung này, ông Trần Phù Tiêu, nguyên Chủ tịch MTTQ tỉnh Phú Thọ cho rằng, cần có khái niệm hết sức cụ thể về nhà công vụ. Ông lấy ví dụ, nếu thầy giáo đi thuê những căn nhà lụp xụp thì sẽ rất khó khăn trong việc nghiên cứu, dạy học; hoặc với công nhân, họ phải được đảm bảo về mặt vật chất, tinh thần, nhà ở thì họ mới yên tâm sản xuất được.
“Cho nên khái niệm về nhà công vụ theo tôi phải phục vụ cho tất cả mọi người là công chức, viên chức. Trên cơ sở đó, khi quy hoạch đô thị và các khu dân cư thì phải có quy hoạch dành cho nội dung này”, ông Trần Phù Tiêu nêu ý kiến./.