Thu hồi tài sản tham nhũng bằng cách nào?
VOV.VN - Bộ luật hình sự quy định mức tiền tham nhũng từ 2 triệu đồng trở lên là phạm tội xử lý bằng hình sự dưới 2 triệu đồng thì xử lý hành chính.
Sáng 13/3, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Viện KSND tối cao, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hội thảo với chủ đề "Thu hồi tài sản tham nhũng - thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế".
Tại hội thảo, các chuyên gia phản biện cho rằng: Chuyên đề nghiên cứu của Ban Nội chính Trung ương có ý nghĩa thiết thực, là vấn đề được xã hội quan tâm, nội dung tập trung nghiên cứu được lựa chọn cẩn trọng, thoả đáng và sát hợp với yêu cầu đặt ra.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ nhận định: “Về kết quả và đóng góp của nghiên cứu, chúng tôi khẳng định, đây là đề tài nghiên cứu đầu tiên đề cập khá toàn diện sâu sắc về tài sản tham nhũng thu hồi tài sản tham nhũng xét về cả lý luận và thực tiễn cả trong nước và các quy định trong khuôn khổ quốc tế. Quá trình nghiên cứu cũng cho tính công phu nghiêm túc khi tìm cách phác hoạ một bức tranh chung về thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam thông qua việc khảo sát cảm nhận của một số nhóm cán bộ công chức, những người làm việc trong cơ quan công tác Đảng và thực thi pháp luật".
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến ý nghĩa to lớn và sự cần thiết của việc thu hồi tài sản tham nhũng ở các phương diện: Làm giảm động cơ thu lợi bất chính từ hành vi tham nhũng, giúp các cơ quan chức năng truy tìm phong toả kê biên tài sản cất giấu, phương tiện của người có hành vi tham nhũng, tạo điều kiện để phát hiện ra các mạng lưới tội phạm phức tạp, thu nhập thêm bằng chứng về hoạt động phạm tội; phòng ngừa tội phạm tiếp diễn nhằm thu được lợi ích bị chiếm đoạt để Nhà nước tái đầu tư vào phát triển kinh tế xã hội.
TS Phạm Quý Tỵ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị: “Các tội phạm tham nhũng quy định trong Bộ luật hình sự quy định mức tiền tham nhũng từ 2 triệu đồng trở lên là phạm tội xử lý bằng hình sự dưới 2 triệu đồng thì xử lý hành chính. Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì không phù hợp với việc mở rộng biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng bằng biện pháp hành chính. Trường hợp thông qua việc nghiên cứu này để đề xuất sửa đổi liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng phải bằng biện pháp cụ thể hơn khoản tiền nào thu hành chính, trình tự thủ tục và cơ quan nào có thẩm quyền thu phát hành chính”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia phản biện cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp khách quan, xác đáng đối với kết quả nghiên cứu, đồng thời gợi mở một số nội dung để Nhóm nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa cho phù hợp hơn so với yêu cầu và thực tiễn tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, Ban Nội chính Trung ương sẽ tham mưu với cơ quan Đảng và Nhà nước những quan điểm, chủ trương và giải pháp lớn về thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian tới.
Ông Kenneth Norman, chuyên gia về phòng chống tham nhũng của Australia khuyến nghị: “Từ kinh nghiệm quốc tế chúng tôi cho rằng trong vấn đề thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng việc chúng ta định nghĩa tốt và phân định phạm vi của ba vấn đề thu hồi tài sản tịch thu tài sản và công khai thông tin là phải rõ ràng bởi vì 3 khái niệm này có sự phụ thuộc lẫn nhau sẽ xác định quá trình chúng ta thực hiện đúng quy định pháp luật từ các vụ án tham nhũng. Nếu làm tốt thì các hoạt động tiếp theo của chúng ta sẽ thuận tiện và rõ ràng”./.