Thu hồi tài sản tham nhũng: Đã có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu

VOV.VN - Mặc dù công tác thu hồi tài sản năm nay tăng cao so với các năm trước, nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.

Vì sao thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt yêu cầu?

Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trong năm 2022 tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, các cơ quan tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 160.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 16.000 tỷ đồng, tăng hơn 290% về tiền so với năm 2021.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, công tác thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với các năm trước, nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.

Theo ông Phan Huy Hiếu, Chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong thu hồi tài sản có nhiều, trong đó có nguyên nhân khách quan là tội phạm thường rất tinh vi, có nhiều thủ đoạn gian manh và đã có sự chuẩn bị trước cho các hậu quả xảy ra. Như trước khi phạm tội, những người này đã tẩu tán tài sản cho người khác đứng tên.

Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp còn có nguyên nhân do một số bất cập là chưa có Luật đăng ký tài sản và người thân của người có chức vụ không thuộc diện phải kê khai tài sản nên khó để thu hồi, khó chứng minh.

Một khó khăn khác, theo ông Phan Huy Hiếu, trước đây, một số bản án khi tuyên về phần tài sản, chỉ dựa theo lời khai của đương sự. Trong khi đó, cơ quan điều tra tập trung vào việc chứng minh tội phạm, nên chưa quan tâm đến công tác xử lý tài sản của người phạm tội. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đã có sự phối hợp trong triển khai thực hiện nên việc thi hành án theo bản án cũng đã tốt hơn.

Nguyên nhân khiến công tác thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đạt yêu cầu cũng được Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo trước Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 4 mới đây. 

Theo ông, một số quy định của pháp luật về thu hồi tài sản còn bất cập, vướng mắc, như thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý sau thanh tra; cơ chế chính sách về đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán chưa đồng bộ và còn lỏng lẻo, gây khó khăn cho việc xử lý, thu hồi khi thi hành án và xử lý sau thanh tra.

Bên cạnh đó, người phải thi hành án hay đối tượng thanh tra không có tài sản hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp hơn nhiều so với khoản phải thi hành. Có trường hợp chây ì, trốn tránh trách nhiệm.

Nguyên nhân tiếp theo được Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ ra là do thời gian giải quyết vụ án, vụ việc kéo dài, cách xa thời điểm có hành vi vi phạm nên dễ bị tẩu tán, che giấu, thất thoát; tính pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, đối tượng bỏ trốn gây khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu tài sản hoặc xử lý chung; việc phối hợp giữa các cơ quan thu hồi tài sản còn hạn chế.

Tịch thu tài sản tham nhũng có thể không cần qua thủ tục kết tội

Nguyên tắc của vụ án kinh tế, tham nhũng là tài sản đã bị chiếm đoạt, thất thoát thì bằng mọi cách phải thu hồi lại. Tuy nhiên, một trong những thách thức hiện nay trong công tác tịch thu tài sản tham nhũng nằm ở việc xác minh, thu thập chứng cứ và chứng minh mối liên hệ giữa tài sản và hành vi phạm tội.

Trong khi đó, cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay chủ yếu được thực hiện dựa trên các bản án kết tội của Tòa án, do đó, sẽ khó tránh khỏi việc thất thoát tiền, tài sản do người phạm tội đã nhanh chóng che giấu, tẩu tán khiến cho công tác thu hồi gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, một cơ chế mới đang được cơ quan chức năng nghiên cứu nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong tịch thu tài sản, đặc biệt là tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, rửa tiền đó là: Cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội.

Cơ chế này đang được một số quốc gia áp dụng và bước đầu cũng mang lại hiệu quả. Đây là một quy trình đặc biệt của cơ quan nhà nước, không xét xử bị cáo hay hành vi phạm tội mà tập trung vào xử lý tài sản được cho là có nguồn gốc hoặc có liên quan đến tội phạm, với mục đích thu hồi về cho ngân sách nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của tài sản.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, Bộ Tư pháp đã được giao nghiên cứu đề xuất xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội và đã trình Chính phủ để xem xét thông qua.

“Đề án này được thông qua sẽ là cơ sở để tiến tới xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật” – ông Nguyễn Thái Học cho biết.

Dẫn lại một số vụ án lớn vừa qua đã được phong tỏa, kê biên, ngăn chặn kịp thời tài sản các đối tượng tham nhũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định, muốn thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thì vấn đề kê biên, phong tỏa tài sản phải được làm kịp thời, quyết liệt.

“Kê biên, phong tỏa kịp thời và có những biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán thì tài sản tham nhũng sẽ được thu hồi nhiều hơn. Vấn đề là phải đồng bộ, chứ không phải khi đã có bản án thì mới tiến hành các biện pháp kê biên, phong tỏa” – ông Nguyễn Thái Học cho biết.

Đề cập giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, luật sư Nguyễn Hồng Bách (Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự) cho rằng, giải pháp căn cơ là phải lấp đầy những khoảng trống pháp lý để ngăn chặn hành vi tham nhũng. Cùng với đó, phải tăng cường sự phối hợp, giám sát giữa các cơ quan nhà nước, đảm bảo sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan dân cử. Đặc biệt là hoàn thiện quy định về việc thực hiện các giao dịch dân sự không dùng tiền mặt mà thông qua tài khoản, giao dịch tại các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam.

“Để công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế đạt chất lượng, hiệu quả thì không thể không nhắc tới vai trò của những người thực thi pháp luật trong các vụ án hình sự. Do đó, yêu cầu đặt ra cấp thiết là kịp thời có cơ chế, kịp thời nâng cao trình độ, chuyên môn, đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và đặc biệt là trách nhiệm của từng cá nhân có thẩm quyền trong công tác giải quyết các vụ việc hình sự liên quan đến tham nhũng, kinh tế” – luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực thế nào để chặn tham nhũng, tiêu cực ?
Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực thế nào để chặn tham nhũng, tiêu cực ?

VOV.VN - Nghị quyết 27 yêu cầu nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực để ngăn chặn hiệu quả tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực Nhà nước.

Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực thế nào để chặn tham nhũng, tiêu cực ?

Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực thế nào để chặn tham nhũng, tiêu cực ?

VOV.VN - Nghị quyết 27 yêu cầu nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực để ngăn chặn hiệu quả tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực Nhà nước.

Thành lập BCĐ xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng
Thành lập BCĐ xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 9/12/2022 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 (Ban Chỉ đạo).

Thành lập BCĐ xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng

Thành lập BCĐ xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 9/12/2022 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 (Ban Chỉ đạo).

Tiếp tục hoàn thiện thể chế để phòng chống tham nhũng từ sớm, từ xa
Tiếp tục hoàn thiện thể chế để phòng chống tham nhũng từ sớm, từ xa

VOV.VN - Năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi với nhiều vụ việc nghiêm trọng đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh mẽ, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, phòng ngừa từ sớm, từ xa.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế để phòng chống tham nhũng từ sớm, từ xa

Tiếp tục hoàn thiện thể chế để phòng chống tham nhũng từ sớm, từ xa

VOV.VN - Năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi với nhiều vụ việc nghiêm trọng đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh mẽ, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, phòng ngừa từ sớm, từ xa.