Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham vấn chính trị tại Slovakia

VOV.VN -Từ ngày 10-11/7/2014, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thăm và tiến hành tham vấn chính trị với Bộ Ngoại giao Slovakia. 


Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn gặp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Slovakia Peter Burian

Trong chuyến thăm, Thứ trưởng đã có cuộc làm việc với Quốc vụ khanh Ngoại giao Peter Burian, gặp Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ Slovakia hữu nghị với Việt Nam Josef Viskupic, Chủ tịch Ủy ban Công tác châu Âu Quốc hội Lubos Blaha và Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế Rastilav Chovanec.

Trong tham vấn chính trị và các cuộc gặp gỡ, bạn đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam; khẳng định coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam; nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp; đẩy mạnh hợp tác tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, ASEM, ASEAN – Liên minh châu Âu; thông báo đã phê chuẩn Hiệp định Hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu; nhất trí phối hợp tổ chức các sự kiện kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2015.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư (năm 2013, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 407 triệu USD, tăng 35% so với năm 2012), nhất là trong các lĩnh vực Slovakia có tiềm năng và Việt Nam có nhu cầu như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, môi trường, công nghệ thông tin (như mô hình tập đoàn FPT của Việt Nam đầu tư mua lại một doanh nghiệp công nghệ thông tin của Đức tại Slovakia và hiện đang tạo việc làm cho khoảng 300 kỹ sư), thông qua việc triển khai hiệu quả hoạt động của ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam - Slovakia, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tăng cường tìm hiểu thị trường và cơ hội hợp tác; thống nhất mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, du lịch, hợp tác giữa các địa phương hai nước, công nghiệp quốc phòng.

Về vấn đề Biển Đông, phía Slovakia bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng gần đây khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; khẳng định ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là  công ước luật biển quốc tế năm 1982 (UNCLOS – 1982)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên