Thủ tướng: Ai phát triển lực lượng lao động kỹ thuật cao?

VOV.VN - Sáng 5/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động kỹ thuật cao. 

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thủ tướng cũng nêu rõ, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến 4 vấn đề công nhân quan tâm, đó là lương và thu nhập đảm bảo nhu cầu tối thiểu; nhà ở xã hội cho công nhân; môi trường làm việc, học tập cho công nhân; chỗ học tập, vui chơi cho con em công nhân. Khi 4 vấn đề này được thực hiện tốt sẽ là nền tảng cho phát triển công nhân lao động kỹ thuật cao.

Cùng dự buổi đối thoại có Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp.

Thủ tướng thăm quan một số gian hàng tự động hóa.

Với chủ đề “Công nhân kỹ thuật cao là một trong những động lực phát triển đất nước”, Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương đối thoại với 1000 công nhân, lao động, trong đó có 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao của 7 địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.

Phát biểu mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Chúng ta phát triển đất nước không chỉ dựa vào vốn và lao động giá rẻ mà càng phải dựa vào năng suất lao động, dựa vào khoa học công nghệ. Điều kiện sống, học tập, môi trường rèn luyện, kỹ năng, tay nghề của các bạn như thế nào? Những tâm tư bức xúc, nguyện vọng của các bạn ra sao?

Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, các Bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan địa phương, đặc biệt là đại diện các doanh nghiệp, các trường học hôm nay muốn lắng nghe từ chính các bạn, kể cả lắng nghe sự hiến kế, đề xuất cơ chế chính sách với chính phủ và các cơ quan có liên quan để chúng ta có đội ngũ công nhân kỹ thuật bậc cao".

Sau phần phát biểu gợi mở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chương trình đối thoại. Anh Đinh Đăng Đoàn, Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú (TPHCM) nêu vấn đề, tiền lương thuê chuyên gia nước ngoài sang làm việc rất cao, trong khi công nhân, lao động kỹ thuật cao trong nước đáp ứng được nhưng tiền lương lại thấp hơn. Anh Đoàn đề nghị các trường cần đào tạo ngành sát với thực tế, các ngành mới phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp và trả mức lương xứng đáng.  

Cùng chung băn khoăn này, kỹ sư Nguyễn Xuân Quang Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đặt vấn đề, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo đổi mới nội dung và phương thức đào tạo công nhân kỹ thuật cao nói riêng và đào tạo nghề nói chung đáp ứng được đòi hỏi khắt khe của thị trường: "Tôi kiến nghị chính phủ quan tâm chỉ đạo đổi mới nội dung và phương thức chỉ đạo cho công nhân kỹ thuật cao nói riêng và đào tạo nghề nói chung để đảm bảo nhu cầu và đòi hỏi của thị trường lao động hiện đại.

Thứ hai, cái này đề nghị làm sao triển khai trong thực tế và có những chủ trương chính sách gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp. Chúng ta đã làm điều này nhưng chưa đi vào thực chất nhiều. Ngay trong đào tạo và định hướng nghề nghiệp để các em vừa học xong ra đến cơ quan hay cơ sở, trở thành những người giúp đỡ ngay cho đơn vị chứ không phải để đơn vị giúp đỡ cho họ nữa. Từ trong nhà trường cũng phải thay đổi, còn doanh nghiệp cũng phải biến gắn kết đó thành hiện thực".

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao lãnh đạo các bộ, ngành trao đổi. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tán thành với đề xuất của anh Nguyễn Xuân Quang và cho biết: "Việc tập trung đào tạo trong cả nhà trường trong các lĩnh vực, công việc mà xã hội đang cần thay vì kiểu đào tạo “tiện đâu đào tạo đó”.

Thứ hai là đổi mới căn bản trong giáo dục nghề nghiệp, đó là đào tạo kết nối với doanh nghiệp. Làm sao để doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường ngay từ khâu đầu. Từ xây dựng chương trình, trong quá trình đào tạo đưa sinh viên đi thực tập, thậm chí chúng tôi đang khuyến khích các doanh nghiệp được lắp ráp cả máy móc, linh kiện trong nhà trường đề các em vừa học vừa thực hành ngay, để làm sao giảm lý thuyết đi và tăng thực hành lên".

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đang triển khai theo hướng tạo môi trường sinh thái gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Cụ thể là mời doanh nghiệp, các kỹ sư có kinh nghiệm tham gia trực tiếp vào việc đào tạo. Hiện đã có Đại học Nguyễn Tất Thành áp dụng phương thức này. Cùng với đó, Bộ trường cho rằng, công nhân cần nâng cao trình độ ngoại ngữ, nhất là công nhân kỹ thuật cao.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Chúng tôi đang rà soát, ban hành những hướng dẫn cho chương trình giáo dục thường xuyên, giáo dục người lớn. Trong đó, đối tượng công nhân chúng tôi rất quan tâm. Về ngoại ngữ, có dự án 2020 trước kia bây giờ có đề án 2080, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Trong đó có một hợp phần rất quan trọng cho công nhân, chúng tôi đã chuyển cho Bộ Lao động Thương binh Xã hội để làm sao trong quá trình thiết kế nội dung học tập phải thiết thực, phải gắn với thuật ngữ chuyên môn và phương thức giáo dục đào tạo từ xa để cho anh chị em không phải theo học các lớp buổi tối mà có thể học mọi lúc, mọi nơi.

Tuy nhiên tôi thấy ý kiến của anh Quang rất đúng, đó là doanh nghiệp phải bố trí quỹ thời gian. Anh em công nhân là tài sản của doanh nghiệp, do vậy việc bố trí thời gian nhất định cũng là để cho anh em nâng cao thêm tài sản của mình".

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Tiếp tục chương trình đối thoại, chị Trần Thị Lan Anh, Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, thì đề nghị cần tạo môi trường làm việc có tính sáng tạo cho công nhân lao động. Mọi sáng kiến của công nhân dù là nhỏ hay lớn đều nên được trân trọng và nuôi dưỡng để tạo động lực. Chị Lan Anh cũng đề xuất, Chính phủ cần xem xét xây dựng trung tâm hỗ trợ công nhân lao động nghiên cứu ở các tỉnh, đưa các sáng kiến có tính khả thi trở thành hiện thực, áp dụng thực tiễn.

Anh Phan Anh Hây, người có 9 năm làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế UNILEVER Việt Nam đề xuất: "Chúng tôi được biết thay đổi công nghệ đi liền với tự động hóa, số hóa và tối ưu hóa, sử dụng robot thế hệ mới để tiết giảm chi phí và tăng năng suất lao động. Cái này sẽ hình thành lớp công nhân kỹ thuật cao, việc này bắt nguồn từ doanh nghiệp, do doanh nghiệp. Tôi muốn đề xuất lên Chính phủ là cần xác định được tiêu chí của doanh nghiệp phát triển công nghệ cao cấp vùng để khuyến khích cho doanh nghiệp cấp vùng đầu tư máy móc thiết bị công nghệ cao. Từ đó sẽ tuyển công nhân kỹ thuật cao và tổ chức đào tạo để làm chủ được máy móc thiết bị dây chuyền hiện đại đó".

Về vấn đề hỗ trợ các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà nhiều công nhân đặt ra, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, trao đổi: "Đồng hành với doanh nghiệp thì Chính phủ, bộ ngành tập trung vào chính sách, nhưng nhân vật chính phải là doanh nghiệp. Trong đánh giá vừa qua, nhu cầu tự thân của doanh nghiệp coi đổi mới công nghệ, sáng kiến, sáng tạo phải là công cụ, vũ khí để cạnh tranh chiến thắng, đó mới là quan trọng. Hiện đã xuất hiện không ít các tập đoàn chăm lo hình thành các trung tâm nghiên cứu, viện, thu hút các trường đại học thông qua các hợp đồng hợp tác".

Cùng trao đổi về các nội dung mà công nhân, lao động quan tâm, Thủ tướng cũng đã mời lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn đối thoại với công nhân, trong đó có bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh tán thành việc mở thêm các trung tâm đào tạo nghề kỹ thuật cao cho công nhân: "Hiện nay chúng ta có 53 triệu công nhân, nhưng chỉ có 11 công nhân được đào tạo. Cái đào tạo ở đây, chúng ta nói là đào tạo, nhưng thực chất đào tạo để ra làm việc được chắc có lẽ còn ít hơn nữa. Như vậy chúng ta thực tế chỉ có 1/5 người đang làm việc được đào tạo  thì thử hỏi làm sao đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp hiện nay? Mà trong khi đó môi trường cạnh tranh của chúng ta hết sức khốc liệt. Bây giờ chúng ta có rất nhiều trường nghề.

Những trường này đều do Nhà nước quản lý nhưng tôi xin đề xuất Công đoàn, tổ chức rất quan tâm đến công nhân, nên chăng Công đoàn cũng nên tổ chức đào tạo. Chúng tôi là những doanh nghiệp sẽ hết sức hỗ trợ trong vấn đề này về cơ sở vật chất xây trường và các trang thiết bị để đào tạo thực hành".

Buổi đối thoại diễn ra trong 4 giờ đồng hồ. Ngoài các câu hỏi tại hội trường thì đã có 43 kiến nghị của công nhân thuộc các nhóm vấn đề được gửi đến Thủ tướng.

Phát biểu tại đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tất cả các kiến nghị, vấn đề đặt ra sẽ được giao cho Văn phòng Chính phủ tổng hợp, phân loại, gửi đến các bộ, ngành, địa phương trả lời, đồng thời làm cơ sở xây dựng các chính sách mới để “mang lại hiệu quả chứ không phải gặp nhau ở hội trường là xong”.

Thủ tướng nhấn mạnh, công nhân lao động kỹ thuật cao là tài nguyên, tài sản, vốn quý của đất nước. Nước ta cũng ngày càng có nhu cầu cao về công nhân lao động kỹ thuật cao.

Thủ tướng cho biết: "Lao động kỹ thuật là lực lượng quan trọng của nước nhà. Người lao động kỹ thuật cao sẽ có khả năng tiếp thu kỹ thuật mới, nhất là trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số. Nhưng thực trạng của chúng ta như thế nào? Chúng ta có 17,5 triệu lao động có quan hệ lao động, trong tổng số hơn 53 triệu lao động cả nước, thì chưa đầy 19% công nhân có trình độ kỹ thuật cao, còn lại là lao động phổ thông. Tôi muốn nói điều này để các cấp, ngành nhận thức hơn những điều kiện cần và đủ, những yếu tố thuận lợi, khó khăn và những việc cần làm sắp tới".

Thủ tướng cũng cho rằng, công nhân lao động kỹ thuật cao gắn với đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là một trong những yếu tố quyết định đối với sự phát triển đất nước thời gian tới.

Để phát triển lực lượng công nhân chất lượng cao, Thủ tướng đặt vấn đề: "Ai làm việc phát triển lực lượng lao động kỹ thuật cao cả về số lượng và chất lượng, trước hết là Chính phủ, ban hành chính sách, trong đó có cả việc đề xuất Quốc hội ban hành Luật pháp. Thứ hai rất quan trọng là nơi đào tạo; các bộ, ngành và địa phương, các chính sách mà các bộ, ngành đề xuất. Công đoàn cũng phải chủ động hỗ trợ; công nhân tự học, tự rèn; doanh nghiệp tạo điều kiện và quan tâm. Tất cả chúng ta đều phải bắt tay lại để làm nhiệm vụ quan trọng này. Các thành tố này giúp chúng ta có lực lượng lao động tốt".

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu rõ, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến 4 vấn đề công nhân quan tâm, đó là lương và thu nhập đảm bảo nhu cầu tối thiểu; nhà ở xã hội cho công nhân; môi trường làm việc, học tập cho công nhân; chỗ học tập, vui chơi cho con em công nhân. Khi 4 vấn đề này được thực hiện tốt sẽ là nền tảng cho phát triển công nhân lao động kỹ thuật cao.

Đối với người công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: "Người ta nói là “Nhất nghệ tinh, Nhất thân vinh”. Công nhân Việt Nam phải tự học, tự rèn, học nữa học mãi như Lenin nói và Việt Nam có câu dễ nhớ là học suốt đời. Chúng ta phải chuyển đổi nghề nghiệp, học tập rèn luyện, phấn đấu quyết liệt để có “nghệ tinh” và “thân vinh”. Còn chúng ta không chịu khó, không rèn luyện học tập, khó thành công. Bao giờ nội lực của đất nước, dân tộc hay bản thân một con người cũng phải tự mình quyết định. Chính vì vậy tôi đề nghị công nhân cũng phải có khát vọng, hoài bão; khát vọng làm thay đổi cuộc sống, vượt qua những thói quen lãng phí thời gian, tránh xa những tệ nạn xã hội. Chúng ta phải dành thời gian dỗi cho việc đọc sách, trau dồi kiến thức, kỹ năng và hoạt động có ích khác. Tôi đề nghị mỗi công nhân phải đặt ra kế hoạch cụ thể của riêng mình để phấn đấu, nhất là công nhân trẻ tuổi".

Thủ tướng cũng lưu ý giai cấp công nhân phải rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ vững lập trường giai cấp, thể hiện trách nhiệm công dân đối với xã hội, tích cực tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, nâng cao cảnh giác, không để bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia các hoạt động sai trái.

Thủ tướng đề nghị các tổ chức công đoàn tiếp tục quan tâm đến đời sống vật chất, xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của công nhân, để họ yên tâm làm việc.

Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng đặt vấn đề, vì sao các nước có các tập đoàn lớn đa quốc gia, vì họ có doanh nghiệp mạnh mà trước hết là ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại. Cùng với đó, điều rất quan trọng đó là đào tạo đội ngũ chuyên gia lành nghề, công nhân kỹ thuật cao để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, doanh nghiệp ngoài quan tâm đầu tư công nghệ hiện đại thì cần quan tâm đào tạo lao động kỹ thuật cao, có chính sách đãi ngộ phù hợp, nhất là công nhân kỹ thuật cao để làm “đầu kéo” thúc đẩy tăng năng suất, thu nhập./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Séc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Séc

VOV.VN - Sáng 17/4 theo giờ địa phương, ngay sau lễ đón trọng thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Andrej Babis.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Séc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Séc

VOV.VN - Sáng 17/4 theo giờ địa phương, ngay sau lễ đón trọng thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Andrej Babis.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen

VOV.VN - Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước, nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Thỏa thuận cấp cao 2019...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen

VOV.VN - Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước, nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Thỏa thuận cấp cao 2019...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

VOV.VN - Hai Thủ tướng trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có tăng cường phối hợp xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

VOV.VN - Hai Thủ tướng trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có tăng cường phối hợp xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc

VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hôm nay (26/4) có cuộc hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc

VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hôm nay (26/4) có cuộc hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường.