Thủ tướng: Báo chí cần tiếp tục phát huy tinh thần “phò chính, diệt tà“

VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục phát huy tinh thần “phò chính, diệt tà”, vượt qua khó khăn...

Chiều 16/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19.

Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen cho 18 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác truyền thông về phòng, chống Covid-19.

Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương, với phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống Covid-19 ngay từ khi dịch xuất hiện, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống Covid-19 được triển khai hiệu quả trên tất cả các hình thức tuyền thông như trên báo chí, truyền thông qua tin nhắn SMS, truyền thông trên tất cả các loại hình mạng xã hội, các ứng dụng trên nền tảng internet, truyền thông trực tiếp trong cộng đồng…Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại được triển khai chủ động, đồng bộ, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi và được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, báo chí đã thể hiện vai trò xung kích, chấp hành đúng các quy định pháp luật và sự chỉ đạo, định hướng thông tin của các cơ quan chức năng, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, đưa nhiều bằng chứng để khẳng định Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành của Việt Nam đã, đang làm hết sức mình để phòng ngừa, kiểm soát bằng được dịch Covid-19.

Tham luận tại hội nghị, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết, VOV đã tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 trên cả 4 phương tiện phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo giấy. Giai đoạn cao điểm, trung bình mỗi ngày VOV phát 200 tin, bài, chương trình về phòng chống Covid-19. VOV có hệ thống 13 ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số, 13 ngôn ngữ đối ngoại nên đã phát huy tốt hiệu quả thông tin cả đối nội và đối ngoại, giúp đồng bào trong nước hiểu đúng chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp bạn bè quốc tế hiểu và ca ngợi chính sách hiệu quả của Việt Nam.

“Tinh thần dấn thân, ý thức trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghề nghiệp rất cao của đội ngũ báo chí cả nước trước tình thế đặc biệt của đất nước. Từ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên đều nêu cao ý thức đưa tin một cách có trách nhiệm, vì mục tiêu cao nhất là phòng chống dịch bệnh thành công, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân.

Chúng tôi làm tốt được nhiệm vụ thông tin tuyên truyền nhờ quán triệt chỉ đạo rất rõ ràng, minh bạch, sáng suốt và kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng và Ban Chỉ đạo. Thực ra các nhà lãnh đạo của chúng ta đều là những chuyên gia hàng đầu về truyền thông, vì đã khái quát lên những slogan về truyền thông như “Chống dịch như chống giặc”, hay khẩu hiệu “cách ly, khoanh vùng, dập dịch”, “thực hiện mục tiêu kép” giúp báo chí triển khai nhiệm vụ rất dễ dàng, hiệu quả và người dân dễ nhớ, dễ nắm, dễ thực hiện”, ông Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, truyền thông đã góp phần quan trọng vào chiến thắng trong công tác phòng, chống Covid-19, một đại dịch toàn cầu hơn 100 năm mới xuất hiện một lần.

“Riêng lĩnh vực báo chí nước ta có trên 20.000 người. “Gia bần tri hiếu tử, Quốc loạn thức trung thần”, lúc khó khăn mới hiểu được lòng người, mới thấy sự xông pha của tất cả những người làm trong lĩnh vực này, đóng góp vào lĩnh vực này. Các đồng chí ở Đài Tiếng nói Việt Nam và nhiều đồng chí phát biểu, thế giới ca ngợi Việt Nam. Nhiều tờ báo lớn ca ngợi chúng ta là một đất nước, dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã  làm nên sự kiện cho nhân dân chúng ta. Cho nên, tôi nói ý nghĩa lớn lao như vậy, để rút ra kinh nghiệm để đồng thanh hiệp lực trong thời gian đến, một thời kỳ mà có rất nhiều cam go vất vả”.

Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) là 1 trong 18 tập thể được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng nhận bằng khen từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ngay từ khi dịch xuất hiện, Đảng, Nhà nước đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời. Các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống dịch  đều dựa trên cơ sở khoa học, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là những yêu cầu như cách ly xã hội, toàn dân đeo khẩu trang…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác truyền thông thông tin đã góp phần tạo đồng thuận xã hội, niềm tin của nhân dân, khơi dậy tinh thần dân tộc, yêu nước để phòng, chống dịch thành công. Trong đó có việc tuyên truyền, quán triệt lời kêu gọi toàn dân đoàn kết, đồng sức, đồng lòng quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Cùng với đó là tuyên truyền về các chủ trương mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra như “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận hy sinh một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Chính phủ đã chỉ đạo lực lượng quân đội, công an cùng vào cuộc, hình thành các khu cách ly tập trung, khóa chặt các đường mòn, lối mở khu vực biên giới, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ” để đảm bảo không có trường hợp nhiễm bệnh mà không phát hiện.

Chính vì thế, nước ta đạt được những thành công rất quan trọng, đó là số người nhiễm Covid-19 trên tổng số dân thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Chi phí cho công việc này là thấp so với nhiều nước. Và điều quan trọng nhất là không có người nào tử vong trên đất nước Việt Nam.

“Ngành tuyên giáo và và truyền thông thông tin, các cơ quan báo chí, truyền thông, các giới văn nghệ sĩ của nước ta đã đóng góp rất quan trọng vào công cuộc phòng, chống dịch. Tôi muốn rút ra ý này trong việc thể hiện những tác phẩm, những bài viết, sản phẩm mà các đồng chí đã đóng góp trong thời gian dịch dã vừa qua. Những vấn đề như vậy không chỉ ở đô thị mà đến nông thôn, từ vùng cao đến biên giới, từ trong nước và nước ngoài…có sự đóng góp của các đồng chí và các bạn rất lớn. Điều này được khẳng định, đó là truyền thống, một món quà quý giá để chúng ta có những sản phẩm thiết thực, đóng góp vào kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa trong những ngày hôm nay. Tôi xin chúc mừng các đồng chí một lần nữa”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng cũng đánh giá, cách thức truyền thông đa dạng, sinh động, vừa đảm bảo kỷ luật thông tin, không gây kích động trong xã hội, nhất là các đô thị lớn, nhưng lại đủ để đảm bảo người dân không chủ quan và chấp hành tốt việc phòng, chống dịch.  

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đánh giá cao sự chủ động, công tác phối hợp của MTTQ Việt Nam trong vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; vận động tổ chức, cá nhân đóng góp tới 2.000 tỷ đồng giúp nhà nước giảm gánh nặng ngân sách trong công tác này. Thủ tướng cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của hệ thống chính trị đã làm nên thành công này.

“Đó là tinh thần yêu nước, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ta, sự đồng lòng ủng hộ đối với chế độ. Những điều đó lớn lao lắm. Người đối nghịch chúng ta, kẻ xấu ở cộng đồng luôn luôn tìm cách tách rời vai trò lãnh đạo của hệ thống chính trị với nhân dân, qua việc này, họ tin tưởng vào Đảng ta, Nhà nước ta. Khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị Đảng, Nhà nước chúng ta. Một tinh thần Việt Nam, một văn hóa Việt Nam, những tấm lòng nhân ái, cả những cụ già, trẻ em mà chúng ta thấy được. Đó là điều đáng quý của dân tộc, của đất nước, không phải dân tộc nào cũng có tấm lòng sẻ chia như thế. Văn hóa Việt Nam có nhiều thứ trước hết là ngôn ngữ, trang phục, chữ viết, nhưng những hình ảnh văn hóa đó, tấm lòng như vậy không phải dân tộc nào cũng có trong công cuộc phòng chống dịch này mà truyền thông, báo chí các giới đã thể hiện được điều đó”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Với thành công trong công tác phòng chống Covid-19, Thủ tướng cho biết, Việt Nam là một trong số ít các nước đang trong tiến trình bình thường mới sớm nhất. Đây là niềm tự hào đối với đất nước ta được thế giới ghi nhận.  

Nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu kép trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ trình Quốc hội các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội từ nay đến cuối năm, quyết tâm đạt cao nhất các mục tiêu đề ra. Do đó, nhiệm vụ của công tác truyền thông là tiếp tục để người dân không chủ quan với bệnh dịch, đồng thời phấn đấu thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội.

“Truyền thông phải góp phần lan tỏa những năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những người tốt việc tốt, mô hình tốt, công ty tốt, cách làm ăn hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội bật dậy nhanh sau dịch. Truyền thông thông tin cần góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đóng góp vào nỗ lực xử lý các khó khăn vướng mắc, giải quyết đề xuất các kiến nghị của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng phát triển thị trường trong nước đối với nước tiêu dùng 100 triệu dân đang tăng trưởng nhanh về thu nhập. Đi liền với đó, chủ trương của Bộ Chính trị và Thủ tướng muốn nêu là thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng nội địa của gần 100 triệu người Việt Nam. Du lịch nội địa khởi động tốt, khách sạn cần đông người, hàng hóa không thiệt hại... Tinh thần được phát động lên để nền kinh tế tiếp tục phát triển mức độ cần thiết. Đó chính là những thông tin truyền thông cần thiết”, Thủ tướng nêu rõ.

Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục phát huy tinh thần “phò chính, diệt tà”, một tinh thần vượt qua khó khăn để nền báo chí cách mạng Việt Nam đứng vững. Thủ tướng cho rằng nên thảo luận về cơ chế tài chính hỗ trợ cho các cơ quan báo chí sau quy hoạch một cách phù hợp với khả năng tài chính quốc gia.

Tại hội nghị, Thủ tướng đã quyết định thưởng 1 tỷ đồng cho tất cả các tờ báo tham gia thực hiện nhiệm vụ truyền thông, thông tin về Covid-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trao Bằng khen cho 18 tập thể vì có thành tích xuất sắc trong công tác truyền thông về phòng, chống Covid-19, trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên