"Thủ tướng, các Phó Thủ tướng luôn lắng nghe bất cứ nhà khoa học nào"
VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các nhà khoa học tiếp tục tư vấn, phản biện chính sách của Đảng, Nhà nước
Sáng 17/2 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và một số thành viên Chính phủ làm việc với Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam |
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hiện có 141 hội thành viên; 430 tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc; 101 cơ quan báo chí, tập hợp hơn 2,8 triệu hội viên, trong đó có 1,5 triệu hội viên là trí thức, tương đương khoảng 1/3 trí thức cả nước.
Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, thời gian qua, Liên hiệp các Hội đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện, dự án luật quan trọng; các dự án đầu tư trọng điểm ảnh hưởng lớn đến xã hội; các dự án, đề án mang tính chiến lược như Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam; Đề án Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050… Liên hiệp các Hội cũng đã cử nhiều chuyên gia tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về một số đề án, dự án quan trọng.
Ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, Liên hiệp các Hội có đội ngũ trí thức đông đảo là các chuyên gia, nhà khoa học, có khả năng phát hiện nhiều vấn đề mới từ thực tiễn, đóng góp hoàn thiện chính sách pháp luật của Nhà nước.
Cho rằng pháp luật sống được là nhờ “bầu sữa” của thực tiễn, ông Lê Minh Tâm đề xuất đưa Liên hiệp Hội trở thành kênh lấy ý kiến ngay từ đầu cho các dự thảo cơ chế, chính sách pháp luật.
“Nếu tranh thủ được ý kiến của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, sẽ có nhiều phát hiện, nhiều đề xuất rất phù hợp. Đấy chính là “bầu sữa” nuôi dưỡng rất tốt cho chính sách pháp luật của chúng ta, đi đúng theo hướng Đảng chỉ dẫn, Chính phủ thực hiện kiến tạo. Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội và các hội thành viên luôn có cách tiếp cận khách quan, lấy khoa học làm thực tiễn căn bản, đây là yếu tố rất cần thiết cho công xây dựng chính sách pháp luật. Đó là một kênh mà Thủ tướng Chính phủ hay các đồng chí có trách nhiệm sẽ nghe và để có so sánh, từ đó có thể tìm ra được một đại lượng chung, thể hiện ý chí, lợi ích của Nhà nước, tập thể, của cá nhân”, ông Lê Minh Tâm đề xuất.
Nhiều nhà khoa học và chuyên gia cũng đồng tình với đề xuất này, đồng thời đề nghị có cơ chế tạo điều kiện để Liên hiệp các Hội và hội ở địa phương tuyên truyền kiến thức và thông tin khoa học đến người dân hiệu quả hơn.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng khẳng định những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước, trong đó có Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một tổ chức tập hợp đông đảo các trí thức. Trong bối cảnh thực hiện Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ người dân, Chính phủ càng cần nghe ý kiến của người dân, của trí thức. Thủ tướng khẳng định, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ luôn lắng nghe bất cứ nhà khoa học nào có ý tưởng xây dựng đất nước.
Thủ tướng ghi nhận Liên hiệp các Hội đã tham mưu đề xuất các chủ trương, đường lối cho Đảng, cơ chế chính sách của Nhà nước; tư vấn, giám định, phản biện xã hội các chủ trương, chính sách và chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Trước những khó khăn thời gian qua, đặc biệt là việc thực hiện một số nhiệm vụ của năm 2016, 2017, lực lượng trí thức đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội.
“Tôi đánh giá cao việc đưa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trở thành nhân tố quan trọng đưa khoa học công nghệ thành động lực phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần phát triển bền vững đất nước. Ý kiến này tuy không phải là quan điểm mới, nhưng phải khẳng định để thấy rằng khoa học công nghệ là động lực quan trọng để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhân đây tôi cũng đánh giá cao đội ngũ trí thức của nước ta, nhất là các nhà khoa học, đã không ngại khó khăn, vất vả, miệt mài nghiên cứu để có một số công trình, đặc biệt một số giải pháp công nghệ trực tiếp đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự buổi làm việc |
Đối với đề xuất của nhiều nhà khoa học, chuyên gia về việc cần có quy trình để lấy ý kiến các nhà khoa học và trí thức ngay từ đầu đối với việc xây dựng các dự thảo chính sách, các dự án, đề án lớn của Nhà nước, Thủ tướng nêu rõ: “Nên có quy trình rõ ràng hơn, có thời gian và có sự đãi ngộ đúng mức, thích đáng cho những người và tổ chức phản biện chính sách, dự án, nhất là luật pháp, để dự án, chính sách, luật pháp đó có thực tế khoa học, sát dân, vì dân”.
Thủ tướng cũng đề nghị Liên hiệp các Hội cần tạo môi trường và các điều kiện thuận lợi để trí thức đi đầu trong việc truyền bá, phổ biến những tinh hoa trí thức của nhân loại, góp phần thiết thực vào việc nâng cao dân trí và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất và đời sống.
Cùng với đó là quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng trí thức khoa học công nghệ, nhất là những chính sách ưu đãi đối với các nhân tài hoạt động khoa học công nghệ. Đặc biệt, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học nói chung, trong đó có các nhà khoa học trẻ có các đề tài, công trình có sự đột phá, khơi dậy được niềm đam mê nghiên cứu khoa học của giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên.
Thủ tướng khẳng định: “Khoa học công nghệ nằm ở doanh nghiệp và người dân rất lớn, Liên hiệp Hội làm sao phát huy được tối đa năng lực sáng tạo, tham gia nghiên cứu khoa học của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Bao nhiêu thiết bị khoa học công nghệ từ tàu ngầm đến máy bay và nhiều thiết bị khác nhau đều có sự đóng góp từ chất xám của nông dân, sinh viên, doanh nghiệp. Đây là lực lượng quan trọng tạo nền tảng để có một lực lượng khoa học công nghệ tốt hơn. Trên thế giới, các nước đổi mới khoa học công nghệ đều từ doanh nghiệp, từ người dân”.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đã giải đáp các kiến nghị của Liên hiệp các Hội về cơ chế tài chính; về xây dựng chương trình xây dựng truyền thông phổ biến kiến thức khoa học công nghệ đến năm 2020 và các nội dung khác./.
Thủ tướng chỉ đạo gỡ nút thắt để phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc