Thủ tướng: "Cần thiết thì phải xử lý nghiêm nếu có vi phạm về SGK"
VOV.VN - Về vấn đề sách giáo khoa lớp 1, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc tiếp thu những vấn đề mà cử tri và đại biểu đã nêu.
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, sáng 13/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng tiếp xúc cử tri thành phố Hải Phòng, trong đó có cử tri Câu lạc bộ Bạch Đằng.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Thành phố bày tỏ đánh giá cao Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ và Thành phố Hải Phòng đã có nhiều nỗ lực để tạo sự chuyển biến rất tích cực của kinh tế xã hội trong bối cảnh Covid-19. Sau 9 tháng, kinh tế tăng trưởng hơn 2%, đứng thứ hai khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đặc biệt là việc có nhiều biện pháp mạnh mẽ, sáng tạo, quyết liệt trong chống dịch, thực hiện mục tiêu kép, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, cử tri cho biết rất ấn tượng về sự phát triển của Thành phố Hải Phòng trong 5 năm qua, mang lại bộ mặt, diện mạo mới, hiện đại cho Thành phố.
Chia sẻ với cử tri về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Thành phố đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện, căn bản thời gian vừa qua. Ngày mai, Thủ tướng sẽ thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư đánh giá những thành công, nét nổi bật, những ấn tượng của Thành phố trong nhiệm kỳ vừa qua. Thành phố đã tăng trưởng ở mức cao nhất nước ta, phát triển hạ tầng mạnh mẽ nhất. Trong một nhiệm kỳ đã làm được 46 cây cầu, hàng trăm km đường giao thông, đặc biệt là phát triển nhiều nhà máy, xí nghiệp, công trình bằng vốn trong nước, vốn nước ngoài. Kinh tế Hải Phòng có sự phát triển đột phá, toàn diện. Thu ngân sách tăng cao nhất từ trước đến nay. Cơ sở vật chất được nâng lên rõ nét. Thành phố có sự thay da đổi thịt hàng ngày… là tiền đề để cất cánh nhiệm kỳ tới. Hải Phòng còn phát triển nhiều mặt về an sinh xã hội, đời sống của người dân, quan tâm đến đối tượng an sinh xã hội, người nghèo…
"Có thể nói, hiện tượng Hải Phòng, hình ảnh phát triển của Hải Phòng là một hình ảnh đẹp trong một nhiệm kỳ đầy khó khăn của đất nước và Thành phố. Đó là sự phấn đấu mạnh mẽ của người dân Thành phố dưới sự lãnh đạo của Đảng" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tán thành với các vấn đề mà cử tri Hải Phòng nêu ra, đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu kép đạt kết quả tích cực. Trong kết quả quan trọng đó có vai trò của nhân dân cả nước và Thành phố Hải Phòng, đoàn kết, hưởng ứng và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch. Dù trở lại trạng thái bình thường mới, Thủ tướng yêu cầu nhân dân cả nước và nhân dân Thành phố Hải Phòng không được chủ quan. Chính phủ có lộ trình mở cửa chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan từ bên ngoài vào nước ta.
Cùng với phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam cũng đã chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền biển đảo, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Với những kết quả đạt được, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế nâng lên.
Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với cử tri về nhiều vấn đề thời sự của đất nước và Thành phố Hải Phòng, như biện pháp nào của Chính phủ để tiếp tục kiểm soát dịch Covid-19; vấn đề chống “virus trì trệ”; đề xuất cơ chế để Thành phố Hải Phòng thực hiện thí điểm chính quyền đô thị; việc tăng đầu tư xây dựng các cảng nước sâu và đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai; vấn đề bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ; vấn đề nâng khống giá trang thiết bị y tế khi xã hội hóa tại các bệnh viện; tình trạng giáo viên bỏ nghề do thu nhập thấp…
Đặt vấn đề đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội đã lấy lại được đà tăng trưởng, cử tri Vũ Long đặt câu hỏi: Thủ tướng và Chính phủ đã dự kiến và có những biện pháp gì để đại dịch Covid-19 không bùng phát trở lại? Thời gian đầu phòng, chống đại dịch Covid-19 Thủ tướng có nói: Phải chống cả loại virus “trì trệ”. Nay loại virus “trì trệ” đã bị đẩy lùi chưa?
Trả lời câu hỏi của cử tri Vũ Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, vấn đề quan trọng là đề cao cảnh giác, thực hiện các biện pháp mà ngành y tế đã đưa ra, trong đó có việc rất thông dụng nhưng rất hữu ích như đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn, không được tụ tập đông người. Khi có ổ dịch thì thần tốc khoanh lại, xử lý nhanh. Như vậy, một tinh thần là không được mất cảnh giác với dịch Covid-19.
Về chống virus "trì trệ", đây là bệnh trong bộ máy công chức, cán bộ, đảng viên. Một tinh thần gương mẫu, dám nghĩ, dám làm đang đặt ra trong cán bộ, đảng viên, cho nên không được trì trệ. Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải làm hết sức mình các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước phân công với thời gian nhanh nhất, trách nhiệm cao nhất. Đấy chính là thái độ cần thiết đáp lại nguyện vọng của người dân. Từng chi bộ, cơ quan đơn vị phải kiểm tra, đôn đốc cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, có kỷ luật và kiểm tra khen thưởng để chống bệnh trì trệ này.
Cử tri Nguyễn Đình Then đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết chuyên đề về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển Thành phố, phát huy thế mạnh, lợi thế của Hải Phòng; thí điểm cơ chế chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
Trao đổi với cử tri Nguyễn Đình Then, Thủ tướng nêu rõ Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 45 về phát triển Thành phố Hải Phòng và Chính phủ đang có chương trình hành động triển khai Nghị quyết này. Thành phố Hải Phòng trong tương lai phải là Thành phố có tên tuổi, sánh vai cùng các Thành phố khu vực châu Á và đến năm 2025 phải là Thành phố có tên tuổi, vị trí quan trọng ở Đông Nam Á.
Về vấn đề thí điểm chính quyền đô thị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Thành ủy viên Thành phố đưa vấn đề này ra Thành ủy, UBND để báo cáo Chính phủ, từ đó Chính phủ có cơ sở xem xét, trình Quốc hội. Làm sao tạo thuận lợi nhất cho người dân thông qua chính quyền đô thị.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Điền bày tỏ lo lắng trước một bộ phận người trong xã hội đạo đức xuống cấp nghiêm trọng. Đáng chú ý, một bộ phận cán bộ trong một số cơ quan công quyền cũng có biểu hiện sa sút đạo đức; tội ác của các băng, đảng “xã hội đen”.
"Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng cường các giải pháp, biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để quản lý tốt hơn nữa về văn hóa xã hội, đặc biệt về đạo đức xã hội. Chúng ta không ngăn chặn được tình trạng đạo đức xuống cấp này sẽ ảnh hưởng tới “nền tảng tinh thần xã hội” là một trong 4 trụ cột xây dựng, phát triển đất nước" - cử tri cho biết.
Trao đổi nội dung này, Thủ tướng nhấn mạnh mặt trái của kinh tế thị trường chính là vấn đề phân biệt giàu nghèo, đạo đức xã hội… Kinh tế đi liền với văn hóa, văn hóa soi đường quốc dân đi. Do đó phải dành nhiều thời gian cho văn hóa nhiều hơn nữa, trong đó có vấn đề đạo đức xã hội, đạo đức trong từng gia đình, trong cuộc sống, đảm bảo giữ gìn văn hóa Việt Nam, bảo đảm cuộc sống bình yên trong nhân dân. Đó chính là hạnh phúc mà chính mỗi gia đình cũng phải dành thời gian giáo dục con em, cùng với các hình thức khác như xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật.
Cử tri Hoàng Duy Đỉnh thì bày tỏ lo lắng trước việc nâng khống giá thiết bị y tế trong các dự án xã hội hóa tại các bệnh viện, nhất là vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, một công ty trúng thầu hàng chục dự án, mức giá đầu tư đều “thổi” lên cao hơn so với giá trị thực từ 3 đến 5 lần.
Trao đổi với cử tri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chủ trương xã hội hóa ngành y tế là cần thiết, nhưng phải công khai minh bạch, xử lý nghiêm các vi phạm. Cho nên Chính phủ đã chỉ đạo phải công khai hóa giá hải quan nhập khẩu thiết bị cùng các biện pháp khác để giám sát giá thiết bị, không để xảy ra tình trạng lợi dụng khi xã hội hóa, nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi của người bệnh. Các vi phạm sẽ bị điều tra xử lý nghiêm.
Về vấn đề sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, cử tri Đỗ Thế Hùng cho rằng, dù đã chuẩn bị khá bài bản, có Hội đồng thẩm định cấp quốc gia, nhưng vẫn có những tồn tại. Cử tri đặt câu hỏi liệu có cần duyệt cho nhiều bộ sách giáo khoa ở những lớp đầu cấp như vậy không? Và số lượng sách tham khảo hướng dẫn nhiều như vậy có cần thiết ?
Về vấn đề này, Thủ tướng đã yêu cầu Phó Thủ tướng trực tiếp lắng nghe, đồng thời chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc tiếp thu những vấn đề mà cử tri và đại biểu đã nêu.
"Việc này trước kỳ họp Quốc hội chúng tôi sẽ có công bố chính thức để rút kinh nghiệm vấn đề đặt ra. Cần thiết thì phải xử lý nghiêm nếu vi phạm. Còn hiện nay đang thảo luận để xem xét vấn đề cần sửa chữa. Sách giáo khoa và sách tham khảo đụng đến từng nhà, gia đình, cần tiết kiệm cho người dân. Cần phải có một sách tham khảo, sách giáo khoa phù hợp với văn hóa Việt Nam, với trẻ em Việt Nam. Đây là vấn đề nóng hiện nay, chúng tôi tiếp thu vấn đề này" - Thủ tướng cho biết.
Về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc mà một số cử tri nêu ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam sẽ xây dựng Biển Đông hòa bình, tự do hàng hải, hàng không, thực hiện tốt luật pháp quốc tế, đặc biệt là thực hiện đúng tinh thần Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982. Chúng ta đang làm việc này tốt thời gian qua và tiếp tục làm tốt thời gian tới để bảo vệ giang sơn Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống cha ông./.