Thủ tướng: Cao Bằng cần tập trung phát triển vào 3 hướng đi chính
VOV.VN-Thủ tướng cho rằng, Cao Bằng cần tập trung vào 3 hướng đi chính, là: dịch vụ du lịch; nông lâm nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao; kinh tế cửa khẩu.
Sáng 25/11, tại thành phố Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng 2018 với chủ đề Cao Bằng - cơ hội đầu tư, phát triển bền vững.
Cùng dự hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành và đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự hội nghị. |
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cho biết, tại hội nghị này, tỉnh sẽ trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án, tổng vốn hơn 3.500 tỷ đồng. Có 16 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng vốn trên 28.500 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh những giá trị chiến lược về vị trí địa lý và khả năng kết nối nhiều mặt của Cao Bằng; tin tưởng Cao Bằng sẽ đi tiên phong trong đổi mới và phát triển, có sự đột phá mới trong thời gian tới.
Thủ tướng cho biết, năm 2017, ông lên Cao Bằng, mặc dù bận rộn nhưng ông quyết định lên đây lần thứ 2 để cùng thảo luận với lãnh đạo tỉnh. Thủ tướng vui mừng là nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng, cơ quan Quốc hội cùng tham gia thảo luận các biện pháp phát triển tỉnh Cao Bằng; đông thời hoan nghênh các nhà đầu tư có mặt ở đây.
"Người ta nói giúp nhau lúc khó mới quý, nên việc có mặt của nhiều nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư đã thành công ở đây lâu năm, là niềm động viên lớn với Cao Bằng. Cao Bằng cần nhiều nhà đầu tư vào các lĩnh vực để cùng Cao Bằng thành công" - Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị. |
Trên tinh thần đó, Thủ tướng cho rằng, Cao Bằng cần tập trung vào 3 hướng đi chính, đó là dịch vụ du lịch; nông lâm nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao; và kinh tế cửa khẩu.
Về du lịch, theo Thủ tướng cần trở thành ngành mũi nhọn mang bản sắc Cao Bằng, như du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, sinh thái, địa hình được khai thác dựa trên yếu tố bền vững, độc đáo riêng có của Cao Bằng. Trong đó, cần phát huy mạnh mẽ Cao nguyên địa chất Non Nước vừa được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu; hơn 215 di tích được xếp hạng; Thác Bản Giốc, 1 trong 4 thác vùng biên giới đẹp nhất thế giới.
Trong phát triển du lịch, Thủ tướng cho rằng Cao Bằng và các nhà đầu tư cần trả lời được một số câu hỏi: Làm sao để du khách đến đông hơn? Làm sao để du khách ở lâu hơn? Làm sao để du khách tiêu tiền nhiều hơn, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ du lịch? Làm sao để du khách hiểu được những giá trị và kể những câu chuyện về Thác Bản Giốc, về Núi Các Mác, Suối Lê Nin, về Rừng Trần Hưng Đạo và những điều thú vị khác về Cao Bằng? Và làm sao để du khách mong muốn quay trở lại Cao Bằng sớm nhất có thể? Làm sao để người dân, nhất là đồng bào dân tộc, được hưởng lợi từ du lịch, nhất là từ nét văn hóa độc đáo của các dân tộc?
Đối với việc phát triển nông, lâm nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao, Thủ tướng nhấn mạnh các thế mạnh của Cao Bằng với nhiều vùng sinh thái và gắn liền với các cây trồng, vật nuôi đặc hữu riêng có, với nguồn gien phong phú như nếp hương Xuân Trường, cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, hồi (Thạch An, Trà Lĩnh), đỗ tương, thạch đen, bí xanh vùng Hòa An, Hà Quảng, Thông Nông.
Thủ tướng nhấn mạnh đến một ngành nghề thế mạnh, có nguồn nguyên liệu, thị trường lớn, đó gỗ rừng trồng, chế biến đồ gỗ, nhất là đồ mộc thủ công mỹ nghệ cấp cao, có chất lượng tốt, cho thị trường láng giềng Trung Quốc. Ở hội chợ tại Nam Ninh hay Thượng Hải vừa qua, các gian hàng của Việt Nam trưng bày đồ gỗ nhiều nhất. Đồ gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Rừng trồng cũng là một thế mạnh của Việt Nam. Cho nên tại một hội nghị về tam nông Thủ tướng sẽ chủ trì sắp tới đây sẽ nói về điều chỉnh đất đai, và biện pháp để rừng sản sinh ra các ích lợi cho những người sống dưới rừng, chế biến gỗ và trồng rừng để người dân sống được.
"Ai để người dân sống dưới rừng mà lại nghèo khổ? Có lẽ trồng rừng, chế biến gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ, xuất khẩu ra các thị trường, trong đó có thị trường Trung Quốc, là hướng mới mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm" - Thủ tướng gợi ý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các nhà đầu tư tại hội nghị. |
Để phát huy được các lợi thế của địa phương, Cao Bằng cần kiến tạo tốt môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của địa phương, theo đó, cần chú trọng phát triển cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Trong đó, đối với hạ tầng cứng, Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương cần tập trung đầu tư tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến cửa khẩu Trà Lĩnh xác định cơ cấu đầu tư phù hợp, thu xếp vốn kịp thời.
Về hạ tầng mềm, quan trọng nhất là nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó con người vẫn là trung tâm, chìa khóa phát triển. Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông hỗ trợ Cao Bằng xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin nhanh chóng và hiệu quả, coi đây là một bước đột phá trong phát triển của các địa phương đi sau. Theo đó, cần hỗ trợ Cao Bằng thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán mua bán qua điện thoại thông minh.
Thủ tướng thăm các gian hàng trưng bày các sản phẩm độc đáo của Cao Bằng. |
"Cao Bằng cần tăng khả năng và cơ hội tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, đảm bảo công bằng và minh bạch, tối đa hóa giá trị khai thác và lợi ích kinh tế cho địa phương" -Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng cũng yêu cầu Cao Bằng có biện pháp giảm chi phí kinh doanh, nhất là khi đi lại còn mất thời gian dễ làm nản lòng các nhà đầu tư; tham gia giải bài toán chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp thay vì coi đó là việc của doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng nhắn nhủ các nhà đầu tư, Cao Bằng là “cái nôi” của cách mạng nhưng còn rất khó khăn. Do đó, việc đầu tư tại Cao Bằng, ngoài việc đem lại lợi ích kinh tế, còn tạo ra được việc làm và thu nhập cho đồng bào vốn đang rất nghèo. Đó là lợi ích đặc biệt mà Thủ tướng muốn kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm.
“Bình minh của đất nước ta phải đến được mọi người dân. Một luồng sinh khí mới phải được thổi dậy để mọi người dân và doanh nghiệp cùng làm ăn. Chúng ta cùng quan tâm đến các vùng miền, nhưng cần quan tâm hơn đến vùng khó khăn, đó chính là một trong những định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng Nhà nước ta đang chỉ đạo”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Nêu rõ, Chính phủ và chính quyền địa phương rất trân trọng những nhà đầu tư đến với địa phương, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết đầu tư của mình và đóng góp xứng đáng cho kinh tế địa phương và chia sẻ có trách nhiệm với sinh kế người dân địa phương. Các doanh nghiệp cần cam kết không gây ô nhiễm môi trường, không phá vỡ các giá trị văn hóa truyền thống và lịch sử, không sử dụng lao động bất hợp pháp; không trốn thuế; cam kết đầu tư vì sự phát triển của Cao Bằng, trong đó có lợi ích lâu dài của chính doanh nghiệp./.
Thủ tướng chỉ đạo xây dựng cơ chế đặc thù phát triển du lịch Cao Bằng