Thủ tướng: Chậm nhất đến 30/9, Kiên Giang và Tiền Giang phải kiểm soát được dịch

VOV.VN - Hôm nay (13/9), Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì họp trực tuyến với các xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố, các tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Dự cuộc họp tại đầu cầu Chính phủ cùng với Thủ tướng Phạm Minh Chính có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các Bộ trưởng, trưởng ngành liên quan. Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 dự tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh. Dự họp tại đầu cầu các địa phương có Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp và các ngành, đơn vị liên quan.

Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của chủ trương lấy xã, phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch. Việc đưa y tế về cơ sở gần dân nhất đã góp phần quan trọng giảm tải tuyến trên, người nhiễm bệnh tiếp cận sớm nhất y tế và giảm tải tuyến trên, giảm các số ca tử vong.

Riêng hai tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang tình hình diễn biến vẫn còn phức tạp; nhiều đơn vị xã, phường, thị trấn "đang xanh, đang “cam” trở thành “đỏ”, là điều rất đáng lo ngại. Chúng ta đang thực hiện giãn cách xã hội, phòng, chống dịch, tình hình dần kiểm soát được, trong khi hai tỉnh, số “vùng đỏ”, “vùng cam” lại tăng. Do đó, Thủ tướng muốn nghe 2 địa phương này trình bày về công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch, trên cơ sở đó, phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó, điều chỉnh các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, các biện pháp chống dịch cho hiệu quả.

Tại cuộc họp, tỉnh Kiên Giang báo cáo tình hình dịch bệnh tại tỉnh diễn biến dịch rất phức tạp. Trên địa bàn, ghi nhận gia tăng các ca mắc mới cộng đồng, các ổ dịch sẽ tiếp tục xuất hiện và có nguy cơ lây lan, bùng phát cao. Trong 7 ngày qua, ghi nhận 1.217 ca, trong đó có 776 ca ghi nhận tại cộng đồng. So với tuần trước đó, số ca mắc tăng 559, số ca tại cộng đồng tăng 203 ca.

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện có 7 huyện có nguy cơ rất cao, 3 huyện có nguy cơ cao và 5 huyện đang ở trạng thái bình thường mới. Tại cấp xã, có 20/144 xã có nguy cơ rất cao, 32/144 xã có nguy cơ cao, 1/144 xã có nguy cơ và 91/144 xã ở trạng thái bình thường mới.

Theo báo cáo tại tỉnh Tiền Giang, trong đợt dịch thứ 4 đến nay, ghi nhận tích lũy 12.205 ca mắc, 299 ca tử vong. Trong 7 ngày qua, Tiền Giang ghi nhận 1.139 ca, trong đó có 138 ca ghi nhận tại cộng đồng.

Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng đánh giá, công tác xét nghiệm tỉnh Kiên Giang vẫn còn chậm hơn tốc độ lây lan và không đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Công tác kiểm soát phòng chống dịch, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức chống dịch ở một số nơi chưa tốt, chưa đạt yêu cầu đề ra; một số nơi còn chưa quản lý chặt chẽ người về vùng dịch. Lực lượng hỗ trợ tại chốt chặn, khu cách ly chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; còn tình trạng chủ quan, lơ là để lây nhiễm từ trong khu cách ly, điều trị ra ngoài cộng đồng.

Thủ tướng chỉ rõ, gần 2 tháng triển khai giãn cách xã hội rồi mà cả 2 tỉnh vẫn chưa triển khai được trạm y tế lưu động nào, đặc biệt là khi trao đổi với tại xã phường tại 2 tỉnh đã bộc lộ rõ những hạn chế. "13 xã nguy cơ cao đã triển khai được trạm y tế lưu động chưa? Xuống cấp xã chưa? - Dạ chưa ạ!" - Đây là nguyên nhân, bài học: Phải tiếp cận y tế sớm, phân loại sớm, thế nhưng lại không triển khai các trạm xá lưu động ở dưới cấp xã, phường này để cho người dân được tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở xã phường, thì trấn thì mới giảm tử vong, giảm ca chuyển nặng, giảm ách tắc tuyến trên. Nói rất hay cứ là 3 tuyến, 4 tuyến nhưng tổ chức thực hiện 3 tuyến 4 tuyến thế nào thì lại không có. Đây là điểm mấu chốt, xét nghiệm thì nói năm lần, năm bảy vòng nhưng mà 5 - 7 vòng trong vòng cả 2 tháng giãn cách thì có ý nghĩa gì? Đây là điểm yếu mà các đồng chí nhanh chóng phải khắc phục. Tôi hỏi như thế để thấy bộc lộ sự lúng túng của các đồng chí, và chính sự lúng túng này kiểm sát, mặc dù là cứ giãn cách, tăng cường giãn cách cứ kéo dài, kéo dài, còn biện pháp để làm cái này trong 2 tuần này để đạt được cái gì thì không nêu ra được. Biện pháp y tế là phải rõ, cái này rất nguy hiểm phải khắc phục ngay", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cuộc họp trực tuyến với hai tỉnh, trực tuyến đến tận xã, phường, thị trấn là để cơ sở được nghe thêm ý kiến của các chuyên gia, có thêm kiến thức, củng cố năng lực y tế, có kiến thức toàn diện về các biện pháp phòng, chống dịch. Hai tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang có cố gắng nhiều, thực hiện giãn cách xã hội 2 tháng nay. Tuy nhiên, mấy tuần qua, diễn biến chưa được như mong muốn. Dự báo tình hình thời gian tới sẽ phức tạp hơn.

"Vậy nguyên nhân là thế nào?", Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, có cả nguyên nhân về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, có nguyên nhân về tổ chức thực hiện. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải nắm chắc, quán triệt, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Nhưng các qua trao đổi ở cấp tỉnh, xã phường thì thấy các khâu này vẫn còn khoảng trống, biện pháp chưa nắm chắc, tổ chức thực hiện vẫn còn bị động, lúng túng; dự báo tình hình  chưa vững, chưa sát thực tế so diễn biến của dịch bệnh. Khâu tổ chức còn chưa khoa học, dẫn đến tình hình khó kiểm soát. Phải hết sức tránh tình trạng giãn cách rồi lại giãn cách.

Thủ tướng nêu rõ, các biện pháp, chủ trương chuyển hướng chiến lược lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ là hoàn toàn đúng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải nắm thật chắc các biện pháp phòng, chống dịch, từ đó quán triệt nghiêm túc, hiệu quả đến xuống tận quận, huyện, thị, xã phường. Người dân là chủ thể thì phải tham gia phòng, chống dịch. Phải tăng cường giám sát, kiểm tra, tỉnh kiểm tra huyện, huyện kiểm tra xã, phường. Xã phường có gì bất cập phải báo cáo cấp trên, huyện tổng hợp báo cáo cấp tỉnh, tỉnh báo cáo cấp T.Ư. Tăng cường tương tác qua lại giữa các cấp, kịp thời phát hiện yếu kém, bất cập. Người lãnh đạo phải nêu gương, nêu cao tinh thần trách nhiệm.

Thủ tướng yêu cầu, phải thống nhất các mẫu báo cáo; các chỉ đạo phải gọn, rõ, đơn giảm, dễ hiểu, dễ nghe, dễ làm, giám sát, kiểm tra, đánh giá. Bộ Y tế cần rà soát lại để ban hành cho gọn, đơn giản, sát tình hình, đối tượng, chủ thể trên cơ sở đó lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra. Thống nhất lại app để tạo thuận lợi cho dân. Các nền tảng, thông tin phải tích hợp lại thành một app. Trong tuần này, Bộ Thông tin và Truyền thông phải hoàn thành để người dân áp dụng thuận lợi.

Về tuyên truyền, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, người dân biết, người dân tin và người dân làm theo. Bên cạnh đó có hướng dẫn về biện pháp phòng, chống dịch, điều trị bệnh đơn giản, ngôn từ dễ hiểu, từ ngữ giản dị để người dân thấy được việc phòng ngừa dịch là rất quan trọng. Làm sao để người dân tránh bị lây nhiễm? Làm sao để tự mình không bị dịch bệnh? Khi có vaccine phải tiêm sớm, "vaccine  tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất". Thực hiện nghiêm Thông điệp 5K cùng với công nghệ, thuốc điều trị. Người dân được hướng dẫn để tự xét nghiệm, tự điều trị, kết hợp đông tây y, cổ truyền và hiện đại.

Thủ tướng đề nghị hai tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang tính toán mục tiêu, căn cứ tình hình cụ thể hai tỉnh phải đưa ra mục tiêu cụ thể, giãn cách bao lâu, địa phương nào, toàn tỉnh thế nào, các huyện thị đã kiểm soát rồi thì phải mở ra một cách an toàn, bảo vệ vùng xanh. Các tỉnh, huyện, xã căn cứ tiêu chí kiểm soát dịch, quy định của Bộ Y tế để tính toán, có giải pháp an toàn phát triển kinh tế-xã hội tại những nơi được xác định là an toàn. Những nơi cần tiếp tục giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội thì phải kéo dài bao lâu, phải xác định rõ mục tiêu để chúng ta quyết tâm thực hiện rõ ràng ,và phải phấn đấu theo mục tiêu đó, không thể chung chung được.

Thủ tướng đề nghị: "Cố gắng chậm nhất đến ngày 30/9 phải kiểm soát được tình hình, không để kéo dài; kiểm soát được càng sớm càng tốt. Hai tỉnh phải thống nhất, thảo luận, báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo nhưng phải mục tiêu về thời gian, các tiêu chí cần đạt được trong kiểm soát dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, giám sát. Quá trình tổ chức thực hiện thì vừa lãnh đạo chỉ đạo tập trung vừa phân công, phân cấp, phân quyền. Lãnh đạo, chỉ huy phải thống nhất, xuyên suốt xuống tận xã phường. Nếu thấy cần thiết phân cấp đến tận thông bản, tổ dân phố".

Thủ tướng yêu cầu phải nhanh chóng kiểm soát nguồn lây; xét nghiệm phải thần tốc, tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của virus. Việc điều trị phải phân cấp, phân tầng, những nơi giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội phải có trạm xá lưu động, làm cho người dân tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất từ cơ sở, những nơi chưa thực hiện giãn cách thì phải chuẩn bị địa điểm, khi cần có thể triển khai ngay.

Thủ tướng nhấn mạnh, tăng cường lực lượng y tế, nếu thiếu phải báo cáo. Trạm xá lưu động phải có bình oxy y tế. Mỗi địa phương phải có chiến lược xét nghiệm phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế; phải phân loại, tập trung điều trị các ca bệnh nặng, người bệnh nền, phụ nữ có thai, người cao tuổi. Phải tiếp cận sớm các ca F0 để điều trị hợp lý, kịp thời. Siết chặt kiểm soát nguồn lây từ bên ngoài. Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại 2 tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang để giúp đỡ địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn, tăng cường lực lượng y tế, kiểm soát. Đề nghị Tổ công tác đặc biệt trong phía Nam điều chỉnh để nâng cao năng lực y tế, tăng cường lực lượng để giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an sinh xã hội.

Về mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế, Thủ tướng nhấn mạnh: "Chống dịch hiệu quả thì phải gắn liền với chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; không để lợi dụng tình hình để trục lợi, nhất là mua sinh phẩm, trang thiết bị y tế lúc này. Các cơ quan chức năng phải vào cuộc thanh tra, kiểm tra, giải quyết ngay việc này, xử lý nghiêm minh theo pháp luật...".

Về vaccine, Chính phủ đang tích cực bằng mọi kênh, mọi biện pháp để có vaccine sớm nhất, nhiều nhất có thể. Trong điều kiện khan hiếm vaccine thì chúng ta phải tích cực, vừa mua, vừa nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, vừa chuyển giao công nghệ. Nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Bộ Y tế cân nhắc, ưu tiên phân bổ vaccine phù hợp, hiệu quả, tổ chức tiêm vaccine khoa học, kịp thời, an toàn, hiệu quả, đồng thời nỗ lực tìm nguồn vaccine tiêm cho trẻ em. Trong lúc này, khi vaccine chưa đủ để phủ hết tại các địa phương thì phòng dịch vẫn là cơ bản, lâu dài.

Người đứng đầu Chính phủ mong hai tỉnh, huyện thị, xã, phường, thị trấn đánh giá, rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để làm tốt hơn công tác phòng, chống dịch thời gian tới. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, các bộ, ngành, cơ quan giúp đỡ, hỗ trợ hai tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang hoàn thành các mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng: Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch
Thủ tướng: Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch

VOV.VN - Thủ tướng nhấn mạnh: "Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng cho chống dịch, nhất là sự mất mát về tinh thần và tính mạng của người dân".

Thủ tướng: Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch

Thủ tướng: Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch

VOV.VN - Thủ tướng nhấn mạnh: "Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng cho chống dịch, nhất là sự mất mát về tinh thần và tính mạng của người dân".

Thủ tướng: Tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây nhiễm
Thủ tướng: Tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây nhiễm

VOV.VN - Thủ tướng lưu ý tỉnh Kiên Giang phải tập trung xét nghiệm thần tốc, tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây nhiễm.

Thủ tướng: Tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây nhiễm

Thủ tướng: Tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây nhiễm

VOV.VN - Thủ tướng lưu ý tỉnh Kiên Giang phải tập trung xét nghiệm thần tốc, tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây nhiễm.

Thủ tướng phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”
Thủ tướng phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”

VOV.VN - Tối 12/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Thủ tướng phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Thủ tướng phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”

VOV.VN - Tối 12/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.