Thủ tướng: Chính phủ sẽ có thêm ngân sách để đặt hàng báo chí
VOV.VN - Chính phủ sẽ có thêm ngân sách để đặt hàng báo chí, tạo điều kiện để hình thành một số cơ quan báo chí có quy mô lớn làm đầu tàu.
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam.
Báo cáo tình hình hoạt động của Hội Nhà bảo Việt Nam thời gian qua, ông Thuận Hữu, Phó Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, hiện, Hội có trên 24.000 hội viên.
Hội và giới báo chí cả nước luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, không ngừng nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng.
Những năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam từ Trung ương tới địa phương đã không ngừng đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động, từng bước khẳng định vị thế, vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội, góp phần tích cực, hiệu quả vào công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước. Những kết quả hoạt động đó đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam |
Tại buổi làm việc, các cơ quan báo chí mong muốn Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy cơ chế đặt hàng các cơ quan báo chí, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để giảm nhân lực đối với các cơ quan này. Cùng với đó, cần tiếp tục có biện pháp ngăn chặn các thông tin xấu độc, thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, nhất là trên các mạng xã hội.
Các cơ quan báo chí của Đảng và Nhà nước cần làm tốt hơn nhiệm vụ định hướng thông tin, làm chủ diễn đàn thông tin, đấu tranh, phản bác các âm mưu thù địch, thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước và ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.
Để làm tròn chức năng, nhiệm vụ này, các cơ quan báo chí đề nghị Chính phủ đầu tư hơn nữa, trong đó cần có cơ chế thuế thuận lợi hơn cho các cơ quan báo chí trong việc thu hút nguồn thu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu để thay đổi giáo trình giảng dạy trong các đơn vị đào tạo báo chí, giúp các sinh viên được đào tạo cả kiến thức nền trong một số lĩnh vực cụ thể như kinh tế, chính trị... thay vì chỉ có kiến thức báo chí.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ quan báo chí cũng chịu sự cạnh tranh về nhân lực chất lượng cao, nhất là từ các công ty truyền thông.
Từ thực tiễn Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng hiện nay phải tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy để bộ máy cơ quan báo chí sắc bén hơn nhưng cũng cần thu hút được người có năng lực.
"Chúng tôi xác định phải giảm nhiều, nhưng bên cạnh đó phải biết chọn nhân tài ở các lĩnh vực cần thiết để đưa về cơ quan mình. Nếu không có nhân lực tốt thì không cạnh tranh được. Vì công nghệ số và mạng xã hội thu hút nguồn lực rất giỏi. Nếu ta không có cách đào tạo, tiếp nhận, đãi ngộ người tài trong các cơ quan báo chí cũng rất khó khăn” - ông Nguyễn Thế Kỷ nói.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị, các doanh nghiệp viễn thông giảm giá thuê đường truyền internet băng thông rộng cho các cơ quan báo chí trong phát triển báo điện tử.
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời thăm hỏi tới các nhà báo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí cả nước, những người làm công tác trên mặt trận thông tin, thực hiện nhiệm vụ quan trọng, chuyển tải thông tin về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân và phản ánh sinh động, chân thực đời sống xã hội.
Thủ tướng cũng gửi lời tri ân đến các nhà báo lão thành, cán bộ hưu trí làm báo đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp báo chí nói riêng, sự nghiệp cách mạng của đất nước nói chung.
Thủ tướng khẳng định, những thành tựu, thắng lợi trên mọi mặt của đất nước thời gian qua có sự đóng góp tích cực, quan trọng của báo chí, đi đầu trong công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Đội ngũ 18.000 nhà báo, 24.000 hội viên Hội Nhà báo có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp được giữ vững và nâng lên. Xu hướng tiếp cận công nghệ mới được nắm vững, trong đó có VTV, VTC; xuất hiện các tập đoàn đa phương tiện trong báo chí Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc |
Đánh giá về hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, Hội đã làm tốt công tác phát triển hội viên, tăng hơn 2.000 hội viên. Vai trò, vị trí, năng lực của hội nhà báo ngày càng được nâng cao. Hội tạo sự hấp dẫn, thu hút người làm báo tham gia sinh hoạt hội. Hội đã rất quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn cho hội viên.
Biểu dương, chúc mừng những nỗ lực của những người làm báo, của Hội Nhà báo Việt Nam thời gian qua, Thủ tướng cũng chia sẻ với những khó khăn mà các cơ quan báo chí gặp phải. Trong đó, việc thực hiện tự chủ đối với các cơ quan báo chí còn gặp khó khăn, nhất là việc sụt giảm mạnh tiền quảng cáo ngay cả đối với các cơ quan báo chí có uy tín. Nguyên nhân là sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội.
Cho rằng, không ít cơ quan báo chí chưa phát huy được lợi thế của báo chí trong việc định hướng, dẫn dắt thông tin, thậm chí còn bị mạng xã hội chi phối, chạy theo mạng xã hội, dẫn đến sai phạm đáng tiếc, Thủ tướng lưu ý: “Trong xã hội, trong nhân dân vẫn chưa phân biệt được mạng xã hội và báo chí, đều coi tin tức trên mạng xã hội cũng là tin tức, kể cả tin giả. Nhận thức như vậy rất nguy hiểm. Chúng ta chưa làm tốt việc phân biệt các lĩnh vực này cho nhân dân. Gần đây xu hướng tốt lên, đó là người dân quay về với thông tin chính thống nhiều hơn chứ không phải chờ ở mạng xã hội. Đó là nhờ vai trò của báo chí cách mạng trong việc đấu tranh phản bác lại tin giả”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, một số tờ báo chưa bám sát tôn chỉ, mục đích của báo chí, còn không ít tiêu cực trong hoạt động báo chí như thương mại hóa, đưa tin một chiều, giật gân, câu khách. Có những cơ quan báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật; có một số ít nhà báo lợi dụng danh nghĩa nhà báo tống tiền doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh giá trị ban đầu của báo chí cách mạng với hàm ý “muốn đi xa thì phải về gần”, tức báo chí muốn đi tiếp thì phải quay về 94 năm trước đây khi báo chí cách mạng ra đời để tìm lại giá trị cốt lõi. Đó là tính cách mạng và tính tiên phong.
Đặt vấn đề như vậy, Thủ tướng mong muốn báo chí đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới của đất nước, của Đảng; đi đầu trong việc bảo vệ nền tảng giá trị của chế độ ta. Cho rằng thông tin đi sau sẽ không còn giá trị, Thủ tướng cho rằng, cùng giá trị ban đầu thì các cơ quan báo chí phải tinh, nhạy, kịp thời, chính xác.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị báo chí cách mạng phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, đó là xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh, giữ gìn văn hóa dân tộc... Dòng chảy chính ấy đó là xã hội ta tốt đẹp, công cuộc đổi mới và phát triển đất nước làm đất nước thay đổi từng ngày, đời sống nhân dân được cải thiện. Đó là đất nước Việt Nam từ nghèo nán thiếu đói, chậm phát triển đã trở thành nước có thu nhập trung bình, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết, Nhà nước, Chính phủ sẽ tạo cơ chế mới cho báo chí phát triển. Theo đó, tự chủ báo chí phải được hiểu theo nghĩa là đơn vị nào tự chủ được sẽ tự chủ hơn, cơ quan nào Nhà nước cần đặt hàng thì Nhà nước phải quan tâm hơn, thay vì quay lại bao cấp. Chính phủ sẽ có thêm ngân sách để đặt hàng báo chí. Chính phủ sẽ tạo điều kiện để hình thành một số cơ quan báo chí có quy mô lớn làm đầu tàu cho báo chí Việt Nam.
Về nhiệm vụ trọng tâm 2019 và các năm tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu Hội và các tờ báo lớn là thực hiện quy hoạch báo chí và yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai quy hoạch này cơ bản xong trong năm nay./.