Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật

VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2022 để xem xét 4 dự án luật, 1 đề nghị xây dựng luật và 1 nghị quyết của Chính phủ.

Dự phiên họp sáng 26/7, tại trụ sở Chính phủ còn có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.  

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc hoàn thiện thể chế là 1 trong 3 đột phá chiến lược. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ rất quan tâm và tập trung cho công tác này. Cùng với tăng cường tần suất họp để xem xét các dự án luật, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thông qua rà soát thực tiễn, tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn về luật pháp, khoảng trống về pháp lý.

Thủ tướng yêu cầu rà soát từ thực tiễn để tích cực bổ sung, hoàn thiện, phục vụ quản lý, điều hành tốt hơn. Cùng với đó, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức nhiều cuộc họp của Thường trực Chính phủ xem xét các văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình ra Chính phủ. Quan tâm nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương tăng cường nguồn lực cho công tác này bởi vẫn còn nhiều nơi chưa thực sự quan tâm. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp có hướng dẫn tăng cường nguồn lực cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Bộ Tài chính cần quan tâm về việc này. Các cơ quan phải quan tâm đến nguồn nhân lực, sắp xếp, bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm về hoạt động thực tiễn, nghiên cứu làm công tác xây dựng pháp luật của các bộ, ngành.

Cùng với đó, tổ chức thực thi các văn bản pháp luật tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, nhất là trong quá trình tổ chức thực thi các văn bản quy phạm pháp luật để thấy vướng ở đâu, thuộc thẩm quyền của ai thì chúng ta kịp thời phát hiện, kịp thời xử lý, nhất là văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật các cấp với tinh thần quyết liệt.

Thủ tướng cho biết, phiên họp này tập trung xem xét 4 dự án luật, gồm Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử, là những luật rất cần trong điều kiện hiện nay để thực thi quản lý nhà nước chặt chẽ, hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho người dân thực thi pháp luật tốt hơn.

Chính phủ cũng xem xét đề nghị xây dựng Luật Dân số và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Thủ tướng cho biết, vừa qua các đoàn công tác Chính phủ đi thị sát thấy rõ nhiều vấn đề tồn đọng do các khoảng trống pháp lý, do thiếu các quy định pháp luật, hoặc các quy định không còn phù hợp. Có nhiều công trình, dự án kéo dài mấy chục năm. Có vấn đề đã được đề xuất từ những năm 2000, thậm chí trước đó.

Vì thế, Thủ tướng đề nghị phải rà soát, xem khoảng trống pháp lý ở đâu, việc giải quyết những vướng mắc đó thuộc thẩm quyền của ai? "Chúng ta có phát hiện vấn đề nhưng chưa tích cực giải pháp, dẫn đến xử lý kéo dài. Những dự án lớn, công trình lớn càng kéo dài càng dễ gây lãng phí. Quá trình thực thi nếu có vướng mắc phải kiến nghị tháo gỡ", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã tập trung xem xét thảo luận cho ý kiến 4 dự án luật, gồm Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử, đây là những luật rất cần trong điều kiện hiện nay để thực thi quản lý nhà nước chặt chẽ, hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho người dân thực thi pháp luật tốt hơn. Phiên họp này cũng xem xét đề nghị xây dựng Luật Dân số và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phiên họp này, Chính phủ đã tập trung xem xét, cho ý kiến đối với 6 nội dung lớn, quan trọng gồm 4 dự án Luật, 1 đề nghị xây dựng luật, 1 dự thảo Nghị quyết. Chúng ta đã cơ bản hoàn thành Chương trình đã đặt ra. Thủ tướng hoan nghênh các bộ, ngành đã có nỗ lực lớn quyết tâm cao, tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, địa phương; khẩn trương chuẩn bị, trình các dự án luật; nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; bảo đảm tiến độ, chất lượng. Các tờ trình ngày càng hoàn thiện hơn; các vấn đề khó, nhạy cảm, còn ý kiến khác nhau cũng được nêu để cho ý kiến chất lượng hơn.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo, thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan tích cực hơn, nâng cao vai trò của người đứng đầu, tập hợp trí tuệ chung của các bộ, ngành. Nhờ đó, khi trình Thường trực Chính phủ họp đã mất ít thời gian hơn, không phải kéo dài, thảo luận đi thẳng vào vấn đề, trọng tâm, trọng điểm. Các bộ, ngành cũng chủ động xin ý kiến các cơ quan liên quan, trao đi đổi lại thẳng thẳng; cầu thị, tiếp thu các ý kiến xác đáng.

Thủ tướng chỉ rõ, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 của Quốc hội còn nhiều việc phải làm và chuẩn bị. Chúng ta phải chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội, phải làm các nghị định; vừa phải xây dựng luật mới, vừa phải hoàn thiện các luật đã được ban hành; tiếp tục rà soát vướng mắc từ thực tiễn để sửa các quy định của pháp luật. Cái gì thuộc thẩm quyền của các bộ thì bộ phải chủ động.

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo rà soát các quy định của pháp luật, trên cơ sở đó, tập hợp, đề xuất sửa đổi. Các thông tư của bộ, đề nghị các Bộ trưởng tập trung chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, khẩn trương ban hành phù hợp tình hình. Khi ban hành nếu tình hình có những diễn biến mới thì phải kịp thời sửa đổi phù hợp tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Phối hợp với các cơ quan, Uỷ ban của Quốc hội để thẩm định, rà soát, tiếp thu đóng góp của các Uỷ ban của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; khắc phục tình trạng rút hoặc lùi các văn bản pháp luật. Tăng cường lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động, phân tích tác động, huy động trí tuệ tập thể, lấy ý kiến của nhân dân, các đối tượng có liên quan để có tính phản biện cao, theo đúng trình tự quy định của pháp luật.

Thủ tướng cho biết, sắp tới có dự án Luật Đất đai (sửa đổi), được đánh giá là “nặng” nhất, có nhiều vấn đề phải tranh luận. Do đó, phải đầu tư công sức, khẩn trương theo quy trình, quy định của pháp luật, lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan, nhất là các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan liên quan, nhà khoa học, chuyên gia, nhân dân theo đúng quy định, bởi luật này liên quan nhiều luật khác.

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ tiếp tục theo dõi sát tiến độ các văn bản, nếu có vấn đề gì phải báo cáo kịp thời các cấp có thẩm quyền. Các luật đã giao các đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực; các bộ, ngành chủ động báo cáo Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực của mình. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác này, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản pháp luật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Luật Đất đai là dự án khó nhất, quan trọng nhất và được trông đợi nhất”
“Luật Đất đai là dự án khó nhất, quan trọng nhất và được trông đợi nhất”

VOV.VN - Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, phải chuẩn bị từ sớm, huy động rộng rãi các thành phần tham gia, nhằm phát huy tối đa trí tuệ để xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội.

“Luật Đất đai là dự án khó nhất, quan trọng nhất và được trông đợi nhất”

“Luật Đất đai là dự án khó nhất, quan trọng nhất và được trông đợi nhất”

VOV.VN - Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, phải chuẩn bị từ sớm, huy động rộng rãi các thành phần tham gia, nhằm phát huy tối đa trí tuệ để xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội.

Sửa Luật Thanh tra: Tăng cường phân quyền, rành mạch trách nhiệm
Sửa Luật Thanh tra: Tăng cường phân quyền, rành mạch trách nhiệm

VOV.VN - Thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng luật quy định không chỉ khắc phục tình trạng chồng chéo về thẩm quyền hoạt động thanh tra giữa các cấp, mà cần có quy định tránh cho được tình trạng mời cơ quan này để né cơ quan kia.

Sửa Luật Thanh tra: Tăng cường phân quyền, rành mạch trách nhiệm

Sửa Luật Thanh tra: Tăng cường phân quyền, rành mạch trách nhiệm

VOV.VN - Thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng luật quy định không chỉ khắc phục tình trạng chồng chéo về thẩm quyền hoạt động thanh tra giữa các cấp, mà cần có quy định tránh cho được tình trạng mời cơ quan này để né cơ quan kia.

Công bố 5 luật mới được Quốc hội thông qua
Công bố 5 luật mới được Quốc hội thông qua

VOV.VN - Sáng nay 5/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 5 luật mới đư​ợc Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3.

Công bố 5 luật mới được Quốc hội thông qua

Công bố 5 luật mới được Quốc hội thông qua

VOV.VN - Sáng nay 5/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 5 luật mới đư​ợc Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3.