Thủ tướng đề nghị làm rõ, vì sao DNNN chưa thể hiện được vai trò nổi bật, dẫn dắt

VOV.VN - Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ Vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp Nhà nước về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong phát triển kinh tế xã hội" diễn ra sáng nay 24/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt yêu cầu thảo luận làm rõ vì sao các DNNN chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thu hút, thúc đẩy các thành phần khác phát triển. Tại sao vừa qua công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước không đạt được kế hoạch đề ra, nguyên nhân là gì?

Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, các Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh thành phố trong cả nước. 

Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, doanh nghiệp Nhà nước luôn đồng hành và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN với nền kinh tế nhiều thành phần, doanh nghiệp Nhà nước luôn giữ vững vai trò quan trọng, then chốt và là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa thể hiện tốt vị thế của mình, chưa phát huy được lợi thế về nắm giữ nguồn lực trong thực hiện sứ mệnh của mình. Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm 31/12/2020 nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,7% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh.

Để thúc đẩy doanh nghiệp Nhà nước phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mình, thực sự là “lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước”, rất cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực doanh nghiệp này, những tồn tại hạn chế trong chính doanh nghiệp để từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta dành một ngày bàn về phát triển và hoạt động như thế nào để DNNN hiệu quả hơn, xứng tầm những gì chúng ta đã có về cơ sở vật chất, vốn hoạt động. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đất nước đang thực hiện chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Chúng ta đang thực hiện hiệu quả phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, tạo nền tảng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của các địa phương, DNNN. Chúng ta xác định DNNN giữ vị trí then chốt, là lực lượng vật chất quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN cũng xác định “DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra “Đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế; bảo đảm doanh nghiệp Nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước”.

Với những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ta, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới, chuyển sang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng đã nỗ lực không ngừng, vượt qua bao khó khăn, thách thức, tiếp tục nỗ lực vươn lên góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, để “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã báo cáo tại Đại hội XIII của Đảng vừa qua.

Thủ tướng yêu cầu, các đại biểu làm rõ việc vì sao các DNNN chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thu hút, thúc đẩy các thành phần khác phát triển. Tại sao hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD) của nhiều DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ? Tại sao lại có tình trạng như vậy, nguyên nhân là gì, chủ quan, khách quan thế nào? Do cơ chế chính sách, do tổ chức thực hiện hay do con người? phải chăng là do các doanh nghiệp chưa chủ động đầu tư phát triển ngành nghề chính của mình, hay vì một nguyên nhân nào khác chúng ta mổ xẻ vấn đề thứ nhất, tại sao cái nguồn lực mình có, điều kiện mình có nhưng đóng góp nữa chưa tương xứng?

Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ ngành, địa phương, những vướng mắc cần phải tháo gỡ mô hình ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh và của doanh nghiệp Nhà nước. 

Bên cạnh đó, thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tại sao các doanh nghiệp Nhà nước  chưa chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo? Mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong DNNN như thế nào, nhất là ở những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhằm phát huy vai trò của tổ chức Đảng tại các doanh nghiệp này? 

“Tại sao công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước lại không đạt kế hoạch, vướng mắc là vấn đề gì nên thoái vốn những loại hình doanh nghiệp nào, xác định giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp  đã đầy đủ chưa chặt chẽ chưa? Vì sao thời gian qua làm chưa đạt được yêu cầu làm chưa được như mong muốn, để cho nhân dân rời xã hội còn có ý kiến về vấn đề này, tại sao công tác quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới chưa theo kịp với quy mô tài sản của doanh nghiệp quản lý, thu hút lao động, chất lượng cao còn hạn chế? thực tế cho thấy cùng một chủ trương, cơ chế chính sách nhưng có nơi thực hiện tốt có nơi chậm trễ có nơi làm không được có nơi còn đùn đẩy, vậy thì nguyên nhân nào?"- Thủ tướng đặt câu hỏi. 

Bên cạnh đó Thủ tướng lưu lý, trong bối cảnh quốc tế, trong nước với nhiều biến động khó lường, đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc một sớm, một chiều, tranh chấp thương mại giữa các nước lớn, xung đột địa chính trị, việc thực hiện các cam kết của các Hiệp định FTA thế hệ mới, sự phát triển nhanh của CMCN 4.0, những cam kết bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu … tác động nhiều mặt đến năng lực SXKD, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững, sống còn của cộng đồng DN nói chung và các DNNN nói riêng. Chúng ta cần bàn, đưa ra các kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương, từng tập đoàn, tổng công ty, DNNN để có nhận thức đúng đắn, giải pháp phù hợp và hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã nêu những ý kiến kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đề xuất Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, một số nhiệm vụ quan trọng mang tính chất dẫn dắt mở đường, mang tính chất quốc gia.

"Đó cũng là áp lực để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, đề xuất Chính phủ đẩy mạnh phân cấp tăng tính chủ động trong công tác đầu tư đối với doanh nghiệp Nhà nước, xem doanh nghiệp Nhà nước có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ trong cơ chế thị trường."- ông Tào Đức Thắng đề xuất. 

Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam  cũng đề nghị cần giao quyền nhiều hơn cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để tạo điền kiện cho doanh nghiệp Nhà nước phát triển: "Tôi cho rằng, việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giúp các tập đoàn, công ty Nhà nước rất tốt, nhưng cơ chế, chính sách cho UB Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hiện nay rất bất cập, các anh không tự chủ được nhiều vấn đề. Chính vì vậy khi các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước khi lập dự án đầu tư khi trình lên, các anh phải xin ý kiến rất nhiều bộ ngành, mất rất nhiều thời gian, các anh nên cho Ủy ban quản lý vốn có nhiều quyền hơn để các anh Ban Quản lý vốn có quyền quyết định trong vấn đề để cho doanh nghiệp phát triển."

Phải thay đổi tầm nhìn, tư duy và cách tiếp cận

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu những ý kiến đóng góp, kiến nghị thuộc lĩnh vực của Bộ ngành nào thì Bộ trưởng, trưởng ngành đó phải trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu, xử lý, giải quyết ngay theo thẩm quyền.

Thủ tướng nêu rõ, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của DNNN là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, gồm con người, tài sản, tài chính, vốn liếng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, là sứ mệnh của DNNN được Đảng ta xác định trong Nghị quyết của Trung ương. Vấn đề làm thế nào để DN thực hiện được sứ mệnh này?

“Chúng ta phải suy nghĩ cả hai, ba khía cạnh. Thứ nhất, Nhà nước phải tạo ra một môi trường, hệ sinh thái phát triển DN đúng, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN, phù hợp hoàn cảnh, điều kiện đất nước qua các thời kỳ. Hệ sinh thái phát triển này phải đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phải đặt sự vận động con người trong sự vận động phát triển. Tư duy này phải rất linh hoạt, hiện ta đang cứng nhắc, từ chỗ ta quản lý lỏng lẻo, ta siết lại, không cho phát triển. Tư duy quản lý chặt chẽ với hài hoà phát triển, không nên định kiến những gì chưa được, không thoả mãn những gì đạt được” – Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải thay đổi tầm nhìn, tư duy và cách tiếp cận. Nhà nước phải tạo hệ sinh thái bằng cơ chế, luật pháp, quan tâm, chia sẻ, nhất quán; DN phải tích cực, chủ động tham gia phát triển đất nước,

Nhà nước phải tạo không gian, hệ sinh thái, môi trường phù hợp để khuyến khích tạo động lực cho DN, DN chủ động hoà quyện với Nhà nước, nhân rộng, thúc đẩy hệ sinh thái tốt hơn.

Đánh giá về DNNN sau hơn 35 năm đổi mới, Thủ tướng nên rõ, DN đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mặc dù có lúc thăng trầm và đột phá, góp phần vào thành quả to lớn và có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta.

Năm 2021 với nhiều khó khăn, DNNN có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước, DNNN còn thực hiện sứ mệnh đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, liên quan an ninh quốc phòng; vấn đề sử dụng lao động cũng chiếm tỷ trọng lớn, tạo nhiều việc làm, thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước giao; khi cần, huy động rất nhanh, làm công tác an sinh xã hội, nhân đạo... thì đều đóng góp tích cực.

Thủ tướng chỉ rõ, thể chế, cơ chế, chính sách còn vướng mắc, cần được tháo gỡ; nỗ lực thúc đẩy, củng cố vai trò, vị trí, tầm quan trọng của DNNN của các cơ quan quản lý nhà nước chưa cao, chưa toàn diện, chưa đồng bộ, chưa liên thông. Vấn đề quản lý nhà nước quản lý cán bộ, chính sách, vấn đề liên quan điều kiện tạo thuận lợi cho DN, môi trường pháp lý, hệ sinh thái... còn nhiều vấn đề phải giải quyết, nhiều vấn đề bất cập, chưa phù hợp kinh tế thị trường.

Thời gian tới, Trung ương xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, do đó cần quán triệt tinh thần này để đoàn kết, thống nhất vượt qua, có thách thức toàn cầu thì phải có cách tiếp cân toàn cầu, vấn đề mang tính toàn dân thì cần có cách tiếp cận toàn dân. DNNN phải đóng vai trò chủ đạo trong vấn đề này và cùng nhau đoàn kết, chia sẻ.

Thủ tướng nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo lớn, kể cả trong Cương lĩnh, Hiến pháp, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương là DNNN góp phần đắc lực, hiệu quả xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tiếp tục tháo gỡ dựa trên mối quan hệ giữa DN và Nhà nước. Góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Coi trọng nguồn lực bên trong lẫn nguồn lực bên ngoài. Độc lập tự chủ là phải ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, các DN phải có trách nhiệm bảo đảm; phải cân đối lợi ích giữa nhân dân và DN, trước mắt và lâu dài; phải nhạy bén, linh hoạt, thích ứng mọi điều kiện.

DNNN phải có trách nhiệm trong vấn đề các cân đối lớn như năng lượng, lương thực, thực phẩm, phải vừa giải bài toán trước mắt, vừa lâu dài.

DNNN phải đóng vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, vai trò dẫn dắt, góp phần xây dựng nền văn hoá đạm đà bản sắc dân tộc, văn hoá DN, văn hoá ở đây là đạo đức trong kinh doanh, không thể chỉ nhìn thấy mặt lợi; xây dựng văn hoá tương trợ, hỗ trợ lẫn nhau, kinh doanh thì có cạnh tranh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức; những gì, những nơi khó khăn thì DNNN phải làm, không trông chờ vào ai được.

Về mục tiêu, những năm tới, phải kế thừa và phát huy những hiệu quả đã làm được những năm qua, phải tạo ra bước phát triển tích cực, nhanh và bền vững, một số DN phải tạo ra phát triển đột phá, tập đoàn lớn phải là "quả đấm thép", phải đi vào khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, tăng năng suất lao động, tạo cạnh tranh tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước và phải có mục tiêu; nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động năm sau cao hơn năm trước. Đạo đức kinh doanh chính là văn hoá DN.

Về nhiệm vụ giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh chung tay xây dựng hệ sinh thái phát triển DN. Các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, các DN, từng cá nhân với cương vị, vai trò, trách nhiệm xây dựng môi trường phát triển DN lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, trách nhiệm, nghĩa tình, nhân văn, hiệu quả và không tham nhũng; phù hợp nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nền văn hoá của chúng ta. Nhiệm vụ này cả Chính phủ, các DN, các bộ, ngành, từng cá nhân phải chung tay mới làm được.

Nâng cao hơn nữa nhận thức vai trò, tầm quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, kinh tế nhà nước là chủ đạo, từ nhận thức mới có khát vọng và quyết tâm cao hơn.

“DNNN phải góp phần đắc lực, hiệu quả và xây dựng thể chế kinh tế thị trường XHCN, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Độc lập không có nghĩa là cô lập mình, độc lập không có nghĩa là mình tự cung tự cấp. Chúng ta dựa vào nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản và lâu dài, là quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Nguồn lực bên trong quý giá nhất là con người, là thiên nhiên, là truyền thống văn hóa lịch sử. Nguồn lực bên ngoài là vốn, luật, thể chế góp phần đào tạo nguồn nhân lực, quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp. Chúng ta phải học tập, phải hội nhập mới làm được. Độc lập, tự chủ là phải ổn định kinh tế vĩ mô, phải đảm bảo các cân đối lớn” – Thủ tướng phân tích.

Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu phân cấp, phân quyền thì phải phân bổ nguồn lực, có công cụ để kiểm soát. Phân cấp, phân quyền mà không có nguồn lực thì không ai làm được. Phải tăng cường kiểm tra, giám sát; phải để cho phát triển có định hướng, có kiểm soát, tạo không gian đổi mới sáng tạo, phát triển.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, phối hợp chặt chẽ với DN để thực hiện nhiệm vụ này. Giao việc thì phải giao nguồn lực, huy động nguồn lực của DN vào phát triển kinh tế. Nguồn lực thì có hơn 4 triệu tỷ đồng tổng tài sản của DNNN. Tới đây khi phục hồi kinh tế thì phải huy động nguồn lực này. Thủ tướng lưu ý cần mạnh dạn đầu tư thêm các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm.

Giao đầu tư các hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu. Phải thay đổi tư duy đầu tư, Chính phủ, các bộ, ngành cùng phối hợp nghiên cứu.

DN cũng phải đề xuất phải làm những công trình trọng điểm có tính lịch sử. Hiện nay, một số tập đoàn đủ năng lực để làm những công trình này.

Bên cạnh đó Thủ tướng cũng yêu cầu, tập trung đến vấn đề cán bộ, nguồn nhân lực, công tác Đảng, xây dựng bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách bộ máy hành chính. Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp suy nghĩ công tác Đảng, công tác cán bộ trong DN; đánh giá DN phải đánh giá tổng thể; khuyến khích DN đổi mới sáng tạo. Không nên chuyển từ thái cực này sang thái cực kia. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Vấn đề đã có các cơ chế thì phải thực hiện đúng. Nắm chắc các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, nhất là tập trung dân chủ.

Xây dựng thương hiệu và công tác truyền thông. DN mà không có thương hiệu thì hiệu quả thấp; phải có đánh giá về thương hiệu. Làm tốt công tác truyền thông. Tập trung giải quyết các công việc tồn động kéo dài nhiều năm.

Về kiến nghị, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ tập hợp, đưa vào Nghị quyết. Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Thủ tướng mong các DN có thêm động lực, cảm hứng, năng lượng để phát triển tốt hơn. Chúng ta cùng nhau chung tay giải quyết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Giải quyết dứt điểm tỉnh trạng đầu tư dàn trải
Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Giải quyết dứt điểm tỉnh trạng đầu tư dàn trải

VOV.VN - Ngày 17/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”.

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Giải quyết dứt điểm tỉnh trạng đầu tư dàn trải

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Giải quyết dứt điểm tỉnh trạng đầu tư dàn trải

VOV.VN - Ngày 17/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”.

Tự xác định ghi xuất xứ hàng hóa: Thuận lợi cho nhà nước và doanh nghiệp
Tự xác định ghi xuất xứ hàng hóa: Thuận lợi cho nhà nước và doanh nghiệp

VOV.VN - Quy định mới về nhãn hàng hóa giúp tạo thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho DN, đồng thời tránh được việc trục lợi và trốn thuế trong sản xuất, chế biến cũng như xuất khẩu.

Tự xác định ghi xuất xứ hàng hóa: Thuận lợi cho nhà nước và doanh nghiệp

Tự xác định ghi xuất xứ hàng hóa: Thuận lợi cho nhà nước và doanh nghiệp

VOV.VN - Quy định mới về nhãn hàng hóa giúp tạo thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho DN, đồng thời tránh được việc trục lợi và trốn thuế trong sản xuất, chế biến cũng như xuất khẩu.

Tăng hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Tăng hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

VOV.VN - Những vướng mắc về cơ chế trong hoạt động đầu tư đang được kiến nghị điều chỉnh, thực sự tạo chủ động cho SCIC thực hiện nhiệm vụ.

Tăng hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Tăng hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

VOV.VN - Những vướng mắc về cơ chế trong hoạt động đầu tư đang được kiến nghị điều chỉnh, thực sự tạo chủ động cho SCIC thực hiện nhiệm vụ.