Thủ tướng đề xuất ba nhóm giải pháp giải quyết thách thức của Châu Á
VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là khách mời danh dự và có bài phát biểu chính khai mạc Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23.
Sáng 5/6, theo giờ địa phương, tại Tokyo, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị tương lai Châu Á lần thứ 23.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là khách mời danh dự của Hội nghị năm nay và đã có bài phát biểu chính khai mạc Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị |
Với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của Châu Á”, Hội nghị đã tập trung thảo luận về các xu thế, yếu tố ảnh hưởng lớn tới tương lai của Châu Á như làn sóng chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tuý, quan hệ giữa các nước lớn và thay đổi trật tự thế giới, sự phát triển của ASEAN, Trung Quốc và khu vực Nam Á, tình hình an ninh của Châu Á. Các đại biểu cũng trao đổi về các biện pháp mà các nước Châu Á cần thực hiện trong bối cảnh mới để duy trì hoà bình, ổn định và bảo đảm phát triển bền vững tại mỗi quốc gia và cả châu lục.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh toàn cầu hóa là nhu cầu tất yếu của thế giới. Châu Á hiện đang là động lực tăng trưởng chủ chốt trong quá trình toàn cầu hóa khi năm 2016 đã vươn lên đứng đầu các châu lục về GDP. Sự vươn lên của Châu Á chính là sự vươn lên của tập hợp các quốc gia luôn hướng tới hội nhập quốc tế sâu sắc và mạnh mẽ.
“Với trên 150 hiệp định thương mại tự do và khu vực chiếm 58% tổng số hiệp định của thế giới, Châu Á đi đầu về hợp tác hội nhập quốc tế. Tuyến đường biển quốc tế lưu chuyển hàng hóa trị giá 5.000 tỉ USD hàng năm kết nối Châu Á với Châu Âu và toàn thế giới. Nhiều nước Châu Á giờ đây là trung tâm của phát kiến quan trọng với số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế ấn phẩm nghiên cứu và các nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và phát triển đã tăng lên nhanh chóng. Các xu hướng công nghệ từ rô bốt đến năng lượng tái tạo đang lan tỏa vô cùng mạnh mẽ ở Châu Á”, Thủ tướng nêu rõ.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, quá trình toàn cầu hóa cũng đặt ra cho Châu Á nhiều thách thức. Trong đó có các tranh chấp lãnh thổ cùng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tình trạng bất bình đẳng về kinh tế có xu hướng gia tăng; sự phát triển kinh tế và công nghệ quá nhanh trong khi năng lực quản trị ở cả cấp độ toàn cầu và từng quốc gia chưa kịp thích ứng. Châu Á còn đang đứng trước thách thức trước xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng tại các quốc gia.
“Nhóm biện pháp này bao gồm các nỗ lực nhằm trước hết tạo dựng quan hệ gắn kết lành mạnh, tăng cường lòng tin, sự thực tâm của các quốc gia về an ninh, chính trị và phát triển kinh tế, thông qua các hiệp định kinh tế song phương, đa phương, các liên kết chiến lược khu vực và liên lục địa. Hai là tập trung giải quyết các khác biệt nội tại khu vực và hành xử có trách nhiệm của các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế. ba là thúc đẩy hợp tác tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các thách thức an ninh truyền thống với phi truyền thống đang ngày càng gia tăng như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước, thiên tai, khủng hoảng di cư…”, Thủ tướng phân tích thêm.
Nhóm biện pháp khác Thủ tướng nêu ra, đó là giải quyết bài toán về mô hình phát triển thúc đẩy mô hình tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm; tạo sự gắn kết lành mạnh giữa các nền kinh tế, thúc đây kết nối nhiều mặt và đa tầng nấc giữa các quốc gia.
Nhóm biện pháp nữa là tối ưu hoá nguồn lực, phối hợp và phát huy vai trò tích cực của các định chế quốc tế. Thủ tướng khẳng định tầm nhìn sẽ quyết định phương thưc tư duy, cách thức hành động và hợp tác giữa các quốc gia sẽ giúp xây dựng một Châu Á hoà bình và thịnh vượng nơi mà ước mơ của mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ, dù phát triển hay hay chưa có điều kiện phát triển đều sẽ được lắng nghe.
Ngay sau bài phát biểu, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc đã trực tiếp đối thoại về một số vấn đề trong chủ đề của hội nghị, trong đó có vấn đề về vai trò của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); thách thức ô nhiễm môi trường đối với Việt Nam; vấn đề đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam; thông tin về kết quả chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ mới đây của Thủ tướng.
Về vấn đề nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của xe hai bánh và xe bốn bánh ở Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Việt Nam là nước chịu tác động lớn về biến đổi khí hậu nên Việt Nam tích cực thực hiện có trách nhiệm về COP 21 và Việt Nam tham gia, gồm cả vấn đề ô nhiễm do xe 4 bánh và hai bánh gây ra.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng tôi đã có chiến lược phát triển bền vững, trong đó chiến lược bảo vệ môi trường đặt ra hàng đầu ở Việt Nam. Việt Nam đã có chương trình hành đồng giảm khói bụi từ ô tô và mô tô và để gia nhập một số hiệp định khu vực về vấn đề này. Chính vì vậy các thiết bị ô tô, mô tô vào Việt Nam đều phải đạt tiêu chuẩn Việt Nam quy định theo thông lệ và tiêu chuẩn trong khu vực. Việt Nam cũng tăng cường phương tiện công cộng cho người dân, hạn chế phương tiện cá nhân; trang bị kiến thức cần thiết cho người dân và các tổ chức, các nhà đầu tư về bảo vệ môi trường”.
Đối với câu hỏi về kết quả hội đàm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng mới đây, Thủ tướng cho biết, đây là chuyến thăm rất thành công trên mọi phương diện. Trong chuyến thăm vừa rồi, không chỉ Tổng thống, Phó Tổng thống mà các Bộ trưởng quan trọng của Hoa Kỳ đều hội đàm với đoàn cấp cao của Chính phủ Việt Nam. Trong đó có vấn đề thương mại để hai bên cùng có lợi và đều có sự thống nhất cao. Việt Nam và Hoa Kỳ không có xung đột về thương mại dù Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa hai bên lên tới 12 tỷ USD./.
Thủ tướng kêu gọi nhà đầu tư Nhật Bản nhanh chóng đến Việt Nam