Thủ tướng: Dồn quá nhiều nhà cao tầng vào khu trung tâm làm tắc nghẽn giao thông

VOV.VN - Đây là ý kiến của Thủ tướng tại hội nghị tổng kết công tác 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác 5 năm 2021-2025 của Bộ Xây dựng vào chiều 26/12.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác 5 năm 2021-2025 và năm 2021 của Bộ Xây dựng vào chiều 26/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, ngành xây dựng cần hoàn thiện thể chế để phát triển đột phá, từ phát triển đô thị đến xuất khẩu xây dựng.

Thủ tướng đánh giá, ngành xây dựng đã cơ bản hoàn thành 5 nhóm chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm 2016-2020, mức tăng trưởng của ngành luôn được duy trì ở mức cao, đạt khoảng 8,7%/năm. Ngành đã phát triển mạnh từ thiết kế đến thi công, xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng phát triển theo tốc độ nhanh theo hướng hiện đại đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thủ tướng dẫn đánh giá năm 2020 của GlobalData, công ty phân tích dữ liệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh, bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có ngành xây dựng phát triển mạnh nhất khu vực châu Á.

Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt khoảng 40% vào cuối năm 2020. Khu vực đô thị đã đóng góp 70% GDP. Việc ngành xây dựng hoàn thành các chỉ tiêu đã đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng chung của kinh tế cả nước, góp phần nâng cao mức sống, điều kiện sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính đạt kết quả nổi bật với 107 văn bản quy phạm pháp luật. Mở rộng phân cấp cho các địa phương, không còn tình trạng xếp hàng chờ duyệt thủ tục quy hoạch xây dựng nhà cao tầng và thẩm định thiết kế có liên quan.

Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của Bộ Xây dựng, đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện có kết quả 2 Đề án lớn: Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng và Đề án hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng, qua đó, tạo ra sự đột phá trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư và góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư xây dựng.

Thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, trong nhiệm kỳ qua, không còn các biểu hiện cực đoan như phát triển nóng “bong bóng” hoặc hoặc trầm lắng, suy thoái. Lĩnh vực bất động sản đã thu hút khoảng 4,5 triệu tỷ đồng vốn trong nước, trong 5 năm thu hút 17,5 tỷ USD vốn FDI, đóng góp 0,4 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP, chiếm khoảng 11% trong tổng thu ngân sách.

Công nghiệp vật liệu xây dựng phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu trong nước và mở rộng thị trường, sản phẩm xuất khẩu. Sản xuất xi măng đứng đầu ASEAN và tốp 10 Thế giới về sản lượng. Một số sản phẩm vật liệu xây dựng cao cấp có khả năng cạnh tranh và đã xuất khẩu ở trị trường ngoài nước.  

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, phân khúc nhà ở cho người lao động, công nhân là vấn đề cần quan tâm hơn. Chất lượng một số đồ án quy hoạch còn thấp, tầm nhìn, công tác dự báo chưa hợp lý.  Ở một số địa phương, việc điều chỉnh quy hoạch đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ, dồn quá nhiều nhà cao tầng vào khu trung tâm, làm tắc nghẽn giao thông.

Hệ thống đô thị cả nước phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng còn thấp, chủ yếu là các đô thị loại nhỏ. Liên kết giữa các đô thị còn rời rạc, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển tổng thể của vùng và các hành lang kinh tế.

Thủ tướng lưu ý việc quản lý vật liệu xây dựng khi xây dựng các công trình trong nội đô, ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình xây dựng, sửa chữa nhà ở. Tất các địa phương phải có quy chế, quy định về việc sửa chữa xây dựng nhà ở trong đô thị để bảo đảm môi trường.

Nhắc đến nội dung dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII, phần nói về ngành xây dựng, Thủ tướng cho biết, phương hướng của ngành xây dựng giai đoạn 2021-2025 là bảo đảm đủ sức thiết kế, thi công các công trình xây dựng hiện đại, phức tạp trong các lĩnh vực với mọi quy mô và có khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường hoạt động ra nước ngoài.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, coi đây là công tác then chốt, xuyên suốt, đột phá. Cùng với đó là lưu ý về cơ chế quản lý nước sạch khi hiện nay nước sạch nông thôn và nước sạch đô thị được giao cho 2 Bộ quản lý (Bộ NNPTNT và Bộ Xây dựng).  

Với thực tế nước ta là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, Thủ tướng đặt vấn đề, hướng đi nào để bảo đảm an toàn về nhà ở cho người dân và giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời câu hỏi này. Cần tổng kết, đúc rút kinh nghiệm về triển khai xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam để chống lãng phí.

Nhấn mạnh chủ trương thay thế cát xây dựng, sử dụng tro xỉ các nhà máy, Thủ tướng cho rằng, nếu không có vật liệu xây dựng thay thế thì tình hình sạt lở lòng sông, thiếu cát nghiêm trọng. Cần phát triển vật liệu xây dựng, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường, có sản phẩm đa dạng, có chất lượng. Hạn chế tối đa việc xuất khẩu vật liệu xây dựng, sử dụng tài nguyên không có khả năng tái tạo như xi măng.

Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng, phát triển nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, có bản sắc văn hóa và kiến trúc dân tộc. Triển khai thi hành Luật Kiến trúc, coi trọng kiến trúc đô thị, kiên trúc nông thôn. Xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có tài năng, bản lĩnh và các công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị cao. Xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030. Chống tham nhũng và tiêu cực trong ngành xây dựng cần tiếp tục đẩy mạnh, nhất là các chủ đầu tư, các nhà thầu.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, bên cạnh nhiều nhóm mục tiêu đạt được sau 5 năm, thì diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đến hết năm nay mới đạt 24 m2 sàn/người, không đạt mục tiêu của kế hoạch đề ra là 25m2 sàn/người. Trong đó về phát triển nhà ở xã hội đạt 5,21 triệu m2, chỉ bằng khoảng 42% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020.

Đến thời điểm này, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 90%. Tính đến năm 2018, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh ở thành thị là 99,5%, nông thôn là 90,8%, đạt mục tiêu đề ra. 

Quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn đều đạt 100%; Quy hoạch phân khu đạt 78% và quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại đô thị, ước đến năm 2020 đạt khoảng 91%./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng: Năm 2021 còn khó khăn, ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp và người dân
Thủ tướng: Năm 2021 còn khó khăn, ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp và người dân

VOV.VN - Theo Thủ tướng, ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp và người dân, chưa đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu

Thủ tướng: Năm 2021 còn khó khăn, ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp và người dân

Thủ tướng: Năm 2021 còn khó khăn, ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp và người dân

VOV.VN - Theo Thủ tướng, ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp và người dân, chưa đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự tổng kết ngành Ngân hàng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự tổng kết ngành Ngân hàng

VOV.VN -Sáng 26/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Tổng kết Ngân hàng Nhà nước năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự tổng kết ngành Ngân hàng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự tổng kết ngành Ngân hàng

VOV.VN -Sáng 26/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Tổng kết Ngân hàng Nhà nước năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Thủ tướng: Văn phòng Chính phủ phải là cơ quan hành chính kiểu mẫu
Thủ tướng: Văn phòng Chính phủ phải là cơ quan hành chính kiểu mẫu

VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Văn phòng Chính phủ trở thành cơ quan hành chính nhà nước kiểu mẫu, kỷ cương, trách nhiệm, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, đóng góp vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng: Văn phòng Chính phủ phải là cơ quan hành chính kiểu mẫu

Thủ tướng: Văn phòng Chính phủ phải là cơ quan hành chính kiểu mẫu

VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Văn phòng Chính phủ trở thành cơ quan hành chính nhà nước kiểu mẫu, kỷ cương, trách nhiệm, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, đóng góp vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.