Thủ tướng dự Cấp cao ASEAN 34: Kỳ vọng giải quyết những thách thức lớn
VOV.VN - Hội nghị Cấp cao ASEAN 34 được kỳ vọng sẽ giải quyết được những vấn đề nóng và những thách thức trong khu vực và trên toàn thế giới.
ASEAN chủ động giải quyết những thách thức lớn
Hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường đến Bangkok để cùng với các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 34 của tổ chức này.
Mục tiêu của ASEAN lần thứ 34 là "Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì sự bền vững". |
Một trong những nội dung chính được đề cập tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 34 diễn ra trong 2 ngày 22-23/6 tại Bangkok, Thái Lan chính là tình hình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như mối quan hệ ASEAN và các đối tác trong bối cảnh ASEAN đang bước vào giai đoạn giữa kỳ triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với mục tiêu đưa cộng đồng này từng bước trở thành một trong những trụ cột của hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Đây là một trong những mục tiêu mang tính nền tảng trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có những diễn biến hết sức phức tạp và khó lường trên các mặt chính trị, kinh tế và xã hội. Chiến tranh Thương mại Mỹ-Trung, cuộc khủng hoảng nợ công tại một loạt quốc gia châu Âu như Hy Lạp, Iceland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Síp cùng những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, biển Hoa Đông và trên bán đảo Triều Tiên đã có những tác động tiêu cực nhất định đến việc hoàn tất các mục tiêu mà ASEAN đã đặt ra.
Trước những thách thức đó, ASEAN chủ trương xây dựng quan điểm chủ động về hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như tích cực đóng vai trò trung tâm trong việc định hình cấu trúc trong khu vực. Các quốc gia thành viên cũng hướng tới việc thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác, tinh thần đoàn kết nội khối, tạo dựng môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững của từng thành viên và của cả khu vực.
Dự kiến Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 sẽ xem xét và thông qua một số văn kiện quan trọng làm cơ sở cho hợp tác ASEAN trong thời gian tới như Tuyên bố tầm nhìn Lãnh đạo ASEAN về Quan hệ đối tác vì sự bền vững, Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Tuyên bố Cấp cao về năm Văn hóa ASEAN 2019 và Tuyên bố Bangkok về Chống rác thải nhựa trên biển.
Trong đó, Tuyên bố Bangkok về Chống rác thải nhựa trên biển là một trong những văn kiện hết sức được chờ đợi và được nước chủ nhà Thái Lan tích cực thúc đẩy nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng rác thải nhựa trong khu vực cũng như thể hiện cam kết chung của ASEAN về chống biến đổi khí hậu- vấn đề nóng trên toàn cầu trong thời gian qua sau khi Mỹ- một trong những nước phát thải khí nhà kính lớn nhất trên thế giới- tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu gây ra khó khăn rất lớn trong việc đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính để kiểm soát một cách chủ động hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Văn kiện trên được đưa ra trong bối cảnh, 3 nước thành viên ASEAN là Philippines, Malaysia và Indonesia đã lên tiếng về tình trạng nhập rác thải độc hại bất hợp pháp từ các nước phát triển và có những hành động quyết liệt nhằm đối phó với vấn nạn này. Ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN 34, Tổ chức Hòa bình xanh Đông Nam Á cũng đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khu vực cần đưa ra một tuyên bố chung trong đó bao gồm một lệnh cấm tức thời mọi hoạt động nhập khẩu rác thải nhựa.
Vai trò quan trọng và tích cực của Việt Nam
Là một thành viên của ASEAN, trong gần 25 năm qua, Việt Nam luôn đóng vai trò chủ động và tích cực vào sự phát triển chung của cộng đồng. Trong những tháng gần đây, Việt Nam đã cùng với các nước triển khai các thỏa thuận và kế hoạch hợp tác quan trọng của ASEAN như việc triển khai Mạng lưới các Thành phố Thông minh ASEAN, các sáng kiến được đề ra tại Hội nghị WEF-ASEAN 2018 nhằm giúp các quốc gia và doanh nghiệp nâng cao năng lực thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Nước chủ nhà Thái Lan đã mở Trung tâm Báo chí cho phóng viên tác nghiệp ASEAN lần thứ 34 vào ngày 20/6. Ảnh: Bangkok Post |
Việt Nam cũng ủng hộ và hợp tác chặt chẽ với Thái Lan và các nước thành viên nhằm đạt được các ưu tiên đề ra cho năm 2019, trong đó có việc đẩy mạnh liên kết nội khối, hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA), xây dựng lộ trình cho cắt hàng rào giảm phi thuế quan, và thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong những thành viên có đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và thông qua Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là tài liệu chính thức thể hiện lập trường chung của ASEAN về những vấn đề then chốt trong khu vực. Việt Nam cũng tham gia tích cực cùng ASEAN đàm phán với Trung Quốc nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy việc hoàn tất và ký kết Hiệp định Hợp tác Kỹ thuật ASEAN-Nhật Bản vào tháng 5/2019 cũng như triển khai các hoạt động kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản. Vai trò điều phối hợp tác kinh tế ASEAN-Liên minh châu Âu (EU) của Việt Nam cũng được cả EU và ASEAN đánh giá rất cao nhờ những kết quả tích cực về kinh tế và thương mại đạt được giữa 2 bên.
Với những nỗ lực và đóng góp tích cực đã nêu trên, sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần thắt chặt và củng cố hơn nữa tinh thần đoàn kết ASEAN, phát huy vài trò trung tâm của Hiệp hội cũng như thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với các đối tác của ASEAN.
Điều này không chỉ giúp tạo dựng nền tảng cho sự phát triển toàn diện và bền vững cả về chính trị, kinh tế và xã hội của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN mà còn góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam với tư cách là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong việc giải quyết những vấn đề còn nhiều thách thức trong khu vực./.