Thủ tướng dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội

VOV.VN - Nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024, sáng 22/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới chúc mừng Lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và dự Đại lễ Phật đản với chức sắc, tăng ni, phật tử tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Cùng dự Đại lễ Phật đản có: Đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Thành phố Hà Nội; Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thanh Dục, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; các chư tôn, giáo phẩm, lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng gửi tới chư tôn giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước, cùng toàn thể quý vị đại biểu lời chúc mừng tốt đẹp nhất; chúc Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành tựu viên mãn.

Nhấn mạnh ý nghĩa của Ngày Phật đản và quá trình ra đời, đồng hành cùng dân tộc, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Phật giáo đã bén rễ, ăn sâu và hòa nhập vào xã hội Việt Nam, trở thành một thành tố của nền văn hóa truyền thống cao đẹp của người Việt Nam, văn minh, văn hiến Việt Nam.

Trong suốt gần 80 năm qua, Phật giáo đã có những tác động, ảnh hưởng tích cực và đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa do Đảng ta lãnh đạo.

Với những triết lý sâu sắc và tỉnh thần "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", các hoạt động Phật sự và hoạt động xã hội của Phật giáo luôn hướng đến con người, vì con người, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì sự phát triển phồn vinh của đất nước, vì sự trường tồn của dân tộc. Kết hợp và hoà quyện với tinh thần yêu nước nồng nàn của Nhân dân ta, đây cũng chính là một trong những nhân tố góp phần viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc ta trong suốt quá trình kháng chiến, kiến quốc, đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, nhiều tăng ni, Phật tử đã trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng, nhiều cơ sở thờ tự của Phật giáo đã trở thành nơi che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng, nhiều nhà sư đã lên đường ra mặt trận, nhiều người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, cùng với các tôn giáo khác, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật tử trên khắp mọi miền của đất nước đã có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực, góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.

Bày tỏ phấn khởi, tự hào và cảm động trước những đóng góp của các tăng ni, Phật tử trên nhiều mặt công tác xã hội, các hoạt động từ thiện, nhân đạo, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đất nước ta có nhiều tôn giáo, tín ngưỡng - mỗi tín ngưỡng, tôn giáo mang những nét văn hóa riêng, nhưng đều hướng đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ, bởi vậy có sự dung hợp, đan xen và hòa đồng, thống nhất trong đa dạng. Cùng với các tín ngưỡng, tôn giáo khác, Phật giáo Việt Nam đã định hướng đời sống tinh thần và xây dựng các chuẩn mực đạo đức, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy đất nước phát triển.

Theo Thủ tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - Người đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân và hòa bình, tiến bộ của nhân loại rất tôn trọng, khâm phục tinh thần hy sinh cao cả của những người sáng lập ra Phật giáo, Kitô giáo và cho rằng mục đích cao cả của các vị ấy giống nhau ở chỗ họ đều muốn "mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội", thể hiện một phương pháp cách mạng độc đáo mang đậm phong cách Hồ Chí Minh.

Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động giao lưu quốc tế, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Phật giáo thế giới; qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần khẳng định chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

Bày tỏ trân trọng cảm ơn và đánh giá cao những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của toàn thể các tăng, ni, Phật tử Việt Nam cho cộng đồng, cho toàn xã hội và cho đất nước Việt Nam anh hùng, Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cần được phát huy hơn bao giờ hết, trong đó các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng.

Thủ tướng trân trọng chuyển lời chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến đồng bào Phật giáo cả nước nhân Đại lễ Phật đản, đồng thời nhắc lại lời của Tổng Bí thư về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo: "Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo, với 54 dân tộc anh em, nhiều tôn giáo cùng sinh hoạt tại các cộng đồng... Hiến pháp, pháp luật Việt Nam quy định tất cả mọi người dân đều có quyền theo hoặc không theo tôn giáo. Ở Việt Nam không có xung đột tôn giáo, xung đột dân tộc, tất cả chung sống hỏa thuận..." vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển.

Với tinh thần đó, cùng với các tôn giáo khác trong cả nước, Thủ tướng đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện phương châm "1 đẩy mạnh - 2 tiên phong - 3 trọng tâm". Trong đó, đẩy mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết trong Nhân dân; Tiên phong vận động đồng bào cả nước hiến tạng, hiến máu cứu người với tinh thần "Cho đi là còn mãi", đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện trong cả nước; Tiên phong chống mê tín, dị đoan, bảo đảm hoạt động tôn giáo vui tươi, lành mạnh với tinh thần "Đạo và đời - đời và đạo", kiên quyết không để các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để chống lại Nhà nước, dân tộc, Nhân dân, hoặc trục lợi, vì động cơ cá nhân, vi phạm quy định cả về Phật pháp và pháp luật.

Cùng với đó, thực hiện "3 trọng tâm": Góp phần giáo dục lòng yêu nước, thương dân trong Phật tử và trong toàn xã hội với tinh thần "Hộ quốc an dân"; Sống tốt đời đẹp đạo, phát huy hiệu quả hơn nữa tư tưởng "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội"; Góp phần xoá đói, giảm nghèo, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không để ai bị bó lại phía sau với tinh thần "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng", "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách", "Lá rách dùm lá rách hơn", nhất là trong khó khăn, hỏa hoạn, thiên tai, bão lũ...

Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán nguyên tắc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các hoạt động tinh thần lành mạnh, chính đáng, hợp pháp của tín đồ các tôn giáo, thể hiện đầy đủ bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành công trong công tác Phật sự; hoạt động và phát triển theo định hướng "Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển" mà Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX đã đề ra, hướng dẫn tăng ni, tín đồ Phật tử Phật giáo Việt Nam tiếp tục thực hiện phương châm hoạt động "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn gửi lời cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã chúc mừng Đại lễ Phật đản. Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, năm 2024 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phật giáo Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 – 2027, nửa năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã bám sát chương trình, chủ trương hoạt động của Giáo hội là "Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội". "kỷ cương, trách nhiệm, đoàn kết, phát triển" và "tốt đời, đẹp đạo", đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trong đó, Giáo hội tổ chức Đại lễ cầu siêu các anh hùng, liệt sĩ nhân Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; ủng hộ xây dựng 500 căn nhà tình nghĩa, với trị giá 60 tỷ đồng tặng người khó khăn về nhà ở tỉnh Điện Biên; tham dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ XIX tại Thái Lan...

Cho biết, Việt Nam được chọn và Giáo hội Phật giáo Việt Nam được phép đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ XX (lần thứ 4 tại Việt Nam) tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng tăng ni, đồng bào phật tử toàn quốc tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Hiến chương của Giáo hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, văn minh, thịnh vượng và hội nhập.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Thủ tướng chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Thủ tướng chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tỷ phú sáng lập Tập đoàn Infosys của Ấn Độ
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tỷ phú sáng lập Tập đoàn Infosys của Ấn Độ

VOV.VN - Chiều 20/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Nagavara Ramaroa Narayana Murthy, nguyên Chủ tịch, người sáng lập Tập đoàn Infosys (Ấn Độ).

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tỷ phú sáng lập Tập đoàn Infosys của Ấn Độ

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tỷ phú sáng lập Tập đoàn Infosys của Ấn Độ

VOV.VN - Chiều 20/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Nagavara Ramaroa Narayana Murthy, nguyên Chủ tịch, người sáng lập Tập đoàn Infosys (Ấn Độ).

Thủ tướng tuyên bố khởi công Dự án Mở rộng Nhà ga T2 sân bay Nội Bài
Thủ tướng tuyên bố khởi công Dự án Mở rộng Nhà ga T2 sân bay Nội Bài

VOV.VN - Chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), chiều 19/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công gói thầu xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị công trình mở rộng nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài - gói thầu chính và quan trọng nhất của dự án.

Thủ tướng tuyên bố khởi công Dự án Mở rộng Nhà ga T2 sân bay Nội Bài

Thủ tướng tuyên bố khởi công Dự án Mở rộng Nhà ga T2 sân bay Nội Bài

VOV.VN - Chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), chiều 19/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công gói thầu xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị công trình mở rộng nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài - gói thầu chính và quan trọng nhất của dự án.