Thủ tướng gặp gỡ đại diện các hiệp hội doanh nghiệp thuộc VBF
VOV.VN - Chiều 10/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đại diện các hiệp hội doanh nghiệp thuộc Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF).
Thủ tướng đề nghị đại diện doanh nghiệp nêu các vấn đề vướng mắc, tiêu cực cần xử lý hoặc viết thư phản ánh gửi đến Thủ tướng, Thủ tướng sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, tạo ra môi trường đầu tư tốt nhất. Đặc biệt, sẽ kiểm tra các lời cam kết của các địa phương đối với nhà đầu tư có thực hiện đúng không.
Tham dự buổi gặp mặt có lãnh đạo một số bộ, ngành của Việt Nam và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp: Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, châu Âu, Hoa Kỳ, Singapore tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).
Trước các nhà đầu tư, Thủ tướng cho biết, Việt Nam được xếp hạng trong top 5 nước dẫn đầu thế giới về chỉ số dòng chảy thương mại. Việt Nam có không gian phát triển tốt và ổn định, Nhà nước luôn luôn quan tâm đến sự phát triển, hỗ trợ mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp.
Đánh giá cao Diễn đàn VBF đã luôn đồng hành cùng Chính phủ, các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp suốt 23 năm qua, đưa ra nhiều khuyến nghị, sáng kiến hữu ích nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng cho biết, điều đó giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Ông Hong Sun, đại diện cho IFC, đồng Chủ tịch VBF cho biết, hiện nay tại châu Âu và Mỹ, dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra khá phức tạp, nhưng Việt Nam tiếp tục kiểm soát thành công dịch, “điều này góp phần giúp Việt Nam bắt đầu phục hồi nền kinh tế sớm hơn các nước khác. Đây là lợi thế quan trọng của Việt Nam và Chính phủ cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, vì họ đều đang chịu tác động nặng nề của Covid-19. Theo đó, Chính phủ đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu thực tiễn cũng như thể hiện tầm nhìn cởi mở, dài hạn của Chính phủ Việt Nam.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì đánh giá, bên cạnh điểm sáng kiểm soát Covid-19 thành công, Chính phủ trong nhiệm kỳ này còn thành công trong việc đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Nhờ đó, Việt Nam đã tăng 20 bậc về môi trường kinh doanh và 7 bậc về năng lực cạnh trong nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, theo đánh giá của LHQ, cứ 3 doanh nghiệp trên thế giới thì có 1 doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán. Đại diện VCCI đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt các gói hỗ trợ đã ban hành, nhất là mở rộng phạm vi, thời hạn của các gói.
Đại hiện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, nhất là về cơ chế nhập cảnh. Vì thế, 3.000 người Nhật Bản đã vào Việt Nam làm việc trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu. Đại diện các doanh nghiệp mong muốn chính quyền các địa phương giữ đúng các cam kết việc bảo đảm cấp điện 24/24 giờ, giảm thiểu các thủ tục, nộp thuế trực tuyến…
Đại diện cho WB, bà Carolyn Turk thì đánh giá, Việt Nam đang có vai trò tiên phong trên thế giới trong chiến thắng đại dịch Covid-19 và hy vọng Việt Nam sẽ dẫn đầu thế giới trong việc phục hồi nền kinh tế, dẫn đầu thế giới về tăng trưởng xanh. WB sẽ đồng hành hỗ trợ Việt Nam về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Diễn đàn VBF là kênh đối thoại chính sách quan trọng và hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025, phát triển bền vững trong trạng thái bình thường mới.
Thủ tướng đánh giá cao những vấn đề mà các hiệp hội doanh nghiệp nêu ra tại cuộc gặp; khẳng định Chính phủ sẽ sớm có phản hồi các vấn đề này. Thủ tướng nêu rõ, mặc dù suốt đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương nhưng vẫn còn bất cập, nhất là cần phải cải thiện hơn nữa về môi trường đầu tư kinh doanh; quan tâm xử lý vấn đề hạ tầng, năng lượng, giảm phí logistics; hình thành các thị trường rõ nét và thuận lợi hơn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhất là Chính phủ điện tử, công nghệ số trong quá trình phát triển. Việt Nam kiên định mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đồng thời chú trọng phát triển kinh tế. Hệ thống chính sách của Việt Nam thời gian tới sẽ hướng đến cải cách mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Thủ tướng cũng yêu cầu các nhà đầu tư nỗ lực chấp hành luật pháp Việt Nam, tránh chuyển giá, trốn thuế... Chính phủ sẽ lắng nghe và tháo gỡ mọi khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là rà soát lại những điểm còn bất hợp lý để điều chỉnh. Việt Nam đang hướng tới thành một môi trường cạnh tranh thuộc nhóm đầu ASEAN để mọi nhà đầu tư vào Việt Nam làm ăn thuận lợi. Trong đó, Cổng Dịch vụ công quốc gia đang ngày càng mở rộng, kết nối thuận lợi nhất, nhanh nhất cho mọi nhà đầu tư.
Thủ tướng cho biết, tháng 6/2020, Việt Nam đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đứng đầu để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng về cơ chế, chính sách, tiêu chí, chuẩn mực hợp tác đầu tư mang tính cạnh tranh quốc tế và giải pháp đón làn sóng chuyển dịch FDI./.