Thủ tướng giải đáp nhiều vấn đề cử tri Hải Phòng quan tâm
VOV.VN - Tại buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải đáp nhiều vấn đề "nóng" được cử tri quan tâm.
Chiều 30/11, tại huyện Cát Hải, Thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri thành phố, thông báo về kết quả Kỳ họp Quốc hội thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá cao Đảng, Nhà nước đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; quan tâm những nơi khó khăn, xa xôi, hẻo lánh; tập trung giải quyết những sự việc nhạy cảm, phức tạp trong xã hội. Những điều đó giúp nhân dân phấn khởi, ủng hộ và tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. |
Cử tri cũng hết sức vui mừng vì sự phát triển mạnh mẽ của Thành phố Hải Phòng thời gian qua, trong đó có những công trình thế kỷ như cầu Tân Vũ Lạch huyện, Nhà máy ô tô Vinfast, cầu Hoàng Văn Thụ, Khu đô thị Bắc Sông Cấm …
Bên cạnh đó, các cử tri đã nêu ra nhiều vấn đề quan tâm như cần chấn chỉnh, xử lý các vấn đề về vi phạm quy định an toàn thực phẩm, buôn lậu và gian lận thương mại; hỗ trợ hơn nữa cho người cao tuổi; tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn cho khu vực kinh tế tư nhân; quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế của huyện Cát Hải và bảo vệ nghề làm mắm truyền thông. Cử tri cũng mong muốn Chính phủ có thiết kế chính sách tín dụng hỗ trợ thanh niên lập nghiệp; xử lý tình trạng chặt phá rừng...
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng và cảm ơn các ý kiến phát biểu đầy tâm huyết và trách nhiệm của cử tri Cát Hải.
Thủ tướng nêu rõ, không chỉ sở hữu vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế, du lịch, là nguồn tài nguyên sinh quyển quốc gia, Cát Hải còn là địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh của đất nước. Đặc biệt, Thủ tướng nhắc đến lợi thế riêng có của Cát Hải là Cảng nước sâu tự nhiên Lạch Huyện có khả năng khai thác với hiệu quả kinh tế cao.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đã nêu những kết quả tích cực về tình hình kinh tế - xã hội đất nước thời gian qua, trong đó năm nay, 12/12 chỉ tiêu quan trọng của đất nước đều đạt và vượt kế hoạch.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận những vấn đề lớn của đất nước, mang tính dấu ấn. Trong đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia; Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Cử tri nêu nhiều vấn đề "nóng" của đất nước nói chung và Hải Phòng nói riêng. |
Cử tri Phạm Nghiêm cho biết, cử tri và nhân dân rất vui mừng, phấn khởi được biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108 ngày 26/11/2019 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cử tri huyện Cát Hải đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ ngành sớm triển khai chương trình hành động để Nghị quyết được trở thành hiện thực.
Trao đổi với cử tri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đối với Hải Phòng, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45 và tin tưởng thành phố sẽ phát triển mạnh mẽ thời gian tới.
Thủ tướng cũng đánh giá cao đề xuất của cử tri về việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Hải Phòng, trong đó có cầu Tân Vũ-Lạch Huyện 2, đường sắt kết nối Cảng nước sâu Lạch Huyện đến Hà Nội. Cho biết việc hoàn thiện hạ tầng rất quan trọng để phát triển, Thủ tướng sẽ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng nghiên cứu để có giải pháp hỗ trợ Thành phố Hải Phòng.
Riêng đối với vấn đề phát triển huyện Cát Hải mà cử tri Đoàn Hữu Thanh nêu ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết, việc quy hoạch Cát Hải trở thành khu công nghiệp, cảng biển, dịch vụ logistic đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khẳng định vai trò và vị trí của Cát Hải. Sự phát triển cảng biển ở Cát Hải là nhiệm vụ không chỉ của Hải Phòng mà còn thực hiện nhiệm vụ phát triển cho cả miền Bắc và cả nước. Thành ủy và UBND Thành phố cũng đã đặc biệt quan tâm đến nguyện vọng của nhân dân, quan tâm giữ gìn truyền thống văn hóa lịch sử, làng nghề.
Chính vì vậy, thành phố đã triển khai các quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư bảo đảm văn minh, hiện đại. Mục tiêu là vừa đảm bảo thực hiện nguyện vọng của cử tri, nhưng phải đảm bảo cuộc sống của người dân và con em của họ. Nếu không tổ chức lại dân cư, cứ ở rải rác, manh mún thì không bao giờ Cát Hải có thể trở thành đô thị văn minh được. Trong quá trình tái định cư phải làm đầy đủ thủ tục pháp lý, giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người dân.
Cử tri Phạm Tường, đại diện cho các doanh nghiệp tư nhân của Hải Phòng đánh giá cao Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến phát triển kinh tế tư nhân thời gian qua. Song theo ông, thực tế hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc (về thế chấp vay vốn, điều kiện lao động, môi trường sản xuất kinh doanh, công tác thanh tra - kiểm tra…).
"Để phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ có các giải pháp gì để hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ" - cử tri nêu vấn đề.
Thủ tướng tiếp xúc cử tri. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và liên tục đóng góp vào kinh tế đất nước thời gian gần đây. Từ mức đóng góp thấp trước kia, hiện kinh tế tư nhân đã đóng góp trên 40% GDP cả nước. Hiện chúng ta đã có trên 700.000 doanh nghiệp và phấn đấu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Đồng thời có trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể cả nước. Chính vì thế việc tháo gỡ khó khăn thông qua các hội nghị, qua các Nghị định, gặp gỡ doanh nghiệp, Chính phủ và các địa phương đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
"Sắp tới đây Thủ tướng có cuộc gặp rất lớn đối với các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt có rất đông doanh nghiệp kinh tế tư nhân để tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp, yêu cầu các cấp, ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân. Ở Hải Phòng cũng nên có cuộc gặp gỡ ấy để thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục đóng góp cho Thành phố" - Thủ tướng cho biết.
Đại diện cho lớp trẻ, cử tri Tống Thị Phương đặt vấn đề, hiện nay việc tiếp cận các nguồn vốn vay cho thanh niên chưa thực sự đáp ứng hết yêu cầu, số vốn vay còn thấp, ở một số nội dung thủ tục vay còn rườm rà, phức tạp, thời gian đáo hạn nhanh...gây ra không ít khó khăn trong hoạt động lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp.
Cử tri kiến nghị với Thủ tướng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan cụ thể hóa các kết luận của Thủ tướng tại các cuộc làm việc với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đặc biệt về nội dung ban hành 1 chương trình tín dụng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, để mỗi đoàn viên thanh niên có nhu cầu, mong muốn khởi nghiệp, lập nghiệp được tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn vay ưu đãi một cách có hiệu quả.
Ghi nhận ý kiến của cử tri Tống Thị Phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ sẽ giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất một cách hài hòa, không trùng lắp với các nguồn Quỹ Tín dụng khác, để làm sao tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp trong các cấp, các ngành đặc biệt là giới trẻ.
"Ý kiến này là cần thiết, các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện cho thanh niên, cho lớp trẻ hơn nữa. Lớp trẻ cũng phải trả lời câu hỏi ”Tổ quốc đã làm gì cho ta và ta phải làm gì cho Tổ quốc?”. Đó là một câu hỏi mang tính hai mặt của vấn đề" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cử tri Đoàn Thị Tiến thì nêu vấn đề bất cập về an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay, đồng thời mong muốn Chính phủ và chính quyền các cấp phải có các chương trình hành động đồng bộ, lâu dài, khả thi để tạo sự thay đổi căn bản trong nhận thức và ý thức trách nhiệm xã hội của các hộ, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Đồng thời hỗ trợ và khuyến khích việc áp dụng khoa học kỹ thuật, các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập cho người nông dân. Xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, để thực phẩm không an toàn không còn là nỗi lo hằng ngày của người dân.
Trao đổi với cử tri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú nêu rõ, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vấn đề này được Quốc hội và Chính phủ quan tâm. Thủ tướng đã có nhiều chỉ thị đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, những nhà sản xuất, siêu thị, bếp ăn có sai phạm. Điều tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đủ sức răn đe, giúp người dân sống mạnh khỏe hơn. Thủ tướng đề nghị từng gia đình, thôn, xã cùng tham gia giám sát an toàn thực phẩm tại địa phương.
Trước sự quan tâm của cử tri về công tác đối ngoài của đất nước trong năm 2020 với hai vai trò quan trọng là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông tin đến cử tri những nội dung công việc quan trọng trong năm tới để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng này, trong đó có việc chuẩn bị nội dung, hậu cần, an ninh cho hơn 300 hội nghị của ASEAN, cùng với đó là chuẩn bị khoảng 400 hội nghị liên quan chúng ta tham gia cùng chủ trì.
Thủ tướng đề nghị Thành phố Hải Phòng phối hợp để tổ chức một số hội nghị tại địa bàn, qua đó quảng bá giới thiệu về Hải Phòng và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.