Thủ tướng giải thích lý do cần có Luật Biểu tình

Lý do chính là tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền được Hiến pháp quy định và thuận lợi cho việc quản lý của chính quyền.    

Trong phiên chất vấn ngày 25/11, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) đề nghị Thủ tướng cho biết những căn cứ để Chính phủ đề nghị Quốc hội xếp lịch xây dựng Luật Biểu tình trong chương trình xây dựng luật. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Căn cứ để Chính phủ đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật Biểu tình là thực hiện Hiến pháp, theo đó Điều 69 quy định công dân được quyền biểu tình.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng

Thủ tướng cho rằng, thực tế cuộc sống có nhiều cuộc người dân tụ tập đông, biểu tình để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng kiến nghị với chính quyền nhưng lại  chưa có luật để điều chỉnh vấn đề này. Do đó, gây khó cho người dân khi thực hiện quyền được Hiến pháp quy định và cũng khó cho việc quản lý của chính quyền. Từ đó đã xuất hiện những biểu hiện mất an ninh trật tự, xuất hiện những việc lợi dụng để kích động, xuyên tạc gây phương hại cho xã hội.

Chính phủ đã có báo cáo kiến nghị và Quốc hội khóa XII đã có công văn yêu cầu Chính phủ ban hành Nghị định để quản lý, điều chỉnh biểu hiện tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự xã hội. Tuy nhiên, Nghị định của Chính phủ đã ban hành có hiệu lực pháp luật thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, xứng tầm như Hiến pháp quy định và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống đang đặt ra. Vì vậy, Chính phủ kiến nghị với Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật để có Luật Biểu tình.

Thủ tướng nêu rõ: Luật Biểu tình phải phù hợp với Hiến pháp, đặc điểm lịch sử văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam, thông lệ quốc tế; đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, Luật cũng có yêu cầu ngăn chặn những việc làm, những hành vi xâm hại đến an ninh trật tự, đến lợi ích của xã hội và nhân dân.

Thủ tướng khẳng định: Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là luôn luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả các hoạt động, việc làm của tất cả mọi người dân thật sự vì mục tiêu yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhưng đồng thời cũng không hoan nghênh và buộc phải xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những hoạt động, những hành vi với động cơ lợi dụng danh nghĩa lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền để thực hiện mục tiêu, mục đích gây phương hại cho đất nước, cho xã hội.

Ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép

Với những câu hỏi về chủ trương quản lý khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản mà đại biểu Lê Hồng Lĩnh (đoàn Hậu Giang), Trần Ngọc Quỳnh (đoàn Hưng Yên) đề cập, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chính phủ đã tổ chức họp, thảo luận về vấn đề này và thống nhất nhiều giải pháp lớn.

Theo đó, phải có giải pháp quản lý tốt hơn việc khai thác khoáng sản trái phép, khai thác khoáng sản làm ô nhiễm môi trường, gây mất trật tự an toàn xã hội, xuất khẩu khoáng sản thô.

Khoáng sản có giá trị quý hiếm, tài nguyên không tái tạo và tất cả mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ giữ gìn, khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả nhất.

Việc khai thác khoáng sản thời gian qua ã có đạt những kết quả, nhưng theo Thủ tướng, việc quy hoạch, khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản còn nhiều bất cập, nhiều hạn chế, yếu kém. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu cần đưa ra những giải pháp quan trọng.

Trước tiên, Chính phủ yêu cầu chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo, ngăn chặn bằng được việc làm khai thác khoáng sản trái phép gây bức xúc hiện nay. Chính quyền không thể nói không biết khi việc khai thác diễn ra trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Chính phủ chủ trương tạm dừng cấp phép khai thác các khoáng sản mới. Rà soát các dự án đang khai thác, dự án nào đang khai thác gây ô nhiễm môi trường, trái với giấy phép, gây hư hỏng đường xá, gây mất an ninh trật tự thì phải dừng ngay sản xuất khai thác. Việc rà soát này đi liền với bổ sung quy hoạch để quy hoạch theo hướng chế biến sâu, có hiệu quả cao nhất.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ chủ trương kiểm soát xuất khẩu khoáng sản, xuất khẩu quặng ngay tại các dự án chứ không phải để kiểm soát ở cửa khẩu. Doanh nghiệp làm đúng giấy phép nhưng việc xuất khẩu đó không có lợi, để dành chế biến sâu hơn thì cũng có giải pháp thích hợp để dừng lại.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tăng thêm ngân sách để tiếp tục khảo sát, điều tra, nghiên cứu về khoáng sản, vì chúng ta mới thăm dò hơn 50% đất liền về khoáng sản, trên biển mới hơn 1%./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên