Thủ tướng: Hà Nội cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực
VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu Thủ đô đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát việc triển khai của từng cấp.
Sáng 6/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội để đánh giá tình hình KT-XH 4 tháng đầu năm 2023, xử lý những kiến nghị và trao đổi tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển KT-XH Thủ đô - một đầu tàu kinh tế đất nước.
Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng chủ trì buổi làm việc.
Cùng dự có Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, lãnh đạo các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, với vai trò đặc biệt quan trọng là Thủ đô Hà Nội có vị trí, trái tim của cả nước, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa - xã hội của cả nước, với diện tích lớn thứ 17 trên thế giới; có 30 đơn vị hành chính, tổng diện tích gần 3.400 km2, đóng góp 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong thời gian qua, Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện khá toàn diện các mặt công tác; đạt được những kết quả khá tích cực, công tác xây dựng Đảng được chú trọng, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; Triển khai bài bản, quyết liệt, hoàn thành tốt mục tiêu kép, phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KTXH; Xây dựng và quản lý đô thị được tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, nhất là hạ tầng giao thông đã đưa vào vận hành Đường sắt đô thị Hà Nội số 2A, Cát Linh - Hà Đông; tập trung triển khai Đường Vành đai 4; hoàn thành hầm chui nút giao thông Lê Văn Lương.
Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục có bước tiến bộ; Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng được chú trọng; Giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, từ cơ sở vật chất cho tới chất lượng dạy và học.
Hà Nội giữ vững vai trò lá cờ đầu của cả nước về giáo dục đào tạo. Văn hóa xã hội được quan tâm; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định. Tích cực, chủ động trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Về kinh tế, thành phố đã đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển nhanh và bền vững, giai đoạn 2021-2022, tổng thu NSNN vượt gần 20% dự toán; giá trị nông nghiệp công nghệ cao đã chiếm tới 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ; thúc đẩy chuyển đổi số; GRDP năm 2022 đạt bình quân gần 142 triệu đồng/người, tăng hơn 18 triệu đồng so với năm 2020, bình quân tăng 7,07%/năm...
Về kết quả phát triển KTXH 4 tháng đầu năm 2023 tổng thu NSNN trên địa bàn là gần 178 nghìn tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán, tăng 21,6% so với cùng kỳ
Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút FDI với trên 7.000 dự án còn hiệu lực và vốn đầu tư 61,7 tỷ USD. Về vốn thực hiện, các dự án đã triển khai thực hiện được 41,1 tỷ USD (chiếm 66,6%) - đây là tỷ lệ khá cao so với mức bình quân chung của cả nước. Trong 4 tháng đầu năm 2023, thu hút FDI tăng trưởng đột phá với kết quả đứng đầu toàn quốc, đạt 1,71 tỷ USD tăng 260% so với cùng kỳ.
Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; kỷ cương hành chính được củng cố; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô. Hà Nội đã có sự bứt phá ngoạn mục, vươn lên xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số PAR Index 2022.
An sinh xã hội được đảm bảo; tổ chức tốt công tác chăm lo và các hoạt động Tết cổ truyền Quý Mão năm 2023; đảm bảo mọi người, mọi nhà đều vui Xuân, đón Tết. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách, người nghèo. Giá trị văn hóa và con người Hà Nội được quan tâm, đầu tư, phát huy.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ ngành đã giải đáp các kiến nghị của Thành phố Hà Nội về những vấn đề liên quan đến việc xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Tuyến số 3 - Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội ; Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi; việc đẩy nhanh thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội Tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Dự án Tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội Tuyến số 3.2 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai; Đoạn đường sắt quốc gia Yên Viên - Ngọc Hồi; Đề nghị cho phép TP Hà Nội được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội đối với đối với quỹ đất ở 20% thuộc các dự án có quy mô ≥ 2 ha được nộp bằng tiền và đề nghị cho phép dừng thực hiện thí điểm cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội...
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP. Hà Nội, đóng góp quan trọng và sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.
Thủ tướng đã chỉ rõ tiềm năng thế mạnh, bài học kinh nghiệm và một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng thấp, khó hoàn thành mục tiêu đạt 17% GRDP vào năm 2025. Kết quả thực hiện đầu tư công còn hạn chế; Quy hoạch xây dựng, triển khai chậm so với yêu cầu đề ra.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thành phố tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, triển khai các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII. Bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ.
Nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, tầm quan trọng của Thành phố trong sự phát triển chung của cả nước - Thủ đô vì cả nước, cả nước vì Thủ đô. Phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, huy động hiệu quả mọi nguồn lực. Biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể; tận dụng hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh.
Thủ tướng yêu cầu thành phố nhận diện rõ các khó khăn, thách thức, tồn tại hạn chế yếu kém trong quá trình phát triển của thành phố. Do đó, cần phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao.
"Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, càng áp lực thì càng phải nỗ lực, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2023 và Kế hoạch phát triển KTXH 2021-2025", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Thủ đô đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát việc triển khai của từng cấp.
Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết 30-NQ-TW của BCT về phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng; Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của Thành ủy, HĐND, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2023, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phải là đầu tàu của cả nước trong thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH.
Cùng với đó chủ động nắm bắt tình hình, không để bị động, bất ngờ; nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế Thành phố.
Giữ vững ổn định kinh tế Thành phố, phát huy vai trò trung tâm kinh tế của cả nước; triển khai đồng bộ các giải pháp kích thích kinh tế, kích cầu đầu tư, tiêu dùng; kiểm soát giá cả, thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh các động lực tăng trưởng của nền kinh tế thành phố (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng). Phát huy tối đa lợi thế so sánh, huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, đẩy mạnh hợp tác công tư. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án kết cấu hạ tầng KTXH trọng điểm như: đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội và các dự án khác.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô, sớm hoàn thiện, trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Cần có tầm nhìn tổng thể, dài hạn; cơ chế, chính sách đặc thù, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô; phân cấp, phân quyền tối đa, chính quyền Thủ đô phải gọn nhẹ, giảm tầng nấc trung gian.
Thủ tướng cũng yêu cầu thành phố hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065. Tổ chức triển khai quy hoạch đô thị thật tốt, vừa hiện đại và bản sắc, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thành phố.
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Chú trọng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết ngay những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp hướng đến những ngành nghề có ưu thế, tiềm năng dựa trên đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển công nghiệp phụ trợ.
Ưu tiên đầu tư dịch vụ có giá trị gia tăng và tính liên kết ngành cao như tài chính, logistics, thương mại điện tử… Chuyển đổi, hình thành các xây dựng khu công nghiệp xanh, sinh thái, thông minh. Đẩy mạnh ứng dụng KHCN, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; Phát triển KTXH đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến và bảo vệ môi trường. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội;
Tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.
Về các kiến nghị của thành phố Hà Nội, trên cơ sở ý kiến của các bộ ngành, Thủ tướng cơ bản đồng ý giải quyết các kiến ghị của thành phố trên tinh thần đúng pháp luật, tạo cơ chế khơi thông để thành phố phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh của Thủ đô Hà Nội./.