Thủ tướng: “Hưng Yên không năng động, sáng tạo sẽ tụt hậu”
VOV.VN -Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với truyền thống “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến” mà lại để số doanh nghiệp thấp là chưa tương xứng.
Chiều 11/12, tại Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hưng Yên về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội.
Năm 2016, tăng trưởng kinh tế của Hưng Yên ước đạt 8,1%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 13%.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Thu ngân sách của Hưng Yên ước tăng hơn 130 lần, đạt 9.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người trên 44,5 triệu đồng/năm.
Hưng Yên có mô hình trồng cây dược liệu, cây ăn quả cho giá trị đến 1 tỷ đồng/ha. Mô hình trồng nghệ cho giá trị tới 600 triệu đồng/ha.
Góp ý với Hưng Yên về các định hướng phát triển, đại diện các bộ cho rằng, tỉnh thúc đẩy sản xuất để tạo nguồn thu, trở thành tỉnh có số thu trên 10.000 tỷ đồng.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh khá thấp nên cần cải thiện để thu hút đầu tư.
Trong bối cảnh lực lượng lao động nông nghiệp thấp thì Hưng Yên cần đẩy mạnh đào tạo nghề, phát triển các đô thị, nhất là các đô thị nhỏ để tăng tỷ lệ đô thị hóa.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng cho rằng, Hưng Yên cần khai thác các thế mạnh của tỉnh để thúc đẩy phát triển.
Thế mạnh đó là nằm trong vùng quy hoạch Thủ đô với hệ thống giao thông thuận lợi kết nối với Hà Nội, Hải Phòng, Quốc lộ 1; có nhiều khu công nghiệp đã được lấp đầy, có nhiều làng nghề truyền thống, là cơ sở phát triển mỗi làng một nghề và phát triển du lịch, cũng như là tiền đề chuyển đổi các hộ kinh doanh sang hoạt động sang mô hình doanh nghiệp.
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2016, Thủ tướng đánh giá, dù nhiều khó khăn thì tăng trưởng kinh tế của Hưng Yên vẫn hơn mức bình quân của cả nước. Trong đó, chỉ tiêu thu ngân sách đạt kết quả tốt.
Thủ tướng nêu rõ: “Thu ngân sách Nhà nước là chỉ tiêu rất quan trọng, nói lên việc địa phương đó có phát triển bền vững hay không, nhất là thu nội địa. Tỉnh có mức thu ngân sách tăng bình quân liên tục 17%. Trong 20 năm mà tăng thu ngân sách trên 10 lần, năm 2016 đạt trên 9.000 tỷ, vượt dự toán. Và năm 2017, Hưng Yên là 1 trong 16 địa phương nộp ngân sách về Trung ương. Đây là điều đáng tự hào. Tôi làm việc với địa phương nào cũng nhấn mạnh điều này, bởi có nhiều tỉnh nhận trợ cấp ngân sách với mức cao, có tỉnh lên đến 70% thì ngân sách trung ương không thể chịu nổi. Trong khi địa phương nào cũng có thế mạnh phát triển. Dù quy mô thu của Hưng Yên chưa cao nhưng đây là một tỉnh mới chia tách, nên đó là cố rắng rất lớn”.
Theo người đứng đầu Chính phủ, năm nay, Hưng Yên cũng đã có 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 41% số xã, cao hơn nhiều mức trung bình 23% của cả nước. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô kinh tế và thu nhập bình quân đầu người còn thấp.
Thủ tướng nhấn mạnh đến việc môi trường đầu tư của tỉnh chưa hấp dẫn, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ đứng thứ 56 năm 2015.
Đến nay số doanh nghiệp của tỉnh chỉ là 7.100, mức khó chấp nhận với tỉnh có dịch vụ phát triển, nhiều làng nghề, giao thông thuận lợi.
Với truyền thống “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến” mà lại để số doanh nghiệp thấp như vậy là chưa tương xứng.
Nếu Hưng Yên không năng động, sáng tạo, chậm đột phá, thì sẽ tụt hậu so với các tỉnh trong vùng.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Thủ tướng nêu rõ, là quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đảng bộ, lãnh đạo tỉnh cần phát huy truyền thống, dám nghĩ dám làm.
Tỉnh cần có quyết tâm và có giải pháp cụ thể khai thác thế mạnh thuộc vùng Thủ đô, xây dựng Hưng Yên là tỉnh giàu mạnh. Trong đó việc đầu tiên là cần làm tốt công tác quy hoạch, từng mét vuông đất phải được định hình sử dụng vào những việc cụ thể, nhất là với tỉnh có mật độ dân số cao như Hưng Yên.
Cùng với đó là kết nối tốt hạ tầng của tỉnh với các địa phương khác. Trong quá trình phát triển, tỉnh phải chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường sống.
Cho rằng vẫn có sự trì trệ trong bộ máy chính quyền địa phương, Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong năm 2017.
Theo đó cần xác định rõ các mục tiêu ưu tiên trong phát triển kinh tế, thúc đẩy kinh tế tư nhân, phát triển đổi ngũ doanh nghiệp, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, các làng nghề truyền thống; phát triển các mô hình chuỗi liên kết sản xuất.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp chất lượng cao, phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp, phát triển các mô hình chuỗi liên kết sản xuất.
Cùng với đó là tận dụng lợi thế đất đai tốt, phát triển nhiều mô hình nông nghiệp 500 triệu đồng/ha.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh cần thúc đẩy phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp theo cụm ngành, tạo ra hệ sinh thái công nghiệp. Kèm theo đó là sử dụng đất đai các khu công nghiệp một cách hiệu quả, tránh lãng phí. Cùng với đó cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.
Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI hiện đang đứng thứ 53, khắc phục ngay tính thụ động trông chờ và cần phát huy tính năng động của chính quyền địa phương trong việc trong việc thu hút đầu tư.
Phải thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương để tỉnh Hưng Yên lập quy hoạch và triển khai thành phố công nghiệp với diện tích khoảng 3000 ha, thuộc địa phận các huyện Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động để phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ, tạo động lực phát triển thành tỉnh công nghiệp; đồng ý về mặt chủ trương để một số trường Đại học được thực hiện cơ chế chuyển đổi quỹ đất từ cơ sở cũ trong nội thành Hà Nội để có vốn đầu tư cơ sở mới tại Khu đại học phố Hiến và tỉnh Hưng Yên./.
Thủ tướng trao Huy hiệu Đảng cho nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan