Thủ tướng: Không để dân vùng bão lũ "màn trời chiếu đất"
VOV.VN - Lãnh đạo các địa phương phải đặc biệt quan tâm, chăm sóc những gia đình bị thiệt hại nặng, mất người, mất nhà cửa sau bão lũ.
Chiều 26/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đại diện một số bộ, ngành làm việc với lãnh đạo 4 địa phương chịu thiệt hại lớn do bão lũ vừa qua là Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình và Thanh Hóa. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải sử dụng các nguồn hỗ trợ đúng mục đích, không vì bệnh thành tích mà để dân thiếu đói.
Theo Bộ NN7PTNT, riêng đợt mưa lũ sáng 3/8 và đợt từ 9-12/10 vừa qua tại 4 tỉnh vừa nêu đã làm 91 người chết và mất tích. Trên 356 nhà bị sập, đổ hoàn toàn. Tổng thiệt hại tới 8.500 tỷ đồng. Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 245 người chết và mất tích, trên 4.600 nhà bị sập, đổ trôi, thiệt hại vật chất tổng giá trị tới 36.500 tỷ đồng.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các địa phương cho biết đang nỗ lực khắc phục hậu quả, nhưng gặp nhiều nhiều khó khăn do nguồn lực hạn hẹp, nhất là đối với công tác di dân khỏi những vùng nguy hiểm, khắc phục các công trình hạ tầng bị thiệt hại. Trước mắt, các tỉnh Hòa bình, Yên Bái, Thanh Hóa đều đã báo cáo Thủ tướng và đề xuất hỗ trợ di dân khẩn cấp tới 17.244 hộ, nhưng đến nay mới di dời được khoảng 2.700 hộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. |
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo các địa phương và bộ ngành đã đề cao tinh thần trách nhiệm, vào cuộc kịp thời, cố gắng hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ.
Tuy vậy, Thủ tướng yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc từ công tác dự báo đến chỉ đạo phòng chống khắc phục. Vấn đề trước mắt là tập trung lo chỗ ở cho người dân để trở lại cuộc sống bình thường; đảm bảo học sinh đến trường và đề phòng bệnh tật có thể xảy ra. Đặc biệt, lãnh đạo các địa phương phải đặc biệt quan tâm, chăm sóc những gia đình bị thiệt hại nặng, mất người, mất nhà cửa, không để cô đơn, mặc cảm do quá khó khăn.
Đồng ý về việc hỗ trợ lương thực cho người dân gặp khó khăn tại các địa phương, Thủ tướng lưu ý, những tỉnh nào quá khó khăn, thiếu lương thực cho dân, lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh phải báo cáo kịp thời với Chính phủ để kịp thời hỗ trợ cho người dân.
“Nguồn cứu trợ phải sử dụng đúng mục đích, nhưng không vì bệnh thành tích mà để dân thiếu đói. Còn lấy gạo cứu trợ mà đi làm giao thông nông thôn thì việc đó phải kỷ luật. Nhưng vấn đề lương thực trước mắt và nhà ở tối thiểu phải có, không để người dân màn trời chiếu đất”- Thủ tướng chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương và bộ ngành, nhất là Bộ NN&PTNT sát sao với sản xuất vụ Đông, đảm bảo các loại giống, nhất là các giống rau, củ quả, cây lương thực; chủ động lo Tết ngay từ bây giờ, nhất là đối với vùng thiên tai.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo giao thông thông suốt. Thủ tướng cũng yêu cầu ngành điện hỗ trợ hệ thống quan trắc và hỗ trợ một số địa phương có thủy điện lớn nhưng chịu thiệt hại lớn do mưa lũ là Hòa Bình, Sơn La.
Đồng ý với đề xuất của lãnh đạo tỉnh Sơn La về việc công tác dự báo, cảnh báo cần chỉ rõ những nơi lũ sớm và sạt lở đất sớm, tránh tình trạng cảnh báo đỏ khắp cả tỉnh khiến người dân không biết di dời đến đâu, Thủ tướng yêu cầu việc dự báo, cảnh báo phải sát thực tiễn, và tinh thần là không để người dân nằm trong vùng quá nguy hiểm.
Mường La (Sơn La) gồng mình khắc phục hậu quả bão lũ
Với khoảng 38% trong số khoảng 2.900 hồ xuống cấp, đặc biệt hồ nhỏ ở các địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải sớm sửa chữa, tránh tình trạng để xảy ra rủi ro vỡ hồ khiến hàng triệu mét khổi nước đổ xuống với gia tốc lớn, cuốn cả làng, xã, gây thiệt hại nặng nề.
Trước thực tế người dân các địa phương đang sinh sống trong vùng nguy hiểm cần di dời, Thủ tướng yêu cầu cùng với việc di dời cấp bách cần tính toán lại quy hoạch dân cư.
“Vấn đề quy hoạch dân cư và đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là những khu vực dân cư ở sát chân núi cần phải được tính toán, quy hoạch và rà soát lại từng bước, không thể làm ngay được. Kiến nghị của tỉnh Hòa Bình về quy hoạch cho dân cư là rất đúng và cũng là yêu cầu càn phải tính toán để dân cư có đất sản xuất, an toàn được và để có thể chủ động được”, Thủ tướng yêu cầu.
Đồng ý với các kiến nghị của địa phương về hỗ trợ gạo, giống, kinh phí cho việc di dời hay hỗ trợ một số hạ tầng, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính tập hợp, nghiên cứu đề xuất Thủ tướng mức hỗ trợ cụ thể từ nguồn dự phòng. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu phải sử dụng nguồn này đúng mục đích.
“Các Bộ, ngành, địa phương phải sử dụng hỗ trợ trực tiếp của tỉnh, rót ngân sách của Trung ương và vận động nhân dân các cấp các ngành. Tình cảm của người dân đối với các vùng thiên tai là tình cảm người tốt việc tốt phải nhân nét nhân văn này lên. Nguồn hỗ trợ phải được sử dụng đúng mục đích, trước hết hỗ trợ người dân làm nhà, không được giữ lại. Chủ tịch UBND tỉnh phải sâu sát vấn đề này, nhất là Phó Chủ tịch phụ trách thiên tai ở địa phương, huy động bà con làng xóm, thanh niên hỗ trợ cho người dân làm nhà cửa”, Thủ tướng nêu rõ.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ NN&PTNT sẽ có Hội nghị phòng chống thiên tai của Việt Nam năm 2017. Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp đề xuất nội dung và thời điểm hội nghị./.
Nghệ An: Mưa lũ khiến 10 người thiệt mạng, thiệt hại hơn 750 tỷ đồng