Thủ tướng: Không để trí tuệ và khoa học Việt Nam thua trên sân nhà
VOV.VN - "Chúng ta cứ mải mê nghiên cứu vấn đề cao siêu, không để ý ứng dụng của thực tế để rồi đứng nhìn doanh nghiệp Việt Nam trả tiền cho nước ngoài"
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam sáng 27/12, Thủ tướng nhấn mạnh, sứ mệnh lớn nhất của Viện trong giai đoạn hiện nay là góp phần để trí tuệ và nền khoa học Việt Nam không thua kém ngay trên sân nhà.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ ngành, lãnh đạo và các nhà nghiên cứu, cán bộ nhân viên của Viện Hàn lâm – Khoa học Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam |
Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam được thành lập năm 1975, là tổ chức đầu tàu trong hệ thống khoa học và công nghệ quốc gia, đi đầu cả nước trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao.
Viện có 52 đầu mối, hơn 4.000 cán bộ viên chức, trong đó có gần 220 giáo sư và phó giáo sư, 840 tiến sỹ và tiến sỹ khoa học; đang duy trì hợp tác với 19 viện hàn lâm nổi tiếng trên thế giới. Năm 2015, lần đầu tiên Việt Nam có 2 trung tâm về toán học và vật lý thuộc Viện được UNESCO công nhận và bảo trợ tại kỳ họp 38 Đại Hội đồng UNESCO. Đây là sự công nhận của quốc tế đối với sự phát triển toán học và vật lý của Việt Nam.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ còn là đơn vị thành công trong việc làm chủ vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSAT-1 được phóng từ năm 2013, hoạt động hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng; Viện đang khẩn trương triển khai dự án xây dựng Trung tâm Vệ tinh quốc gia bằng vốn ODA Nhật Bản, dự kiến đầu năm 2019 sẽ phóng vệ tinh chế tạo tại Nhật Bản và đến năm 2021 sẽ phóng vệ tinh chế tạo tại Việt Nam.
Năm 2016, Viện công bố tổng cộng trên 2.000 công trình khoa học. Trong gần 1.000 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế, có trên 740 công trình đăng trên các tạp chí uy tín đạt chuẩn ISI, số lượng đứng đầu cả nước. Viện đã thực hiện 1.070 hợp đồng khoa học công nghệ với kinh phí trên 233 tỷ đồng, trong đó gần 850 hợp đồng là đơn đặt hàng của doanh nghiệp; có 9 công nghệ đã được chuyển giao vào sản xuất và đời sống thông qua các hợp đồng và công nghệ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Thủ tướng nhấn mạnh, sứ mệnh lớn nhất của Viện trong giai đoạn hiện nay là góp phần để trí tuệ và nền khoa học Việt Nam không thua kém ngay trên sân nhà, để từ đó có thể hội nhập vào chuỗi giá trị tri thức toàn cầu một cách chủ động.
Thủ tướng nhấn mạnh, đã đến lúc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng như mọi cơ quan nghiên cứu khoa học trên cả nước cần nhìn lại, suy ngẫm và hành động theo tinh thần quan điểm nổi tiếng của một nhà lý luận, nhà khoa học với bề dày hoạt động thực tiễn, đó là Tổng Bí thư Trường Chinh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI là “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây cũng là trăn trở của Đảng, Nhà nước và nhân dân, cũng là những tâm sự Thủ tướng muốn chia sẻ với các nhà khoa học của Viện.
Việc nhiều nhà sản xuất đứng trước các vấn đề về công nghệ, chủ yếu tìm đến các nhà sản xuất và tư vấn nước ngoài, Thủ tướng cho rằng, đó là thực tế cần suy nghĩ, là thách thức và yêu cầu mà các nhà khoa học cần rút kinh nghiệm.
Chỉ ra tình trạng các đề tài nghiên cứu còn nặng tính lý thuyết, chỉ góp phần làm dày thêm các tủ lưu trữ tại các thư viện, Thủ tướng lưu ý Viện, nghiên cứu không đáp ứng yêu cầu của thực tế thì sẽ tự mình thua trên sân nhà.
“Chúng ta cứ mải mê nghiên cứu những vấn đề cao siêu mà không để ý những nhu cầu ứng dụng đơn giản của thực tế, để rồi đứng nhìn các doanh nghiệp Việt Nam phải chi trả những khoản tiền lớn cho nước ngoài, cho những vấn đề mà không phải trong nước không giải quyết được”, Thủ tướng bày tỏ.
Do vậy, thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo Viện, song song với nghiên cứu khoa học cơ bản thì cần dành thời gian, nguồn lực thỏa đáng để nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học vào thực tiễn; phải tạo mối liên kết hữu cơ giữa nghiên cứu khoa học công nghệ với sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp, đồng thời giảm dần tình trạng các doanh nghiệp trong nước đang bỏ ra các chi phí lớn thuê các đơn vị tư vấn khoa học công nghệ ở nước ngoài.
“Viện và các nhà khoa học cần lo cho doanh nghiệp, lo cho khởi nghiệp nhiều hơn nữa trong nghiên cứu. Vì doanh nghiệp giải quyết lao động, tạo thu ngân sách, giải quyết việc làm, doanh nghiệp giúp tăng GDP. Khoa học phải theo hướng này để phục vụ sự phát triển”, Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng khẳng định, khoa học công nghệ đã được Đảng, Nhà nước xác định động lực phát triển đất nước, nhưng đến nay, vai trò đó chưa được phát huy đúng với tiềm năng của người Việt Nam. Thủ tướng đặt vấn đề, để thực hiện tốt chủ trương này, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam phải tiến hành các nghiên cứu định tính và định lượng, xây dựng đề xuất thích hợp với Chính phủ.
Trong lĩnh vực đào tạo, Viện cần không ngừng nỗ lực để khẳng định chất lượng đào tạo trong bối cảnh khoa học công nghệ đang tác động nhanh chóng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Viện cũng cần tinh gọn bộ máy, áp dụng phương thức quản lý phù hợp để thu hút và giữ chân nhân tài, sáng tạo ra các sản phẩm và ý tưởng có tính ứng dụng cao, phục vụ người nông dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng trò chuyện với các nhà khoa học của Viện |
Nhấn mạnh nhiệm vụ khởi nghiệp là quan trọng, Thủ tướng mong muốn từ những nghiên cứu, ý tưởng khoa học của Viện, sẽ có những nhà khởi nghệp thành công ở trong nước và quốc tế. Ngay trong lòng của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cũng có các nhà khởi nghiệp xuất sắc.
Thủ tướng cũng đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ, là đối tác gần gũi, phải có sự tương tác, hỗ trợ để cùng phục vụ sự phát triển của kinh tế-xã hội đất nước, nhất là về những vấn đề xã hội bức xúc./.
Thủ tướng: Sẽ báo cáo Trung ương và Quốc hội giảm diện tích đất lúa