Thủ tướng: Kích giá lên cao quá đáng, người chăn nuôi có được hưởng?

VOV.VN - "Kích giá lên cao quá đáng, người chăn nuôi có được hưởng hay chỉ một bộ phận được hưởng giá cao? Nhiều doanh nghiệp công bố lãi rất lớn, rất vô lý"

Sáng nay (21/4) của Ban Chỉ đạo điều hành giá quốc gia, một trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất giải pháp kiểm soát giá thịt lợn hiện đang ở mức cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngay trong tháng này hoặc đầu tháng tới, các cơ quan chức năng phải đưa giá thịt lợn hơi xuống mức khoảng 60.000 đồng/kg.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá, tăng giá thịt lợn của một số doanh nghiệp chăn nuôi là chưa hợp lý, khi giá thành chỉ khoảng 45.000 đồng nhưng giá bán ra có thể gần gấp đôi.

Ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, hiện nay nước ta vẫn chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, cung ứng 65% sản lượng thịt lợn cho toàn quốc, còn lại 35% là của các hộ chăn nuôi lớn (15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn). Hiện chúng ta mới có sự điều hành, kêu gọi nhất định đối với lực lượng cung ứng 35%, còn lực lượng cung ứng 65% vẫn chưa thực hiện được. Vì vậy, ông Hải cho rằng, cần lưu ý là cần bám sát và đưa ra con số chính xác về nguồn cung và quan trọng là rà soát lại xem thiếu ở đâu, vùng nào để có kế hoạch hay tiếp tục phương án nhập khẩu thịt lợn.

Điều đáng nói là trong khi giá thành chăn nuôi lợn hơi chỉ khoảng 45.000 đồng/kg thì chi phí trung gian còn cao hơn cả giá thành. Nếu như trước dịch tả lợn châu Phi, chi phí trung gian của thịt lợn cao nhất cũng chỉ 46.000 đồng/kg thì hiện nay, chi phí trung gian cao nhất lên tới 74.000 đồng/kg. Theo nhiều ý kiến tại cuộc họp, đây là điều rất bất hợp lý, cần phải nghiên cứu điều chỉnh lại các khâu trung gian.

Nêu lên giải pháp cho vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đang thúc đẩy các địa phương trong việc tái đàn để đến quý 3 năm nay sẽ giải quyết được vấn đề cung cầu. Song Bộ đề nghị các địa phương hết dịch nhanh chóng công bố hết dịch và hỗ trợ các hộ chăn nuôi tái đàn nhanh, an toàn.

Ông Phùng Đức Tiến cũng cho biết, năm nay, nguồn cung thịt lợn sẽ không thiếu và sẽ hoàn thành mục tiêu đạt 5,8 triệu tấn, riêng thịt lợn sẽ là 3,8 triệu tấn, tăng 18,4% so với năm ngoái.

“Thời gian từ đầu năm đến nay các chỉ đạo của Thủ tướng với ngành nông nghiệp đều sát và rất quyết liệt, nên chắc chắn các chỉ tiêu, thứ nhất là lương thực, ruột là lúa gạo 43,5 triệu tấn sẽ phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức, dù các vụ tới đây còn khó khăn thách thức. Thứ hai sản lượng thịt 5,8 triệu tấn sẽ đạt, trứng 14,6 tỷ quả sẽ đạt, sữa 1,2 triệu tấn sẽ đạt. Tuy nhiên còn gợn của giá thịt lợn, nhưng với chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ thì đến quý 3, quý 4 sẽ giảm được áp lực. Điều này chúng tôi hoàn toàn tin tưởng”- ông Phùng Đức Tiến nói.

Giải pháp nữa là nhập khẩu thịt lợn, so với chỉ đạo nhập khẩu 100.000 tấn thì đến nay cả nước đã nhập khẩu được một nửa. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, đề xuất: “Thời gian vừa rồi Thủ tướng cũng chỉ đạo nhiều việc nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ để cân bằng thương mại, giá lợn của Mỹ và các nước khác cũng không chênh lệch nhau nhiều, nhưng hiện lợn Mỹ chưa về mà lợn từ các nước khác đã về. Do đó thời gian tới thì có thể tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ thị trường Mỹ”.

Trước thực tế giá thịt lợn vẫn ở mức cao, tại phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo, yêu cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo 389, các cơ quan chức năng, kiểm tra giảm chi phí khâu trung gian. Trước hết mục tiêu là sớm giảm giá mặt hàng thịt lợn xuống khoảng 60.000 đồng/kg.

"Kích giá lên cao quá đáng, người dân chăn nuôi có được hưởng hay chỉ một bộ phận được hưởng giá cao? Do đó các Bộ theo chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện biện pháp bình ổn giá thịt lợn, trước hết là kiểm tra giá thành, đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn để có biện pháp hữu hiệu, yêu cầu doanh nghiệp giảm giá bán. Lãi quá ít thì không ai làm, nhưng lãi mức nào so với giá thành là rất quan trọng. Trong khi nhiều doanh nghiệp công bố lãi rất lớn, rất vô lý. Chúng ta động viên doanh nghiệp, nhưng phải phân bổ lợi nhuận hợp lý" - Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ đạo nếu có sự đầu cơ trái pháp luật thì phải xử lý nghiêm. 

Cùng với việc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp thúc đẩy tái đàn hiệu quả hơn, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp hỗ trợ vốn cho các hộ tái đàn, một số địa phương hết dịch tả lợn châu Phi phải công bố hết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, tăng nhập khẩu thịt lợn để đảm bảo cung cầu cả trước mắt và lâu dài. Trong đó, có mấy việc quan trọng đó là kiểm tra giám sát nhập khẩu thịt lợn và đưa bán ra thị trường. Cùng với đó, là giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu thịt lợn cả chính ngạch và tiểu ngạch:

“Thứ ba rất quan trọng là giáo dục tiêu dùng cho người dân, nếu cứ ăn thịt nóng mãi khó đáp ứng được yêu cầu mà phải ăn thịt mát, thịt đông lạnh. Một số siêu thị họ có giới thiệu công nghệ hiện đại, an toàn thực phẩm, chất lượng tốt. Ngành công thương và ngành nông nghiệp phải tổ chức thực hiện việc này. Vừa rồi chúng ta mới nhập khẩu 45.000 tấn, kế hoạch cả năm là nhập khẩu 100.000 tấn”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng khuyến cáo người chăn nuôi, nếu không tái đàn, có biện pháp thúc đẩy chăn nuôi thì có thể mất thị phần trong nước, bởi nhà nước sẽ nhập khẩu thịt lợn để đảm bảo cung cầu và kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng.

Đối với đề xuất mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương và các bộ, ngành nghiên cứu kỹ lưỡng, có những đánh giá tác động, có đề án cụ thể trình các cấp có thẩm quyền theo quy định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên