Thủ tướng kỳ vọng Quảng Ninh là đầu tàu kinh tế
VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng Quảng Ninh là đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất cả nước trong nhiệm kỳ này.
Chiều 22/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, lãnh đạo các Bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, một số nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan, xây dựng Dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh. |
Là tỉnh miền núi, nhưng Quảng Ninh có kinh tế - xã hội khá phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm nay ước đạt trên 10%, tổng thu ngân sách đạt 36.000 tỷ đồng. Tỉnh áp dụng mô hình hợp tác công tư (PPP) để đầu tư cơ sở hạ tầng khá thành công với 36 dự án, tổng vốn gần 36.000 tỷ đồng. Về môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng 3 cả nước, chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 6 cả nước. Toàn tỉnh hiện có 12.000 doanh nghiệp, trong đó riêng năm nay thành lập mới 1.600 doanh nghiệp.
Thời gian qua, Quảng Ninh đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và đã báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét. Tỉnh đã lập quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020, tầm nhín 2030 và đã được Thủ tướng phê duyệt.
Góp ý với Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà lưu ý, Quảng Ninh là tỉnh có du lịch phát triển mạnh mẽ, nên cùng với phát triển các dự án đầu tư thì cần lưu ý đến bảo vệ môi trường, nhất là các dự án lấn biển, kè biển. Bộ trưởng cũng lưu ý Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, từ năm 2020 không còn được khai thác than lộ thiên nên cần chuẩn bị công nghệ để khai thác, tránh làm suy giảm môi trường.
Góp ý về việc hình thành Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, nhiều Bộ, ngành đồng tình với kiến nghị của Quảng Ninh, kiến nghị Chính phủ sớm trình Bộ Chính trị phê duyệt Đề án, đồng thời cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Quảng Ninh để đưa ra các cơ chế phù hợp. Đại diện Bộ Giao thông - Vận Tải đồng tình với Quảng Ninh, kiến nghị Thủ tướng đưa sân bay Vân Đồn vào quy hoạch sân bay quốc tế.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, Quảng Ninh có nhiều thế mạnh như có di sản văn hóa thế giới, đã có đường cao tốc, có cảng biển nước sâu, có cửa khẩu quốc tế, sắp có thêm sân bay Vân Đồn. Cùng với những điều kiện cụ thể, nhất định Quảng Ninh sẽ có bước phát triển mới nếu như có một cơ chế tốt.
Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng Quảng Ninh là đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất cả nước trong nhiệm kỳ này. |
Thủ tướng biểu dương thời gian qua Quảng Ninh đã có nhiều thành công trong việc xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Từ năm 2012 - 2016, Quảng Ninh đã huy động trên 190.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ xã hội. Như vậy với 1 đồng ngân sách, Quảng Ninh đã huy động được 8,3 đồng ngoài ngân sách. Nhiều công trình lớn của Quảng Ninh đã được đầu tư từ nguồn vốn này.
Tỉnh cũng đã cải cách bộ máy, giảm biên chế, đặc biệt là cải cách hành chính bước đầu thành công; là một trong các địa phương đầu tiên có Trung tâm dịch vụ hành chính công. Quảng Ninh cũng đã chọn được mũi nhọn phát triển, trong đó có du lịch. Tỉnh cũng đã chọn mô hình phát triển đúng hướng và dày công nghiên cứu, trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất hình thành Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn.
Tuy vậy, hạn chế của tỉnh là tăng trưởng cao nhưng dưới mức tiềm năng; giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao còn ít; doanh nghiệp địa phương còn hạn chế về quy mô và khả năng cạnh tranh; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, ngay cả phục vụ cho lĩnh vực du lịch chất lượng cao. Tỉnh vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác vận chuyển chế biến kinh doanh than; nguy cơ ô nhiễm môi trường còn cao, nhất là với Vịnh Hạ Long.
Từ những thực tế đó, trong định hướng sắp tới, Thủ tướng chỉ đạo: “Tầm nhìn của Quảng Ninh phải trở thành trung tâm kinh tế động lực của Bắc Bộ và cả nước, trung tâm giao lưu quốc tế, một điểm đến cho nhà đầu tư, du khách, hàng hóa và những ý tưởng sáng tạo đột phá. Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng Quảng Ninh là đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất cả nước trong nhiệm kỳ này, giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm. Để có tầm nhìn mạnh bạo này, sự then chốt là xây dựng niềm tin để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ vào Quảng Ninh”.
Muốn vậy, Quảng Ninh phải có chiến lược tổng thể, nhất quán, có tầm nhìn xa, có chiều sâu về quy hoạch phát triển. Mô hình phát triển mà Quảng Ninh lựa chọn phải mở cửa, thu hút được nhân tài trong và ngoài nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mô hình đó phải cởi mở ở mức cao nhất và thuận lợi nhất, nhất là với Khu kinh tế Vân Đồn.
Nếu Quảng Ninh coi du lịch là đột phá thì tỉnh cần đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo tạo nhân lực, quảng bá hình ảnh và cần xây dựng hệ sinh thái du lịch phong phú với cộng đồng người dân Quảng Ninh cùng làm du lịch. Đặc biệt, Quảng Ninh cần lưu ý bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản để phát triển có chiều sâu và giá trị cao hơn. Thủ tướng đặt vấn đề Quảng Ninh phải sớm thu hút ít nhất 7 triệu khách du lịch quốc tế, gần 20 triệu khách nội địa để du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn.
Cùng với đó, Quảng Ninh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quyết liệt thực hiện các Nghị quyết 19, 35, 60 của Chính phủ, phấn đấu đưa Quảng Ninh trở thành một trong tốp 5 tỉnh đứng đầu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của cả nước. Đến năm 2020, tỉnh cần phấn đấu có 25.000 doanh nghiệp, gấp đôi hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. |
Với lợi thế là tỉnh có biên giới với Trung Quốc, Thủ tướng cho rằng Quảng Ninh cần phát triển thương mại, tận dụng tối đa lợi thế của kinh tế cửa khẩu; khuyến khích tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, người dân mở rộng giao thương.
Chính phủ sẽ kiến nghị Bộ Chính trị theo hướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan, xây dựng Dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn.
"Chúng ta làm khẩn trương trên hồ sơ và kiến thức đã có. Sau đó trình Bộ Chính trị xem xét thông qua, trình Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thông qua trong phiên họp tháng 5/2017. Nếu có Luật thì nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Về kiến nghị ban hành Nghị định về kinh doanh casino, Thủ tướng cho biết, các thành viên Chính phủ đã có ý kiến đối với dự thảo Nghị định, Văn phòng Chính phủ đang trình Thủ tướng xem xét, ban hành Nghị định.
Trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát và kiểm tra tiến độ thi công Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh, một trong những dự án hạ tầng trọng điểm của Khu kinh tế Vân Đồn.
Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh có sân bay quốc tế với tiêu chuẩn 4E, thuộc xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, có tổng vốn 7.400 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT do Sungroup bỏ vốn. Đây là dự án trọng điểm thuộc tổng thể Dự án Khu kinh tế Vân Đồn, nhằm tạo động lực để thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Đồn. Theo quy hoạch, đến năm 2020 sẽ xây nhà ga và hệ thống phụ trợ có công suất tiếp nhận 2 triệu khách và đạt mức 5 triệu khách/năm vào năm 2030. Cảng cho phép khai thác máy bay Booing 777 và tương đương.
Thủ tướng đã chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, thi công đảm bảo chất lượng dự án quan trọng này./.